.

Thế hệ trẻ hôm nay và tiền đồ dân tộc

.

Trong những thời khắc thiêng liêng của lịch sử, mối quan tâm lớn nhất trước tiên của người đương thời phải chăng là câu hỏi: ai sẽ là người tiếp nối truyền thống của những người đi trước để đưa dân tộc đến bến bờ phát triển thịnh vượng, an bình?

Từ chỗ đứng của những ngày tháng Tám  Mùa Thu 2015 này, nghĩ về chặng đường dài phía trước, khi mà công cuộc xây dựng đất nước sau 40 năm hòa bình, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, lại xuất hiện bao thử thách nghiệt ngã, cả bên ngoài lẫn bên trong, thì câu hỏi ấy lại càng đặt ra bức xúc đối với mỗi chúng ta.

Nhưng cho dù bao thăng trầm thay đổi, bao biến cố diễn ra thì câu trả lời đã và đang có sẵn trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc. Đó là, khi đã có một đường lối chính trị đúng đắn soi đường thì thế hệ thanh niên của mỗi thời đại luôn là người đứng ra gánh vác sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng xung kích trên tuyến đầu góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Những người trẻ tuổi hôm nay sẽ già đi nay mai nhưng luôn luôn có một lớp người trẻ tuổi kế tiếp. Nhìn ở tầm vóc thế hệ thì tuổi trẻ là vĩnh viễn.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII cuối năm 2014 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại những chi tiết lịch sử : Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 21. 35 tuổi Người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, 40 tuổi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã cùng với những học trò xuất sắc của mình - những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ lúc ấy - như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên những chiến thắng oai hùng trong lịch sử dân tộc.

Chính từ thực tế cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình và các học trò, những người đồng chí trung kiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thực sự thấu hiểu và đặt niềm tin mãnh liệt vào thế hệ trẻ. Người đã nhiều lần khẳng định vai trò to lớn và sự hy sinh vô cùng dũng cảm của lớp lớp thanh niên trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1948, Người đã có những lời lẽ thống thiết khi nói về tuổi trẻ trong chiến đấu: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào.

Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào”(1). Năm 1964, sau khi được tin anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, người con ưu tú của đất Quảng hy sinh, tự tay Người đã ghi trong bức ảnh chụp anh Trỗi trước pháp trường: “Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Khi đất nước được độc lập, dân được tự do thì ước muốn của Người là làm sao cho đồng bào “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Để thực hiện ước muốn ấy, Người cũng trông chờ vào sự phấn đấu của thế hệ trẻ Việt Nam. Ngay trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài, Người đã coi giặc dốt là thứ giặc nguy hiểm chỉ sau giặc đói, còn hơn cả giặc ngoại xâm.

Ở chính thời điểm ấy, Người đã hun đúc cho thế hệ trẻ Việt Nam một ý chí mãnh liệt quyết nâng tầm vị thế đất nước trong tương lai: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”(2)

Những lời nhắn gửi và khát vọng đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người suốt đời hy sinh cho dân tộc, cho đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự. Đất nước vẫn chưa thật sự bình yên. Ý đồ bành trướng, giấc mộng xâm lăng vẫn đang còn đâu đó, rất gần. Nhưng khái niệm xâm lăng trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi một cuộc xâm lăng về quân sự. Nó phải được hiểu rộng hơn, cả những cuộc xâm lăng trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ. Yếu về kinh tế, lại thêm cái gốc bản sắc văn hóa dân tộc bị phai nhạt thì khó mà nói đến “dân giàu nước mạnh”.

Nỗi nhục mất nước, mất tự do độc lập trước đây, bây giờ là nỗi nhục tụt hậu xa hơn so với các nước, kể cả những nước có chung điều kiện, hoàn cảnh. Sau 70 năm, chúng ta có rất nhiều thành tựu để tự hào trên tất cả các lĩnh vực, nhưng trong thế giới phát triển với độ gia tốc cao như hiện nay, không thể yên tâm với những gì chúng ta đang có. Chúng ta vượt lên chính mình, nhưng mỗi quốc gia trên thế giới cũng đang tự vượt lên chính họ.

Chính trong bối cảnh trong nước và quốc tế ngày nay, thế hệ đã đi qua các cuộc chiến tranh lại dành trọn niềm tin vào thế hệ trẻ đang tiếp bước. Trên những đảo chìm đảo nổi ngoài Biển Đông, trên những vọng gác biên giới, vẫn không ai khác chính là con em những người cựu binh dạn dày chiến trận năm xưa. Và có những chốt tiền tiêu trên trận tuyến chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, đất nước cũng gửi trọn niềm tin vào thế hệ những người trẻ tuổi năng động, thông minh, sáng tạo hôm nay.

Vẫn còn đây, những lời nhắn nhủ tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho học sinh trong bức thư Người gửi cho các em nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây vừa đúng 70 năm: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em’’(3). Đó cũng đồng thời là lời nhắn nhủ và trao gửi nhiệm vụ của lớp người đang chiến đấu và xây dựng hôm nay đối với thế hệ học sinh mới - những người sẽ nắm trong tay vận mệnh và tiền đồ đất nước, của quê hương trong tương lai không xa.

29-8-2015

NẠI HIÊN


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, T5, tr.466

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, T4, tr.33

(3) Như trên

;
.
.
.
.
.