Lao động, nhất là lao động nông thôn, cần có kiến thức về kinh doanh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 24-9, Tổng cục Dạy nghề (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo bàn về việc phát triển và sử dụng chương trình khởi tạo ý tưởng, tăng cường khả năng kinh doanh (SIYB) trong các cơ sở dạy nghề ở Việt Nam.
Biết nắm bắt nhu cầu thị trường
“Người lao động dù ở ngành nghề nào, lứa tuổi nào, bên cạnh kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, cần có kiến thức về kinh doanh. Nhờ vậy, họ có thể nắm bắt nhanh nhạy hơn, tốt hơn xu thế, định hướng thị trường, từ đó nâng cao năng suất lao động. Do đó, đưa SIYB lồng ghép vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay”, PGS, TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nói.
Hiện nước ta có hơn 36 triệu người (chiếm 70% lao động cả nước) là lao động ở nông thôn. Cả nước có hơn 4.000 lượt nghề, gồm cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, đã được đào tạo cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2014, với sự tham gia của hơn 1.700 cơ sở dạy nghề. Trong đó, gần 300 doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tuyển dụng nguồn lao động này. Giai đoạn 2010-2014, cả nước có hơn 3,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề; trong đó gần 2,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, 1,53/1,95 triệu người đã học xong và có việc làm (đạt 78,7%).
Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, sau đào tạo, có hơn 1 triệu lao động tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động đã có sự thay đổi đáng kể về thu nhập. Đặc biệt, có gần 20.000 người thành lập tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp và có gần 60.000 hộ nghèo sau học nghề đã thoát nghèo... “Chương trình này giúp người lao động có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, biết phương pháp, cách thức kinh doanh. Đưa chương trình SIYB vào các cơ sở dạy nghề là sự kết hợp, lồng ghép đúng đắn”, thạc sĩ Lê Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề cho biết.
Còn xa lạ với người lao động
Từ năm 2012 đến nay, Tổng cục Dạy nghề với sự hỗ trợ của ILO đã đào tạo được đội ngũ giảng viên cao cấp, trong đó có cả những giảng viên cao cấp được đào tạo tại nước ngoài đã trở thành hạt nhân nòng cốt cùng chuyên gia đến từ Thụy Sĩ triển khai chương trình SIYB tại Việt Nam. Hơn 80 giảng viên hạt nhân và 620 giảng viên được nhân rộng cho các cơ sở dạy nghề.
Từ đó, các giảng viên này đã tổ chức các khóa đào tạo SIYB cho hàng chục nghìn người học nghề, chủ yếu là các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Riêng tháng 9-2014, có 200 lao động nông thôn đã được hỗ trợ học chương trình SIYB lồng ghép vào chương trình đào tạo nghề theo chính sách của Đề án 1956.
Tại hội thảo, không ít đại biểu cho rằng, thực tế, đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo nghề hiện chưa chủ động triển khai SIYB đến lao động nông thôn. Nhiều cơ sở dạy nghề chưa biết đến chương trình này. Tại Đà Nẵng, mới chỉ mở 2 lớp khởi sự doanh nghiệp với 60 người tham gia cho lao động chứ chưa có đội ngũ giảng viên cao cấp SIYB.
“Nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đều trăn trở vì giá sản phẩm chưa cao. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái nên lợi nhuận không nhiều. Nhiều mô hình sản xuất không đứng vững vì đầu ra khó. Bởi vậy, cần triển khai mạnh hơn chương trình này để giúp người nông dân có thể tiếp cận nguồn vốn, nguồn hàng và đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng nêu ý kiến.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, người nông dân cần được trang bị nhiều hơn kiến thức phát triển ý tưởng kinh doanh mang tính khả thi để họ có thể khởi nghiệp bằng chính các sản phẩm mình làm ra, có như vậy mới phát huy được hiệu quả nghề đã học.
PHƯƠNG TRÀ