Người Quảng Nam - Đà Nẵng đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ vững chính quyền cách mạng trong những năm 1945-1946.
Trong những ngày cả nước hướng về thời khắc lịch sử thiêng liêng cách đây tròn 70 năm, Báo Đà Nẵng lược trích bài viết của ông Nguyễn Trương Đàn về một hiện vật lịch sử liên quan hoạt động của những người con đất Quảng ưu tú trong những ngày nước nhà vừa giành độc lập, về tên gọi thành Thái Phiên (Đà Nẵng) vốn được lưu truyền trong dân gian liên quan đến giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc.
Hiện nay, trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội còn lưu giữ một hiện vật liên quan 3 nhân vật lịch sử của xứ Quảng. Đó là tờ giấy thông hành đề ngày 1-9-1945 do UBND Thành Thái Phiên thuộc Việt-Nam Độc-Lập Đồng-Minh cấp cho đồng chí LÊ VĂN HIẾN.
Toàn văn nội dung giấy thông hành như sau:
GIẤY THÔNG HÀNH
Đồng chí LÊ VĂN HIẾN, bộ - trưởng bộ Lao - động trong Lâm - thời chính - phủ, hiện đi công - cán tại các tỉnh miền Nam Trung - bộ và sẽ ra Bắc - bộ.
Vì có nhiệm - vụ quan - trọng, đồng - chí LÊ VĂN HIẾN yêu cầu các nhân - viên sở Hỏa - xa cũng như các tự - vệ - đội dọc đàng sẵn sàng giúp đỡ để cho công việc được dễ dàng.
THÁI PHIÊN ngày 1/9/45
ỦY BAN NHÂN DÂN
THƯỜNG VỤ
Hue
Con dấu tròn đóng trùm lên các dòng cuối, từ chữ THÁI PHIÊN ngày… đến chữ HUE, có khắc “VIỆT - NAM ĐỘC - LẬP ĐỒNG -MINH - THÀNH THÁI - PHIÊN” ở vòng tròn khung phía ngoài, còn ở giữa có ba dòng chữ, hai dòng trên bị nhòe không đọc rõ, chỉ còn dòng dưới cùng có hai chữ “CÁCH - MẠNG” ở ngay trên chữ ký: “Hue”.
Như vậy, tài liệu này cho biết nhiều thông tin quan trọng ngay sau ngày nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8-1945, trong đó ít nhất có 3 thông tin quan trọng liên quan đến 3 nhân vật lịch sử là những người con xứ Quảng là các ông Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ và Thái Phiên.
Về ông Lê Văn Hiến, tài liệu này cho biết, ngay từ trước ngày 1-9-1945, ông Lê Văn Hiến đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động trong Lâm thời Chính phủ. Cũng thời gian ấy, ông Lê Văn Hiến được phái đi công cán tại các tỉnh Nam Trung bộ và đang trên đường ra Bắc bộ.
Những thông tin này phù hợp với các tài liệu lịch sử về hoạt động của ông Lê Văn Hiến trước và ngay sau Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Chỉ xin nhấn mạnh rằng, những hoạt động nổi bật của ông đã được cụ Lâm Quang Thự nêu rõ khi dẫn lại lời giới thiệu về ông Lê Văn Hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, ngày 2-3-1946. Cụ Lâm Quang Thự lúc đó là một trong những đại biểu Quốc hội của đơn vị Quảng Nam, trực tiếp tham dự phiên họp, thuật lại: “Sáng hôm đó, theo đề nghị của Chủ tịch hội nghị, Quốc hội nhất trí tán thành cử cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch để thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Hồ Chủ tịch ra mắt trước Quốc hội và tuyên bố: “Tôi xin phép ra một lát để tổ chức Chính phủ sẽ vào trình diện Quốc hội”. Sau đó, Hồ Chủ tịch và theo sau 16 vị nữa ra mắt Quốc hội. Hồ Chủ tịch báo cáo: “Tôi xin giới thiệu những bộ trưởng cử ra đều là những người có tuổi tác, có danh vọng, đạo đức, một mặt có thể giúp ý kiến cho Chính phủ, một mặt có thể điều khiển quốc dân”. Đến lượt ông Lê Văn Hiến, Hồ Chủ tịch giới thiệu: “Bộ Tài chính: một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc: ông Lê Văn Hiến”.
Về ông Huỳnh Ngọc Huệ, trong tài liệu này chỉ có chữ ký “Hue”, mà không ghi rõ họ tên “Huỳnh Ngọc Huệ”. Chúng tôi đã trao đổi, xin ý kiến, đối chứng nhiều nhà nghiên cứu và nhiều cán bộ cao niên và được biết chữ ký ấy đúng là của một nhân vật có nhiều hoạt động trực tiếp thời kỳ tổng khởi nghĩa 1945 ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Đó là ông Huỳnh Ngọc Huệ. Các tác giả Dương Trung Quốc, Trần Hữu Đính, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Tố Uyên, Ngô Văn Minh, trong cuốn Lịch sử thành phố Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2001) cho biết, Huỳnh Ngọc Huệ và Lê Văn Hiến đã cùng hoạt động sôi nổi, gắn bó từ trước, trong và sau khởi nghĩa tháng 8-1945 ở địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Tài liệu này cho biết, sau khi giành chính quyền, cả Lê Văn Hiến và Huỳnh Ngọc Huệ đều được giao những trọng trách quan trọng của thành phố. Cụ thể, ông Lê Văn Hiến được cử làm Chủ tịch đầu tiên của thành phố. Sau Trung ương điều động đồng chí Hiến ra làm Bộ trưởng. Tháng 9-1945, Thành ủy lâm thời được thành lập, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ làm Bí thư…
Trở lại hiện vật là tờ giấy thông hành được cấp cho ông Lê Văn Hiến ngày 1-9-1945, lúc đó, ông Lê Văn Hiến và ông Huỳnh Ngọc Huệ đều đang giữ những trọng trách trong bộ máy quản lý chính quyền ở Quảng Nam- Đà Nẵng, trực tiếp ở tại Đà Nẵng. Tuy chưa thể xác định rõ rằng, ông Huỳnh Ngọc Huệ lúc bấy giờ giữ chức vụ chính thức gì trong bộ máy quản lý ấy nhưng chắc chắn ông phải nắm giữ một vai trò quan trọng nhất nhì. Chức danh của người có tên là “Hue” ký giấy thông hành ngày 1-9-1945 gần như chắc chắn là ông Huỳnh Ngọc Huệ. Đây là một đoán định rất nhiều cơ sở. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong sẽ có việc xác định rõ ràng, thỏa đáng chi tiết này bằng những tài liệu xác thực.
Về nhân vật Thái Phiên, người làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), là người đã cùng chí sĩ Trần Cao Vân đứng đầu tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916 ở Trung Kỳ. Đề cập đến sự kiện này, tác giả Nguyễn Q.Thắng trong cuốn Quảng Nam - Đất nước và nhân vật, đã viết: Sau cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945, Đà Nẵng được gọi là thành phố Thái Phiên… Tiếp đến, ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), thực dân Pháp tái chiếm Đà Nẵng. Cuộc kháng chiến giữa quân dân Đà Nẵng và Pháp xảy ra rất quyết liệt chứng tỏ tinh thần yêu nước, chí bất khuất kiên cường của toàn dân.
Cuốn Lịch sử Đà Nẵng của tác giả Võ Văn Dật, xuất bản ở Mỹ năm 2007, cũng đề cập về sự kiện này: “Cuộc giành chính quyền của Việt Minh khởi phát từ Hà Nội vào tháng 8-1945 rồi lan dần vào Huế và Đà Nẵng. Chính quyền mới đổi tên Đà Nẵng làm thành phố Thái Phiên… Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến trên toàn quốc bùng nổ. Đà Nẵng, cũng như nhiều nơi khác, lao mình vào cơn lốc chung của lịch sử. Trong một đêm, cây cối hai bên vệ đường được đốn ngã để làm chướng ngại vật cản bước tiến của quân Pháp. Mặt đường phố cũng được đào ngang làm hào chặn xe tăng và thiết giáp. Mặc dù sự kháng cự của nhân dân thật là anh dũng, nhưng sự hy sinh lớn lao đó vẫn không cản được hỏa lực xâm lăng. Quân Pháp lại làm chủ thành phố. Tên Thái Phiên bị bãi bỏ và địa danh Tourane được phục hồi, guồng máy cai trị tạm thời tái lập…”.
Trong dân gian, đến nay vẫn lưu giữ niềm tự hào về tên gọi một thời của “thành Thái Phiên”. Ngay tại quê hương của Thái Phiên, hiện vẫn có những cụ cao niên thuộc nhiều bài vè, bài hò khoan nói lên truyền thống hào hùng của quê hương giai đoạn giành và giữ chính quyền 1945-1946.
Trong cuốn Lịch sử thành phố Đà Nẵng của nhóm tác giả, do nhà sử học Dương Trung Quốc làm chủ biên, đề cập đến sự kiện này, cho biết: “Cách mạng thành công, Đà Nẵng có thêm thế và lực mới… Một khí thế cách mạng sôi bổi, một tinh thần lạc quan tin tưởng bao trùm khắp nơi. Trong tình hình đó, lãnh đạo thành phố chủ trương đổi tên thành phố Đà Nẵng thành thành phố Thái Phiên”. Tuy vậy, nhóm tác giả này đã chú thích: “Nhân dân Đà Nẵng rất tự hào thành phố được mang tên Thái Phiên. Nhưng các văn bản chính thức của Nhà nước thời kỳ này vẫn dùng tên gọi Đà Nẵng…”.
TR. ĐÀN