.

Hương hoa mù u

.

Tôi tin vào những điều tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất mà quá khứ bi hùng của dân tộc còn lưu giữ được qua những cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước.

Cây mù u cùng con người tham gia lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng năm 2006.
Cây mù u cùng con người tham gia lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng năm 2006.

Một trong những điều như thế, giản đơn như là cây mù u không sợ gió bão, chịu mưa dầm nắng hạn, cây thấp mà tàn hẹp, rễ chắc mà khá sâu.

12 tháng Giêng năm Bính Tuất 2006, với tư cách phóng viên Báo Đà Nẵng, tôi về dự Hội làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Năm đó cây mù u bên đình Hòa Mỹ bỗng dưng ra hoa nhiều hơn, điểm xuyết những chùm sao trắng năm cánh trên nền xanh thẫm tán lá. Ngắt vội một chùm hoa, cảm nhận mùi hương thoảng nhẹ trong gió đầu xuân.

Năm đó Tạp chí Non Nước phát động cuộc thi viết ký chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Tôi những muốn tham gia nhưng tìm mãi chẳng ra đề tài nào. Hương hoa mù u cùng với tiếng trống khai hội trầm hùng hôm ấy gợi nhớ cây mù u cổ thụ trước miếu Bà Khuê Trung và tiếng trống rền vang trong lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng hằng năm ở nghĩa trủng Hòa Vang nay nằm trên đất Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.

Trong đầu liền bật lên đề tài cùng với mấy nét ý chính…

Rằm tháng ba sau đó, quận Cẩm Lệ tổ chức Lễ tưởng niệm Nghĩa sĩ Đà Nẵng trong trận đầu đánh Pháp. Tôi đứng hồi lâu trước Chiến sĩ đài ở nghĩa trủng, nghe bài văn tế đậm nét bi hùng của người nay mà mường tượng cảnh xông pha hòn tên mũi đạn vì nước quên thân của người xưa: Nước sông Hàn hai ba phen cuồn cuộn; tàu Tây dương bắn phá lũy An Đồn/Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn; súng nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải…

Tan lễ, nhà báo Đ.N.K và tôi ngồi tán gẫu trong gian hàng “Trà đạo” dưới gốc cây sộp bên nhà thờ Tiền hiền Khuê Trung. Chuyện còn chưa đến hồi kết thì trời đã khuya, tôi đưa K. về - nhà anh cách đó không xa. Chắt lọc những chuyện vặt đêm đó cũng ra được một số ý hay, đủ cho tôi đưa vào đề tài đang thai nghén.  

Rồi nhiều đêm liền ngồi trước bàn phím với chùm hoa mù u mang về từ Hòa Mỹ. Hương hoa đã tàn, sắc hoa đã úa. Nhưng dường như hoa vẫn giấu ở đâu đó một ẩn ngữ trầm mặc, nó gợi ra trong tôi một vỉa quặng tiềm ẩn và giục tôi cố công khai quật. Tôi tin vào những điều tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất mà quá khứ bi hùng của dân tộc còn lưu giữ được qua những cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước. Một trong những điều như thế, giản đơn như là cây mù u không sợ gió bão, chịu mưa dầm nắng hạn, cây thấp mà tàn hẹp, rễ chắc mà khá sâu.

Tôi nhớ ông Năm Đãi, một lão làng người Khuê Trung, lớn lên cùng với gốc mù u bên miếu Bà, từng lọ mọ chống cây gậy trúc đưa tôi ra nơi mà ông cho là chốn linh thiêng nhất của vùng đất quê mình. Khi đồng nghiệp P.H.P của tôi viết bút ký Có một nghĩa trủng nữa ở Đà Nẵng đăng trên Quảng Nam-Đà Nẵng cuối tuần thì nghĩa trủng còn là những nấm mộ đất hoang phế, cỏ mọc um tùm. Lúc đó tôi không biết cỏ gì, nhìn những cánh hoa màu đỏ vươn cao lên trời giữa bốn bề hiu quạnh, cám cảnh nên gọi là cỏ Ngọn Nến. Chạnh nghĩ, người còn khi nhớ khi quên nhưng cỏ thì lúc nào cũng thắp cho những linh hồn nằm lại ở đó những ngọn nến tiếc thương.

Một chút lịch sử bi tráng, một chút thực tại đau buồn, tôi đưa tất cả vào bài biên khảo Từ thành Điện Hải đến Nghĩa trủng Hòa Vang đăng trong sách Đà Nẵng tiến vào thế kỷ XXI do NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2000. Hơn một năm sau, nhà thơ An Hạ bạn tôi, tên thật Nguyễn Hữu Hùng, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Trung, báo tin mừng rằng đề án trùng tu Nghĩa trủng giai đoạn 1 đã được thành phố phê duyệt với kinh phí hơn 600 triệu đồng. Đưa tin này trên Báo Đà Nẵng, lòng cảm thấy ấm lại. Vậy là người cũng đã biết cách thắp nến.

Từ đó hơn nghìn nghĩa sĩ đã mồ yên mả đẹp. Cụm di tích Nghĩa trủng - miếu Bà - Nhà thờ Tiền hiền được tôn tạo cho xứng tầm với giá trị văn hóa vốn có. Cây mù u vẫn sớm chiều tỏa bóng nhưng ông Năm Đãi thì đã ra đi vĩnh viễn sau khi trở thành nhân vật chính trong Khúc tráng ca mù u - thiên bút ký tôi viết về Nghĩa trủng Hòa Vang qua đó đề cao sự giữ gìn văn hóa tinh thần, lưu ý người đời sau cần lưu giữ những giá trị truyền thống. Ngước nhìn bóng dáng vững chãi của cây mù u cổ thụ, một nửa ngả bóng che rợp miếu Bà, một nửa nhoài mình trên những nấm mồ nghĩa sĩ, tôi chợt cười một mình khi hình dung ra nụ cười sảng khoái của ông Năm Đãi ngày nào.

Giờ mỗi khi nghe tiếng ve râm ran, hương mù u dìu dịu, lại cảm thấy tiếc một điều, Khúc tráng ca mù u năm đó đoạt giải nhất cuộc thi ký, thế mà không uống được một ly rượu mừng với nhân vật chính...

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.