Cụ Nguyễn Như Gia (ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), một trong 3 đảng viên của Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ - chi bộ đầu tiên ở huyện Hòa Vang, vẫn nhớ rõ những ngày thu lịch sử trên quê hương Hòa Vang - Đà Nẵng.
Cụ Nguyễn Như Gia |
Năm 1942, cụ Gia bị bắt và bị giam tại nhà lao Hội An (Quảng Nam). Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9-3-1945, anh chị em tù chính trị phát động phong trào đấu tranh đòi tự do, kéo dài cả tháng, buộc địch phải nhượng bộ. Ra tù vào ngày 10-4 năm đó, cụ và đồng chí Nguyễn Hữu Tú (Bí thư Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ, cùng bị địch giam tại Hội An) tìm bắt liên lạc và tiếp tục hoạt động tại quê nhà: làng Phú Sơn, tổng An Phước (nay là thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang).
Đầu tháng 5-1945, anh Nguyễn Xuân Nhĩ (Tỉnh ủy Quảng Nam) về chỉ đạo Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ vận động thành lập Mặt trận Việt Minh huyện Hòa Vang. Mặt trận Việt Minh huyện Hòa Vang mang bí danh “Mặt trận Quế Lâm”, do anh Nguyễn Minh làm chủ nhiệm, cụ Gia được phân công làm ủy viên, phụ trách tổng Hòa Giáo.
Tháng 6-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ thị chuẩn bị lực lượng để khi có lệnh là nổi dậy cướp chính quyền. Đội ngũ cán bộ huyện Hòa Vang ngày đêm liên tục đôn đốc công tác chuẩn bị khởi nghĩa ở các tổng; thành lập Ban bạo động và các đoàn thể cứu quốc ở từng tổng; bí mật tổ chức luyện tập tự vệ, may cờ, viết khẩu hiệu, biểu ngữ, chuẩn bị gươm giáo, trống mõ… Anh Nguyễn Xuân Nhĩ lại về Hòa Vang họp các tổ chức, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng khởi nghĩa, phân công cán bộ xuống phụ trách từng tổng. “Anh Nguyễn Hữu Tú và tôi đảm nhiệm 3 tổng: An Phước, Phước Tường và Hòa Giáo, trong đó tôi được giao chỉ đạo công tác chuẩn bị giành chính quyền ở tổng Hòa Giáo”, cụ Gia kể.
Ngày 14-8, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định phát động tổng khởi nghĩa. Mờ sáng 16-8, lực lượng khởi nghĩa từ Phú Sơn, Hương Lam, Cẩm Toại, La Châu, An Trạch… kéo ra đường lớn, bừng bừng khí thế, giương cao băng-rôn, biểu ngữ, hô vang các khẩu hiệu “Đánh đổ phát xít Nhật!”, “Việt Minh muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Các đoàn biểu tình rầm rập tiến đến nhà lý trưởng, chánh tổng, cường hào ác bá, yêu cầu giao nộp triện, đốt hết các loại giấy tờ, sổ sách và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến. Các đoàn biểu tình đi đến đâu, lại có thêm lực lượng, khí thế như triều dâng thác đổ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tú và cụ Gia túc trực tại nhà thờ tộc Phạm (tổng An Phước) để chỉ đạo công việc khởi nghĩa trong toàn huyện. Anh Lê Văn Hoàng được phân công dẫn 200 tự vệ và quần chúng cách mạng lên giải tán trung đội lính khố xanh ở Bà Nà - Núi Chúa. Hai anh Huỳnh Chúc và Trần Hữu Dụ trực tiếp chỉ đạo cướp chính quyền ở tổng Hòa Giáo. Các anh Chế Viết Tấn, Lê Đình Siêu, Trà Chu phụ trách công việc ở tổng Thái Hòa… Khắp 7 tổng trên địa bàn huyện bừng bừng nổi dậy giành chính quyền. Sáng 22-8, lực lượng tự vệ cứu quốc tiến vào Huyện đường Hòa Vang, buộc Tri huyện Ngô Khắc Tâm giao nộp toàn bộ tài liệu, ấn triện.
Lúc này, thành phố Đà Nẵng - nơi lực lượng Nhật và tàn quân Pháp tập trung khá nhiều - đang sục sôi khí thế cách mạng. Tối 16-8, Ủy ban Việt Minh thành phố đã bầu Ủy ban Khởi nghĩa thành phố do đồng chí Lê Văn Hiến làm Chủ tịch. Lực lượng tự vệ cứu quốc và các tổ chức, đoàn thể trong thành phố phát triển nhanh chóng. Uy thế cách mạng dâng cao làm Nhật, Pháp và bọn tay sai run sợ. Tư lệnh quân Nhật tại Đà Nẵng chấp nhận yêu cầu sẽ án binh bất động khi ta khởi nghĩa.
Sáng 22-8, một lực lượng thanh niên thân Nhật tổ chức mít-tinh tại khu vực An Hải. Các đồng chí lãnh đạo Khu Đông Giang đã tổ chức cướp diễn đàn, biến cuộc mít-tinh ấy thành diễn đàn vận động khởi nghĩa. Tiếp đó, đồng bào các xã Thanh Khê, Hà Khê, Liên Trì, công nhân Sở Công chính, Đề-pô xe lửa... liên tiếp nổi dậy giành chính quyền.
Đúng 8 giờ ngày 26-8-1945, khi tiếng còi tầm tại Bưu điện Đà Nẵng vang lên, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng nhất tề xông vào chiếm giữ toàn bộ công sở, nhà máy và đồn bốt của địch. Khắp nơi rực rỡ cờ đỏ sao vàng, truyền đơn, khẩu hiệu. Ở từng địa phương, Ủy ban Khởi nghĩa giải tán chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân. Tại Tòa Đốc lý, đồng chí Lê Văn Hiến tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn. Đến 9 giờ ngày 26-8, cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi trong toàn thành phố. Sáng 28-8, ta tổ chức mít-tinh lớn tại sân vận động Chi Lăng và công bố danh sách Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng, do đồng chí Lê Văn Hiến làm Chủ tịch.
Tròn 70 năm từ mùa thu lịch sử ấy, trải qua bao giông bão, thăng trầm, cụ Gia vẫn một niềm son sắt tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, luôn tận tâm dìu dắt con cháu phấn đấu trưởng thành. Cụ đã nhiều năm làm Phó Trưởng đoàn khảo sát quy hoạch thủy lợi Khu 5. Sau khi nghỉ hưu (1985), cụ tiếp tục tham gia xây dựng địa phương, nêu cao tâm huyết trong phong trào cây cao bóng cả, tận tình truyền đạt kinh nghiệm công tác cho lớp cán bộ trẻ.
Cụ mong con cháu luôn cố gắng công tác, học tập, làm tròn trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. “Thế hệ trẻ cần ra sức phấn đấu kế thừa sự nghiệp cha anh, dù cuộc sống có thay đổi thế nào cũng không được lãng quên lịch sử!”, cụ Gia nhấn mạnh.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM