Nhiều chủ thuê bao mạng viễn thông di động tỏ ra bức xúc vì mỗi ngày phải nhận hàng chục tin nhắn rác từ các nhà mạng. Những tin nhắn chào mời mua đất, bán sim điện thoại, quay số trúng thưởng… đã làm phiền lòng không ít người tiêu dùng trong khi công tác quản lý hiện nay còn nhiều bất cập.
Tình trạng tin nhắn rác vẫn tiếp tục tràn ngập trên điện thoại di động của người tiêu dùng dù đã có nhiều biện pháp xử lý. |
Mua sim rác dễ như… mua rau
Đang chạy xe giữa trời nắng, chị N.T.M (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) nhận được chuông điện thoại báo có tin nhắn. Chị dừng xe, mở điện thoại xem thì bực mình vì lại nhận được tin nhắn rác chào mời mua sim số đẹp từ một thuê bao lạ. “Nhiều khi đang ngủ nửa đêm cũng bị tin nhắn rác làm phiền nhưng tôi cũng không biết làm thế nào, đành phải “ngậm bồ hòn” chứ gọi nhà mạng nhiều lần cũng đâu vào đấy. Không hiểu sao nhiều người lại có được số điện thoại di động của tôi để gửi tin nhắn rác liên tục như thế”, chị M chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Chương Đức, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố cho biết, hầu hết tin nhắn rác đều phát tán từ các sim rác hoặc chủ thuê bao ảo. “Nếu bỏ chi phí để sử dụng dịch vụ quảng cáo hợp pháp thì rất cao, trong khi đó chi phí cho việc gửi tin nhắn rác chỉ khoảng 250 đồng/tin. Vì sự tiện lợi như vậy nên hầu như cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng chọn hình thức dùng sim rác để đăng quảng cáo”, ông Đức phân tích.
Theo ông Đức, ở nước ngoài mua được 1 sim điện thoại không dễ, phải qua nhiều thủ tục và phải có đăng ký hẳn hoi. Còn ở Việt Nam mua sim điện thoại “dễ như mua rau”. Chính kẽ hở này đã tạo cơ hội cho các đối tượng có nhu cầu làm quảng cáo phát tán tin nhắn rác đến người tiêu dùng.
Hiện nay, người tiêu dùng không chỉ “chịu trận” tin nhắn rác từ các sim rác mà chính các nhà mạng mỗi ngày cũng “dội bom” tin nhắn với những dịch vụ mà khách hàng không hề mong muốn. Nhằm khai thác triệt để cơ hội tương tác với người dùng, các nhà mạng đua nhau gửi tin nhắn SMS đến thuê bao với mục đích giới thiệu các dịch vụ, trò chơi… nhằm “móc túi” thuê bao điện thoại.
Theo ông Đức, các tin nhắn quảng cáo của nhà mạng đều kèm theo đuôi “Tu choi QC soạn TC gửi…” nên không thể gọi là tin nhắn rác. Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng vẫn cảm thấy bị làm phiền vì tần suất gửi tin nhắn của nhà mạng quá nhiều. “Nhiều lúc vì quá bực mình nên tôi soạn tin nhắn từ chối quảng cáo để nhà mạng khỏi làm phiền. Nhưng soạn từ chối đồng nghĩa với việc nhà mạng sẽ cắt luôn cả những tin nhắn quảng cáo nạp tiền khuyến mãi có lợi cho mình”, một khách hàng bức xúc phản ánh.
Nhà mạng phải vào cuộc
Để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, cuối năm 2014, Bộ TT&TT ban hành Chỉ thị 82/CT-TTTT. Thế nhưng, sau gần 9 tháng thực hiện, chỉ thị này vẫn chưa đủ sức răn đe khi tình trạng tin nhắn rác vẫn tiếp tục tràn ngập trên điện thoại di động của người tiêu dùng. Sở TT&TT cho biết, sau khi Chỉ thị 82 ban hành, số lượng tin nhắn rác quảng cáo, lừa đảo trên địa bàn nhìn chung có giảm.
Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, chính sách quản lý thông tin thuê bao di động vẫn chưa thống nhất giữa các nhà mạng đã dẫn đến tin nhắn rác vẫn phát tán. “Việc phạt tiền các tổ chức, cá nhân phát tán tin nhắn rác hiện nay rất khó khăn vì cơ quan quản lý không thể xác định được chủ thuê bao để xử phạt”, ông Đức cho hay. Các chuyên gia công nghệ cho rằng, nguyên nhân tin nhắn rác vẫn hoành hành như hiện nay là do không có biện pháp quản lý, ngăn chặn hiệu quả, cụ thể là với thuê bao trả trước và sim rác.
Trong cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin do Sở TT&TT tổ chức mới đây, các nhà mạng đều cho rằng đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác làm phiền người tiêu dùng. Tuy nhiên, một chuyên gia ngành công nghệ cho rằng, “nhà mạng thiếu trách nhiệm với người dùng và cũng không bị xử lý trong vấn nạn tin nhắn rác. Nếu cơ quan quản lý không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của nhà mạng thì sẽ không thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác”.
Để giải quyết tận gốc tình trạng phát tán tin nhắn rác, các nhà mạng phải tập trung thực hiện cho được việc quản lý thuê bao di động trả trước; đồng thời, cương quyết xử lý những trường hợp phát tán tin nhắn rác, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để chặn triệt để tin nhắn rác.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN