Hằng năm, tại Đà Nẵng, vẫn có những vụ nổ thương tâm do bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Làm thế nào để giảm nỗi đau, thiệt hại do bom mìn gây ra, đồng thời giúp đỡ các nạn nhân là vấn đề cần được các địa phương quan tâm.
Trao phương tiện sinh kế cho người khuyết tật là nạn nhân bom mìn tại Đà Nẵng. |
Nguy cơ tiềm ẩn
Dù đã hơn một năm sau vụ nổ thương tâm cướp đi sinh mạng của 2 người nhưng người dân thôn Trường Định, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) vẫn chưa hết lo lắng. Vào thời điểm đó, trong lúc lưu thông trên đoạn đường đồi, ông Lê Ta (40 tuổi) và ông Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi, cùng trú tổ 34, phường Hòa Hiệp Bắc) phát hiện 1 quả đạn lớn.
Hai ông đã dùng xe máy chở quả đạn đến khu vực đồi keo thôn Trường Định, sát đường ADB5. Dựng xe ở đường mòn lên đồi, hai ông đi bộ vào bóng râm gần đường mòn rồi cưa quả đạn. Quả đạn phát nổ khiến hai ông chết tại chỗ.
“Vụ nổ ghê gớm quá. Tụi tui chỉ nghe một tiếng nổ long trời. Khi chạy đến thì phát hiện thi thể hai người không còn nguyên vẹn. Tội nghiệp quá!”, anh Nguyễn Hoài Nam (30 tuổi, người dân sống trong khu vực này) cho biết.
Trước năm 1975, Đà Nẵng chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, hứng chịu nhiều bom, mìn, vật liệu nổ; nơi đây là trọng điểm của các trận đánh ác liệt. Vì thế, sau chiến tranh, số vật liệu nổ còn sót lại rất nhiều với đủ chủng loại... Trong những ngày đầu năm nay, khi đang làm rẫy trên triền núi cách cầu số 6, đường tránh phía Nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu) gần 400m, người dân trong khu vực đã phát hiện quả bom lớn lộ ra dưới 1,5m đất. Sau đó, quả bom đã được đưa lên khỏi mặt đất và xử lý kỹ thuật.
Theo số liệu khảo sát tại các địa phương của Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm), tính đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 350 người khuyết tật là nạn nhân bom mìn sau chiến tranh. Địa phương có số lượng đông nhất là huyện Hòa Vang, với hơn 200 người, chiếm hơn 50%. Hầu hết họ bị khuyết tật về tay, chân, mắt và những vết sẹo do vật liệu nổ gây ra.
Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm, cho biết đa phần những nạn nhân bom mìn hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng là những người dân lao động nghèo, đi khai hoang và kiếm kế sinh nhai từ các bãi đất hoang, thu gom phế liệu, sắt, thép còn vương vãi sau chiến tranh, nên khi gặp tai nạn do bom mìn, dẫn đến khuyết tật, tàn tật, cuộc sống của họ càng khó khăn hơn.
Cùng với các chính sách của Nhà nước trợ giúp người khuyết tật, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng như khuyến khích người khuyết tật tham gia các khóa đào tạo nghề để có cơ hội tìm việc làm; hỗ trợ sinh kế để tạo thu nhập cải thiện cuộc sống...
Trong tổng số nạn nhân bom mìn, số người có việc làm ổn định chỉ đạt 25%. Hầu hết họ không muốn học nghề bởi họ nghĩ mình không thể học, không thể làm nghề…, mà chỉ mong được hỗ trợ sinh kế để chăn nuôi, buôn bán nhỏ.
“Chúng tôi đang triển khai mô hình “Trợ giúp người khuyết tật là nạn nhân bom mìn” nhằm hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng, học nghề và tạo việc làm ổn định để hòa nhập cộng đồng”, bà Hoa nói. Sau khi mở hồ sơ quản lý, Trung tâm đã phối hợp với cán bộ địa phương tư vấn, kết nối gia đình họ tiếp cận các dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố như: phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, cải thiện môi trường sống, các chính sách bảo trợ xã hội và các chương trình hỗ trợ hòa nhập khác…
Qua đó, đã hỗ trợ 16 đối tượng học nghề (trồng nấm, trồng cây cảnh, điện dân dụng…) và sinh kế (bò giống, heo giống) cho 25 gia đình cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, theo bà Hoa, hầu hết nạn nhân bom mìn đã lớn tuổi nên cần hỗ trợ sinh kế nhiều hơn theo nhu cầu của người khuyết tật và gia đình, đồng thời nâng mức hỗ trợ từ 7 triệu đồng lên 10 triệu đồng cho một gia đình.
Bài và ảnh: KIM NGÂN