Chính trị - Xã hội
Sau những chuyến hợp tác...
“Nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho ngành y tế Đà Nẵng có khi được đánh giá bằng hiện vật, nhưng cũng có sự hỗ trợ không thể đong đếm bằng tiền, như việc các chuyên gia nước ngoài đến chuyển giao kỹ thuật tiên tiến nâng cao năng lực chuyên môn và một số chương trình, dự án tiên phong ở những lĩnh vực khó khăn mà nguồn lực của Nhà nước chưa thể bao phủ hết”, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng chia sẻ.
Các y, bác sĩ của Đà Nẵng tham quan và học hỏi kinh nghiệm y khoa trên tàu Bệnh viện Mercy của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, mỗi năm trung bình có 100-120 tổ chức, cá nhân nước ngoài là các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố trao đổi, làm việc. Đọng lại sau những chuyến hợp tác này là kiến thức, kỹ thuật mới được cập nhật và khoảng 15-20 dự án mỗi năm giúp cải thiện sức khỏe cho người dân theo đó được triển khai.
Khi đối tác là “siêu” bệnh viện Hoa Kỳ
Trong 10 ngày cuối tháng 8 vừa qua, tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH 19) của Hoa Kỳ đã cập Cảng Đà Nẵng với chuỗi hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế tại thành phố. Với kịch bản trưa ngày 27-8 xuất hiện một trận động đất mạnh ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam, khiến sóng thần cao hơn 12m gây thảm họa cho người dân ven biển Đà Nẵng, 800 y bác sĩ trên tàu bệnh viện đã chuyển giao một số kỹ thuật cứu trợ trên biển cho các bác sĩ Đà Nẵng. Cuộc diễn tập bao gồm việc cứu người dưới nước tức thì, ổn định bệnh nhân trên bờ biển, đưa họ lên tàu sau sơ cứu và xử lý thương vong trên tàu.
Đây là một hoạt động lớn khép lại hành trình tàu bệnh viện USNS Mercy lưu lại Đà Nẵng với hàng loạt các hội thảo diễn ra trước đó về chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức điều trị tim mạch, chăm sóc hồi phục cho người bỏng; chăm sóc đặc biệt, X-quang can thiệp, phóng xạ ung thư; y học trị liệu, liệu pháp vật lý; chăm sóc tiền bệnh viện đối với thương tích dưới nước tại biển; sơ tán y tế; chăm sóc khẩn cấp cho bệnh nhân chấn thương.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, thành viên tàu bệnh viện và tàu hộ tống tốc độ cao của Hoa Kỳ còn tự tay tân trang Trạm Y tế Hòa Quý và Làng Hy vọng.
Tranh thủ nguồn tài trợ
Sự kiện tàu bệnh viện Hoa Kỳ đến Đà Nẵng là một trong các hoạt động đối ngoại nổi bật của ngành y tế thành phố trong năm 2015. Ngoài các bác sĩ Hoa Kỳ, thời gian qua, nhiều đoàn chuyên gia đến từ Nhật Bản, Úc, Anh Quốc, v.v… cũng góp phần đáng kể trong việc phát triển lĩnh vực y tế của thành phố Đà Nẵng.
Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, năm 2015, ngành thực hiện trên 10 dự án do nước ngoài tài trợ. Năm 2014, ngành thực hiện 17 chương trình, dự án phi chính phủ. Trong đó có 12 dự án mới và 5 dự án chuyển tiếp từ các năm trước.
Các chương trình, dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành, góp phần cải thiện chăm sóc y tế cho nhân dân, tăng cường năng lực cho các bệnh viện và tuyến y tế cơ sở về khám chữa bệnh nhi khoa, mắt; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em; cải thiện các dịch vụ y tế cho người khuyết tật, tiếp nhận trang thiết bị…
Hằng năm, các bệnh viện thường tiếp đón nhiều đoàn bác sĩ nội khoa, ngoại khoa, sản, nhi, chỉnh hình phục hồi chức năng, điều dưỡng nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm. Cụ thể như tổ chức Facing the World - Phẫu thuật sọ mặt, thẩm mỹ của Anh Quốc; sinh viên y khoa ngoại thần kinh của Đại học Swansea (Anh); chuyên gia Tâm thần nhi khoa (Hoa Kỳ); đoàn chuyên gia về hồi sức nhi, nhi sơ sinh (Anh quốc)...
Các bệnh viện còn ký kết thỏa thuận hợp tác, viện trợ nước ngoài về cấy ghép tế bào, tiếp nhận máy MRI trị giá 1,6 triệu USD; đào tạo nhân lực ngắn hạn...
Hình ảnh tình nguyện viên nước ngoài làm việc dài hạn tại những bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố hiện nay dần trở nên quen thuộc. Nếu Bệnh viện Đà Nẵng có kỹ sư sinh hóa đến từ Úc làm việc tại khoa Y học Hạt nhân và xạ trị, Bệnh viện Phục hồi chức năng tiếp nhận 2 cử nhân vật lý trị liệu Nhật Bản, thì Bệnh viện Phụ sản - Nhi có 1 bác sĩ chuyên khoa Nhi từ Hàn Quốc đến hỗ trợ khám chữa bệnh, quản lý thông tin...
BẢO QUÂN