.

Trung thu đến với trẻ em nghèo

.

Các hoạt động chuẩn bị Trung thu cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật được các cấp, ngành, địa phương triển khai để các em có một mùa Trung thu trọn vẹn, ấm áp yêu thương.

Tặng quà Trung thu cho trẻ em miền núi ở huyện Hòa Vang.
Tặng quà Trung thu cho trẻ em miền núi ở huyện Hòa Vang.

Đêm hội trăng rằm

Đó là chương trình lớn do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị tổ chức vào đúng đêm 15-8 âm lịch cho gần 600 trẻ em là con hộ nghèo, mồ côi, nạn nhân chất độc da cam...

Bà Hà Thị Kim Ánh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Đêm hội trăng rằm năm nay thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, các em khuyết tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Hoạt động này cũng nhằm tạo sự giao lưu, đoàn kết trong thanh-thiếu nhi toàn thành phố; khuyến khích, động viên các em học tập tốt trong năm học 2015-2016”.

Ngoài những tiết mục văn nghệ do các em thiếu nhi biểu diễn hay những màn múa lân đặc sắc, còn có các trò chơi hấp dẫn. Dịp này, hàng ngàn suất quà gồm dụng cụ học tập, quà cũng sẽ được trao tận tay các em.

Bên cạnh Đêm hội trăng rằm nói trên, chương trình Trung thu “Trăng cười  2015” do các doanh nghiệp tổ chức cũng mang đến tiếng cười cho hàng trăm em ở Làng Trẻ em SOS Đà Nẵng cùng nhiều phần quà đủ màu sắc.

Trong khi đó, gần một tuần nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng tất bật chuẩn bị Trung thu. “Nhiều đơn vị như: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng ECC, đoàn Nhật Bản… đã đăng ký với chúng tôi để phối hợp tổ chức và tặng quà cho trẻ em da cam. Bằng nhiều nguồn vận động, chúng tôi dự định mang đến cho các em nhiều món quà bất ngờ”, ông Phạm Thành Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng nói.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo tổ chức vui Tết Trung thu năm 2015 cho trẻ em, trong đó yêu cầu 100% các quận, huyện, xã, phường chỉ đạo và tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm vui vẻ, an toàn và lành mạnh. Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em là con cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Rộn ràng tại các trung tâm

Tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), nơi có 90 em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học các môn nghệ thuật, nhiều hoạt động vui Trung thu được tổ chức. “Dù kinh phí không nhiều nhưng chúng tôi cố gắng tổ chức Tết Trung thu thật vui và đầm ấm”, chị Trương Thị Ngọc Tĩnh, cán bộ quản lý học sinh của Trung tâm Nghệ thuật tình thương Đà Nẵng cho biết.

Mấy ngày nay, gần 100 em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng háo hức với đầu lân, lồng đèn. Lịch chơi Trung thu của các em đã kín bởi nhiều đơn vị phối hợp với Trung tâm tổ chức các chương trình.

Đó là một đêm hội trăng rằm đặc biệt do Công ty yến sào Thiên Việt tổ chức với hàng trăm phần quà hấp dẫn cùng nhiều trò chơi thú vị, bổ ích. Đó còn là những tiết mục “cây nhà lá vườn”, những màn múa lân đặc sắc do các bạn trẻ ở CLB Việt trẻ tài năng của Đà Nẵng tổ chức...

Quên đi nỗi đau khi không còn cha mẹ, quên đi những nỗi buồn khi xa nhà, trong mỗi em vẫn vẹn nguyên niềm vui con trẻ khi Trung thu về. “Dù không có ba mẹ để đưa đi chơi nhưng Trung thu ở đây vui lắm vì có các bạn, các “mẹ” (cán bộ Trung tâm - PV) và có nhiều bánh kẹo, đồ chơi”, Nguyễn Mạnh Tín (7 tuổi, quê xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), mồ côi cả cha lẫn mẹ, được chăm sóc tại Nhà trẻ số 4 của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng thổ lộ.

Không khí rộn ràng như thế đang có ở khắp địa bàn Đà Nẵng để với nhiều em nhỏ thiệt thòi đang được nuôi dưỡng, hỗ trợ tại các trung tâm, Trung thu chưa đến mà đã thấy sự ngọt ngào của bánh nướng, bánh dẻo và tiếng cười rộn rã ngập tràn…

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.