Năm 1987, trở về Đà Nẵng sau thời gian thường trú tại huyện miền núi Phước Sơn, tôi được phân công về Báo Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ nhật. Trong khi đó, Nguyễn Trung Hiếu (hiện là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao động tại miền Trung-Tây Nguyên) về Phòng Bạn đọc và Phạm Tấn Tư (hiện là Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên) về Phòng Thời sự.
Phóng viên Nguyễn Đình Xê (thứ 2, hàng đứng thứ 2, từ trái sang) trong lần gặp gỡ đồng chí Trương Quang Được (thứ 3 hàng trước, từ phải sang), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thăm và làm việc với Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 22-9-1995. |
Lúc bấy giờ, ngoài anh Hồ Duy Lệ, Phó Tổng Biên tập, trực tiếp phụ trách, Báo Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ nhật chỉ có anh Nguyễn Trung Dân, anh Nguyễn Đình Xê - những nhà báo kỳ cựu - và tôi, một phóng viên mới ra nghề. Với biên chế như thế, việc một phóng viên phải đảm trách nhiều mảng, nhiều ngành là tất yếu. Ngoài việc được giao thực hiện các phóng sự xã hội, tôi còn theo dõi khối nội chính, mảng văn hóa-văn nghệ cùng một số ngành khác, trong đó có cả lĩnh vực thể thao.
Như cơ duyên, công việc đưa đẩy anh Nguyễn Đình Xê - cũng phụ trách mảng thể thao - lẫn tôi gặp gỡ, để rồi “bén duyên” cùng Đài Truyền hình Đà Nẵng (nay là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng), với “cầu nối” là anh Nguyễn Đình Sang, lúc ấy là đạo diễn của Đài. Để rồi, chúng tôi gắn kết với nhau, không chỉ vì đam mê, trách nhiệm mà còn bởi sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Cũng chính từ đó, chúng tôi cùng anh Mộng Hoàng (hiện là Trưởng phòng Đạo diễn và quay phim, VTV Đà Nẵng), anh Thái Hà (đã mất), anh Nguyễn Miên (hiện công tác tại VTV Đà Nẵng) hay chị Hoàng Trung Yên…, may mắn trở thành những “nhân chứng sống” về một thời thăng trầm của bóng đá Quảng Nam-Đà Nẵng.
Lần đầu tiên tham gia tường thuật trực tiếp các trận đấu của đội Quảng Nam-Đà Nẵng tại giải Bóng đá A1 toàn quốc lần thứ 7 (1987), cả ê-kíp không tránh khỏi căng thẳng. Lúc ấy, do xếp lịch thi đấu ngẫu nhiên nên đội Quảng Nam-Đà Nẵng hiếm hoi mới được thi đấu sân nhà.
Chúng tôi cũng rong ruổi trên các cung đường, theo chân đội bóng quê hương đi từ Nam ra Bắc, lên Tây Nguyên rồi dọc miền Trung với vốn kiến thức khá… nghèo nàn, cả về chuyên môn bóng đá lẫn kỹ thuật truyền hình. Dần dà, “nghề dạy nghề”, “tay máy” của các anh, các chị vững vàng hơn và anh Nguyễn Đình Xê cũng như tôi có thêm kinh nghiệm trong công việc.
Cuối năm 1989, từ gợi ý của bác Tạ Quang Chiến (Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-thể thao lúc bấy giờ) và anh Trần Can (Tổng Biên tập Báo Thể thao Việt Nam lúc bấy giờ), tôi xin chuyển về Báo Thể thao Việt Nam. May mắn khi trong những lần ra tòa soạn (số 5 Trịnh Hoài Đức, Hà Nội), tôi được tiếp xúc với anh Vũ Huy Hùng - một trong những bình luận viên đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam - và nhà báo Hoài Sơn, lúc bấy giờ là một trong hai bình luận viên nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam; người còn lại là bình luận viên Đình Khải. Chính từ những cuộc tiếp xúc ngẫu nhiên ấy, tôi vỡ vạc ra rất nhiều về công việc của một bình luận viên và sự khác nhau của bình luận với tường thuật.
Khi tiếp tục công việc cộng tác cùng Đài Truyền hình Đà Nẵng, các anh Nguyễn Đình Sang, Nguyễn Đình Xê và tôi cùng thống nhất thay đổi cách làm để phù hợp với công việc của một bình luận viên truyền hình, thay vì cách tường thuật như nhà báo Hoài Sơn và Đình Khải thường thể hiện trên sóng phát thanh. Dĩ nhiên có cả lời khen, tiếng chê nhưng với hướng dẫn của bình luận viên bậc thầy Vũ Huy Hùng, chúng tôi tin rằng, mình đã đi đúng hướng.
Nhưng để đáp ứng yêu cầu, một bình luận viên phải am tường từng đội bóng, từ lịch sử, truyền thống, lực lượng đến lối chơi. Để có được những tư liệu cần thiết, đòi hỏi mỗi chúng tôi phải đọc rất nhiều, song báo chí thời kỳ ấy chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay của một bàn tay.
Với bóng đá quốc tế, chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh Hồ Sĩ Thứ, cộng tác viên của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng và là giảng viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cả về tư liệu lẫn phần dịch thuật. Cũng phải nói đến may mắn khi công việc giúp chúng tôi có quan hệ khá thân tình với không ít đội bóng trong cả nước.
Rất nhiều HLV kỳ cựu như: Vũ Văn Tư, Phạm Huỳnh Tam Lang, Ninh Văn Bảo, Trần Văn Phúc, Nguyễn Văn Vinh… đã giúp chúng tôi có thêm kiến thức cần thiết về bóng đá. Từ đó, cung cấp cho khán giả lẫn bạn đọc những bình luận về chuyên môn trận đấu; thay vì chỉ xướng tên cầu thủ, điều mà người xem đã được chứng kiến qua màn hình. Một yêu cầu khác của bình luận viên còn là sự trung thực và khách quan bởi anh không thể đánh lừa hàng vạn người xem bằng sự thiếu trung thực hoặc thiên kiến của bản thân…
Sau hơn 10 năm gắn bó, do điều kiện công việc nên bản thân tôi không thể tiếp tục có sự cộng tác lâu dài hơn với VTV Đà Nẵng. Thế nhưng, những kỷ niệm vẫn đầy ắp trong mỗi chúng tôi. Ở đó, có những bữa cơm ăn vội sau trận đấu để lên xe về Đà Nẵng, kịp phát sóng cho người hâm mộ xem lại trận đấu trong thời gian sớm nhất. Đó còn là những ngày lưu lại Vinh do lịch thi đấu bị xáo trộn và chị Hoàng Trung Yên phải bán chiếc nhẫn vàng để chúng tôi có thể… cầm hơi. Hay đó chỉ là một vài gói mì tôm mà những khán giả yêu mến đã gửi để bồi dưỡng cho ê-kíp làm tường thuật các trận đấu Euro, World Cup…
Nhưng trên hết, vẫn là những kỷ niệm đẹp khi chúng tôi đến với công việc bằng tất cả sự nhiệt thành, lòng yêu nghề và cả niềm đam mê, để mãi mãi “ngọn lửa” nghề vẫn chưa bao giờ tắt trong mỗi chúng tôi…
VŨ BẢO NGUYÊN