.

"Lờ mờ" giữa xe đạp điện và xe điện

.

Thời gian gần đây, ở thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ học sinh đến trường bằng phương tiện xe đạp điện (XĐĐ) và xe điện (XĐ) đã tăng mạnh. Trong lúc đó, do quy định pháp luật về hai loại phương tiện này rất khác nhau, nhiều phụ huynh lại thiếu thông tin nên để con vi phạm pháp luật mà không biết.

Xe điện là sự lựa chọn của nhiều học sinh thành phố khi đến trường, tuy nhiên nhiều phụ huynh và học sinh không biết điều kiện để đi xe này phải trên 16 tuổi.
Xe điện là sự lựa chọn của nhiều học sinh thành phố khi đến trường, tuy nhiên nhiều phụ huynh và học sinh không biết điều kiện để đi xe này phải trên 16 tuổi.

Không giống như xe đạp phải sử dụng sức tác động lên bàn đạp thì xe mới di chuyển, thì với XĐĐ và xe XĐ lại tiện hơn khi sử dụng bật nút “ON” xe có thể chạy. Chính vì sự tiện lợi này, nhiều phụ huynh do quá bận rộn không thể đưa đón con đi học hằng ngày đã mua cho con một trong hai loại phương tiện trên.

Thực tế cho thấy, khi đi mua xe, cả phụ huynh lẫn học sinh chủ yếu tính đến chất lượng xe, giá cả hoặc kiểu mẫu xe có đẹp hay không mà gần như không biết được những quy định độ tuổi nào được phép đi XĐĐ hay XĐ cũng như mức độ an toàn tương ứng với từng lứa tuổi.

Theo khoản 19, Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ quy định thì XĐĐ được xác định là “xe thô sơ”, vận tốc tối đa không được vượt quá 25km/giờ. Vì vậy, với XĐĐ, khi mua cũng giống như mua một chiếc xe đạp, tức không giấy tờ xe, không đăng ký cơ quan chức năng và khi sử dụng cũng không cần bằng lái xe. Đối với XĐ, theo Thông tư số 14 của Bộ Công an ngày 14-4-2014, xe muốn tham gia giao thông phải đăng ký biển số kiểm soát; do xe có tốc độ tối đa lên đến 50km/giờ vì vậy người điều khiển phải trên 16 tuổi.

Ngoài các quy định trên, theo các nhà chuyên môn, muốn phân biệt được XĐĐ và XĐ, khi mua xe phụ huynh và học sinh nên lưu ý: Với XĐĐ có tem hợp chuẩn do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp; xe XĐ thì phải có giấy chứng nhận xuất xưởng. Tuy nhiên, với nhà sản xuất, để phân biệt hai loại xe này, XĐĐ phải có bàn đạp, còn XĐ không có bộ phận này.

Mặc dù đã có những quy định cơ bản của pháp luật về hai loại phương tiện này như vậy, nhưng có thể nói, đến nay khi các phương tiện này đã được sử dụng khá rộng rãi thì hầu hết phụ huynh, học sinh vẫn còn “lờ mờ” về thông tin liên quan.

Chính điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều phụ huynh có con dưới 16 tuổi vẫn mua XĐ cho con mà không biết như vậy là vi phạm quy định và đặc biệt là nguy hiểm cho con mình vì tốc độ tối đa cho phép quá lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều phụ huynh khi mua một trong hai loại phương tiện trên gần như không thể phân biệt được xe nào là XĐĐ hay XĐ; hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tư vấn của người bán, kể cả giá cả.

Vì vậy, rất cần việc tuyên truyền hơn nữa để phụ huynh và học sinh nâng cao ý thức, sử dụng đúng mục đích 2 loại phương tiện trên khi tham gia giao thông.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.