Thành phố Đà Nẵng vừa có chủ trương thí điểm hợp nhất trung tâm văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng (TTVHTT&HTCĐ) các phường, xã trên địa bàn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là chưa khả thi.
Một buổi dạy nghề làm hoa cho chị em phụ nữ của Trung tâm Học tập cộng đồng phường An Hải Đông (quận Sơn Trà). |
19 địa phương được chọn thí điểm mô hình hợp nhất nói trên gồm 13 phường trực thuộc quận Hải Châu, các phường Xuân Hà và An Khê (quận Thanh Khê), phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Các địa phương này đang xây dựng Đề án hợp nhất theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, dự kiến đầu năm 2016 sẽ đi vào hoạt động.
Tập trung nguồn lực, giảm biên chế
Đại diện Sở Nội vụ cho biết, theo Văn bản số 10147 ngày 10-11-2014, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động cho mỗi thiết chế văn hóa cơ sở, cụ thể là trung tâm văn hóa-thể thao phường, xã với mức 25 triệu đồng/phường, xã/năm. Kinh phí hoạt động đối với trung tâm học tập cộng đồng được bố trí lâu nay là 20 triệu đồng/phường, xã/năm.
Việc hợp nhất sẽ nâng tổng kinh phí hoạt động của thiết chế chung này lên 45 triệu đồng/năm. TTVTTT&HTCĐ sau khi hợp nhất sẽ do một bộ máy quản lý lãnh đạo (cùng các cán bộ chuyên trách) thay vì 2 bộ máy như trước đây, theo đó góp phần tinh giảm biên chế trong quản lý, vận hành các hoạt động văn hóa-xã hội nói chung của thành phố.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết cán bộ, đơn vị thụ hưởng chủ trương đều cho rằng, mô hình sẽ phát huy tối đa các hoạt động mang tính giáo dục cộng đồng, thông qua các lớp học chuyên đề tuyên truyền về chính sách của Đảng, Nhà nước, các chuyên đề dạy nghề, các hoạt động văn hóa-thể thao…
“Chức năng hoạt động của trung tâm văn hóa-thể thao đang xây dựng và trung tâm học tập cộng đồng lâu nay có nhiều điểm chung, hướng đến việc nâng cao dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng của người dân địa phương. Khi hợp nhất, chúng ta sẽ có điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, tầm ảnh hưởng các hoạt động này trong quần chúng”, bà Nguyễn Thị Biên, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Đông, một trong những phường được chỉ định xây dựng Đề án hợp nhất TTVHTT&HTCĐ nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo bà Biên, việc hợp nhất trên không hẳn tinh giảm được biên chế, bởi theo hướng dẫn, biên chế bộ máy của mô hình hợp nhất TTVHTT&HTCĐ gồm 1 giám đốc là phó chủ tịch UBND phường phụ trách văn hóa-xã hội kiêm nhiệm phụ trách chung, 1 phó giám đốc phụ trách văn hóa - thể thao do công chức văn hóa-xã hội tại phường kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc phụ trách học tập cộng đồng do ủy viên BCH hội khuyến học phường kiêm nhiệm và 4-5 cán bộ chuyên trách phụ trách các mảng thông tin - tuyên truyền cổ động, văn hóa quần chúng, thể dục thể thao, kế toán, thủ quỹ, chưa kể bảo vệ và những công tác có thể phát sinh khác.
Như vậy, một bộ máy để bảo đảm hoạt động của TTVHTT&HTCĐ lên đến 8-10 người. Khi đó, kinh phí 45 triệu đồng/năm mà thành phố bố trí, tiết kiệm lắm cũng chỉ gần đủ chi cho phần quản lý con người. “Muốn tổ chức một hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng cấp phường hiện nay, ít nhất cũng phải có từ 10-20 triệu đồng. Nếu dựa vào nguồn xã hội hóa còn hạn chế, như phường chúng tôi hiện tại chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng/năm để hoạt động thì rất chênh vênh”, bà Biên phân tích.
Nên giãn lộ trình?
Điều đáng nói là trong khi các địa phương được chỉ định đang gấp rút xây dựng Đề án thí điểm mô hình hợp nhất TTVHTT&HTCĐ, thì hầu hết các phường, xã trên toàn thành phố mới chỉ bước đầu thành lập được bộ máy, nhưng chưa có trung tâm văn hóa-thể thao phường, xã nào (kể cả các phường, xã được chọn thí điểm) có đầy đủ tư cách pháp nhân với con dấu, tài khoản riêng.
Thậm chí, theo phản ánh, có nơi chưa được thông qua Đề án xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao của địa phương mình, chứ chưa nói đi vào hoạt động, dù chủ trương thành lập các trung tâm văn hóa-thể thao phường, xã đã có từ năm 2014 và việc triển khai thành lập bộ máy thiết chế này đã được bắt đầu từ đầu năm 2015. Vì vậy, một luồng ý kiến cho rằng, trước mắt, thành phố nên hoàn thành việc thành lập và vận hành bộ máy hoạt động trung tâm văn hóa-thể thao phường, xã cho ổn định, nên gác lại việc sáp nhập.
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà, cho biết địa phương này đang khá chần chừ trong việc xây dựng Đề án hợp nhất, vì không biết nên lo thủ tục hoàn thành tư cách pháp nhân của trung tâm văn hóa-thể thao phường trước, để rồi sau khi hợp nhất, phải xóa con dấu vừa có được để làm con dấu mới.
“Chưa kể, việc hợp nhất sau khi đi vào hoạt động có phát huy hiệu quả như chủ trương đề ra hay vấn đề khả thi của mô hình còn được tính đi, tính lại. Một khi “danh chưa chính” thì rất khó bàn những vấn đề tiếp theo như tổ chức hoạt động, phát huy hiệu quả, v.v...”, ông Nghĩa nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch quận Thanh Khê, cho biết quận chủ trương giãn tiến độ hợp nhất TTVHTT&HTCĐ. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, quận Thanh Khê sẽ lo hoàn chỉnh bộ máy của trung tâm văn hóa-thể thao của 5 phường còn lại như kế hoạch đề ra từ đầu năm. Ngay cả phường An Khê và phường Xuân Hà đang được chỉ định xây dựng Đề án hợp nhất cũng cần tập trung lo hoạt động của Trung tâm VHTT phường mình trước khi tính đến Đề án hợp nhất. Ông Chiến nói rằng, đầu năm 2016, quận Thanh Khê mới bắt tay vào việc xây dựng cụ thể Đề án hợp nhất đối với hai phường thí điểm.
Được biết, việc nhân rộng mô hình hợp nhất sẽ được xem xét, đề xuất tùy tình hình thực tế sau ngày 31-3-2016.
Bài và ảnh: THANH TÂN