Chính trị - Xã hội

Phong trào thi đua yêu nước: Chuyển biến về chất

07:53, 18/09/2015 (GMT+7)

5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận các cấp đã có bước chuyển về chất, tập trung hướng mạnh về cơ sở, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính tự chủ trên các mặt hoạt động. Phong trào đã góp phần thêm cho bức tranh sinh động muôn màu phong trào thi đua yêu nước của thành phố.

Khen thưởng 3 cuộc vận động do Mặt trận chủ trì.  			            Ảnh: SƠN TRUNG
Khen thưởng 3 cuộc vận động do Mặt trận chủ trì. Ảnh: SƠN TRUNG

Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cụ thể hóa thành nhiều mô hình, phong trào: Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị; Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp; Năm an toàn giao thông, Năm giải tỏa đền bù tái định cư và an sinh xã hội, Năm doanh nghiệp 2014; Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015. Các phong trào đều hướng đến mục tiêu xây dựng con người Đà Nẵng thân thiện, văn minh.

Việc bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa từng bước được nâng dần chất lượng thực chất hơn, không vì thành tích. Năm 2010, thành phố Đà Nẵng có 90,1% hộ gia đình văn hóa, đến năm 2011 còn 75,8% hộ gia đình văn hóa, năm 2012 có 74% hộ gia đình văn hóa. Văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông chuyển biến ngày càng rõ nét.

Tại địa bàn dân cư ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt: Tuyến đường văn minh đô thị; Tổ dân phố thân thiện với môi trường; Tổ dân phố không rác; Nhà trọ văn minh; Mỗi sinh viên, công nhân tạm trú như một công dân tại địa bàn khu dân cư; Tổ tự quản; Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội; Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội; Đội xe thồ tự quản; Tiếng kẻng an ninh…

Nhiều cá nhân cán bộ Mặt trận tận tâm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như: bà Tạ Thị Thoa, Trưởng ban công tác Mặt trận (CTMT) số 4 Hòa Khánh Bắc; chị Nguyễn Thị Nga, Trưởng ban CTMT số 28 Mỹ An; các Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, xã: Nguyễn Bút (xã Hòa Phước), Nguyễn Ngọc Dũng (phường Phước Mỹ), Trần Thị Nhung (phường Xuân Hà), Huỳnh Trung Dũng (phường Thanh Bình).

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từng bước trở thành nếp sống trong nhân dân. Học Bác từ những điều bình dị vận dụng vào cuộc sống được cộng đồng ghi nhận. Ông Nguyễn Văn Lâu, Trưởng ban CTMT 39 phường Hòa Cường Bắc; ông Võ Khắc Mai, Trưởng ban CTMT Thanh Tân 2, phường Thanh Khê Đông; ông Bùi Ái, Trưởng ban CTMT thôn Nam Thành, xã Hòa Phong; bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng ban CTMT Mỹ Đa Đông 28, phường Mỹ An; ông Nguyễn Văn Lầu, Trưởng ban CTMT 19 xã Hòa Xuân; bà Trịnh Thị Hồng, Trưởng ban CTMT Hòa Phú 5, phường Hòa Minh.

Biểu thống kê số lượng bằng khen các cấp khen thưởng hệ thống Mặt trận thành phố.
Biểu thống kê số lượng bằng khen các cấp khen thưởng hệ thống Mặt trận thành phố.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” quy tụ được nhiều tấm lòng nhân ái đến với người nghèo. Đại đức Thích Thông Đạo, Đại đức Thích Chúc Tín, Linh mục Nguyễn Hùng là những điển hình nổi bật trong phong trào vì người nghèo. Trong 5 năm, Quỹ Vì người nghèo đã huy động hơn 107 tỷ đồng cùng với các nguồn lực của thành phố hỗ trợ xây mới 1.308 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 1.800 nhà xuống cấp, giúp đỡ hàng ngàn hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Mặt trận thành phố phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về ưu tiên tiêu dùng hàng Việt. Điều đáng mừng, phần lớn hàng hóa trên thị trường thành phố là hàng Việt và hơn 85% người tiêu dùng đều biểu thị thái độ ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Với thành tích đạt được trong phong trào thi đua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất lần thứ hai. Chặng đường thi đua phía trước, thêm nhiệm vụ mới là giám sát và phản biện xã hội, sẽ là một kỳ vọng, một thách thức đối với Mặt trận các cấp. Yêu cầu đặt ra là đội ngũ những người làm công tác dân vận Mặt trận phải tiếp tục mài giũa để tiếp tục phát huy tinh thần Đảng nói dân tin, Mặt trận đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ.

TRẦN VĂN DƯ

.