.
Đối thoại đầu tuần

Bứt phá kỷ lục của chính mình

.

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) năm 2014 trong khối 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) 2014 vừa được Bộ Nội vụ công bố ngày 4-9.

Với tổng điểm cao hơn năm trước 5,52 điểm, Đà Nẵng đã bứt phá kỷ lục của chính mình. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Chế Viết Sơn khẳng định: Thành phố chưa bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được, vẫn không ngừng hoàn thiện CCHC.

* Bộ Nội vụ vừa công bố Chỉ số PAR INDEX năm 2014 và Đà Nẵng tiếp tục lần thứ ba giữ vững ngôi đầu trong 63 địa phương với điểm số cao hơn năm trước là 5,52 (92,54 điểm năm 2014 so với 87,02 điểm của năm 2013). Vậy Đà Nẵng đã bứt phá ở những lĩnh vực, tiêu chí nào?

- PAR INDEX được áp dụng để đánh giá quá trình triển khai và kết quả CCHC của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định trên 8 lĩnh vực (trong đó có 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần) gồm: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế quản lý tài chính công đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Tổng thang điểm đánh giá là 100, bao gồm 60 điểm do Bộ Nội vụ chủ trì thẩm định và 40 điểm được tiến hành thông qua điều tra xã hội học.

So với năm 2014, chỉ số CCHC của thành phố Đà Nẵng được đánh giá tăng điểm khá toàn diện ở 7/8 lĩnh vực (chi tiết ở bảng so sánh), bao gồm tăng 4,1 điểm do các bộ, ngành Trung ương thẩm định, nhờ các sở, ban, ngành, quận, huyện đã làm tốt hơn trước (năm 2013) về các nội dung: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế quản lý tài chính công.

Điều đáng nói là năm 2014, thành phố được đánh giá tốt hơn và tăng 1,42 điểm thông qua điều tra xã hội học. Đây là điểm số do các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho điểm đánh giá đối với chất lượng và tác động của CCHC tại thành phố, chuyển biến trên hầu hết các lĩnh vực, rõ nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa tập trung của thành phố.

* Việc đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính cùng với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tập trung 24 đầu mối sở, ban, ngành có mang lại điểm thưởng (cộng) thêm cho Đà Nẵng không, thưa ông?

- Như tôi vừa phân tích ở trên, thành phố đạt điểm tối đa 7,5/7,5 điểm do tổ chức tốt, hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ (Bộ Nội vụ thẩm định).

Bên cạnh đó, có thể nói, nhờ các đổi mới và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong việc triển khai mô hình “một cửa điện tử” tại các quận, huyện, phường, xã, “một cửa” tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố trong năm 2014 mà điểm đánh giá bên ngoài (điều tra xã hội học) tăng 0,61 điểm thông qua khảo sát người dân, doanh nghiệp của thành phố.

Việc đưa vào hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố từ tháng 9-2014 cùng các tiện ích được thiết kế triển khai (tổng đài tư vấn khách hàng, hệ thống phần mềm “một cửa điện tử” tập trung, chuyển phát nhanh thủ tục hành chính...), các phương án liên thông, liên kết, tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính là hướng đi đúng nhận được sự ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp. Đây là mô hình cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển trong thời gian đến.

* Năm 2014, Đà Nẵng còn những lĩnh vực, tiêu chí nào chậm cải thiện về điểm số hoặc chưa cải thiện, hoặc thấp điểm hơn so với năm 2013?

- Nhờ tuân thủ tốt các quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện nên chỉ số thành phần về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đạt điểm tối đa 6,5/6,5 điểm do Bộ Nội vụ thẩm định nhưng lại giảm 0,4 điểm thông qua điều tra xã hội học về thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện.

Đây là nội dung cần quan tâm để rà soát, triển khai Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5-5-2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Tương tự năm trước, ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố chỉ số CCHC, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan rà soát các điểm mạnh, điểm tốt, điểm hạn chế để có giải pháp, kế hoạch cụ thể. CCHC là vấn đề tổng thể.

Vì vậy, cần có sự đầu tư và triển khai đồng bộ trên tất cả lĩnh vực theo yêu cầu của chương trình tổng thể CCHC Nhà nước. Đồng thời, cần có bước đi, cách làm mang tính hệ thống, kết hợp kế hoạch lộ trình chi tiết hằng năm, có công cụ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Kết quả 3 năm liền giữ vị trí dẫn đầu về đánh giá CCHC là do lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành quan tâm, quyết liệt và có cách làm phù hợp nêu trên.

* Việc duy trì vị thứ dẫn đầu khối 63 tỉnh, thành phố có gây áp lực cho chính quyền thành phố?

- Để có được kết quả vừa qua thực sự không đơn giản, nhưng giữ được kết quả đó thiết nghĩ còn khó hơn. Áp lực đối với chính quyền thành phố không phải đến từ việc duy trì thứ hạng mà xuất phát từ chính yêu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của người dân đối với chính quyền thành phố.

Đà Nẵng chưa bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được, vẫn không ngừng hoàn thiện và khắc phục những hạn chế, tồn tại để mang đến cho người dân và doanh nghiệp sự phục vụ ngày càng tốt hơn. Xét đến cùng, chỉ số CCHC chỉ là một công cụ, một thước đo.

Điều quan trọng là những tác động to lớn từ công tác CCHC đối với việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và niềm tin của nhân dân vào chính quyền thành phố. Chính điều này mới bảo đảm tính bền vững của các thành quả mà chính quyền thành phố có được từ những nỗ lực không ngừng trong công cuộc cải cách và đổi mới.

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.