Hiện nay, mức thu bảo hiểm y tế (BHYT) đầu năm học 2015-2016 cao gần gấp đôi so với năm ngoái tại các trường trên địa bàn Đà Nẵng, làm nhiều phụ huynh và học sinh bức xúc...
Việc thu bảo hiểm y tế theo mức mới nên được chia thành nhiều đợt để giảm áp lực cho học sinh vào đầu năm học. |
Lo lắng
Mấy ngày nay, vợ chồng anh Lê Hùng (45 tuổi, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) đứng ngồi không yên vì lo tiền trường cho các con, đặc biệt là khoản thu BHYT cao gần gấp đôi. “Năm ngoái, đóng tiền BHYT cho 3 đứa con, mỗi đứa 289.900 đồng. Năm nay đóng 434.700 đồng. Như vậy, riêng tiền BHYT cho 3 đứa đã hơn 1,3 triệu đồng. Cô giáo bảo khoản tiền BHYT là khoản bắt buộc. Đó là chưa kể các khoản khác như: học phí, vệ sinh…”, anh Hùng than thở.
Anh Hùng làm nghề phụ hồ nên công việc bấp bênh, còn vợ anh bán hàng ăn buổi sáng ở gần nhà. Hai vợ chồng thu nhập khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng, lại nuôi 3 con đang ăn học nên cuộc sống rất chật vật. Anh Hùng nhẩm tính, chỉ riêng dịp đầu năm học mới, đóng các khoản BHYT, học phí cho hai đứa con học lớp 11 và lớp 9; tiền BHYT, bán trú cho con gái nhỏ lớp 5; cộng thêm tiền quần áo, sách vở… cũng ngót nghét gần 5 triệu đồng.
Cầm giấy báo đóng tiền cho con, chị Nguyễn Thanh Loan (32 tuổi, cán bộ một phường ở quận Hải Châu) có con gái đang học Trường tiểu học Trần Thị Lý (quận Hải Châu) cũng ngạc nhiên và bức xúc về khoản tiền BHYT tăng cao. “Đành rằng BHYT là khoản thu cần thiết, nhưng mức thu tăng, mà lại thu một lúc như thế này là bất hợp lý quá. Với đồng lương công chức mà đóng một lần nhiều như thế thì rất khó khăn”, chị Loan chia sẻ.
Tại các trường, thầy cô giáo cũng “đau đầu” bởi khoản thu BHYT tăng. Cô Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Lý (quận Hải Châu), cho biết năm ngoái, với mức thu BHYT cũ, số lượng học sinh nộp chỉ đạt 95,7%/tổng số học sinh do nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, mức thu tăng gần gấp đôi khiến nhà trường lo lắng. “Hiện chúng tôi chỉ thu được khoảng 300/800 học sinh. Hạn cuối đến ngày 31-10 phải hoàn tất việc thu tiền BHYT nhưng không biết có được không”, cô Tuyết nói.
Tăng thu, chất lượng có tăng?
Ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng, cho biết mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%, theo quy định của Luật BHYT. Theo đó, mỗi học sinh sẽ đóng 612.000 đồng cho 12 tháng, nhưng Nhà nước hỗ trợ 30%, nên mỗi học sinh chỉ nộp 70%, tức 434.700 đồng. Tuy nhiên, đây là mức thu cho 15 tháng, tính từ tháng 9-2015 đến tháng 12-2016, chứ không phải 12 tháng như mọi năm. Với mức thu này, thẻ BHYT cũng có giá trị sử dụng từ tháng 9-2015 đến tháng 12-2016.
“Việc mua thẻ BHYT nhằm chia sẻ với cộng đồng. Nếu hôm nay các em chưa dùng đến thẻ thì có các bạn khác dùng. Đó là tính nhân văn, nhân đạo và cũng là bản chất của BHYT. Tuy nhiên, theo tôi, nên thu thành nhiều đợt chứ không nên thu một lần ngay từ đầu năm học”, ông Lê Anh Nhân nói.
Được biết, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Y tế điều chỉnh nội dung của Thông tư liên tịch (Thông tư 41) về hướng dẫn thực hiện BHYT, cụ thể là với nhóm học sinh, sinh viên, nhằm giãn thời gian đóng BHYT, thu làm nhiều đợt chứ không thu một lúc 15 tháng.
Bên cạnh việc mức thu BHYT tăng, nhiều phụ huynh còn lo lắng về chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT. “Việc mua BHYT cần thiết cho các cháu, nhất là khi phải khám chữa bệnh tại bệnh viện. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng dịch vụ khi cầm thẻ BHYT vào bệnh viện vẫn chưa tương xứng. Để giảm thời gian chờ đợi, nhiều lần mình đã đưa con đi khám bác sĩ tư cho nhanh”, chị Nguyễn Thanh Loan (32 tuổi, cán bộ một phường ở quận Hải Châu) bộc bạch.
Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng. Đối với học sinh, sinh viên, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hưởng hơn những người khác như được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Các trường hợp thuộc hộ nghèo, đã tham gia BHYT theo hộ nghèo, vẫn được cấp thẻ miễn phí. Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70%. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ