.

Xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh

.

ĐNĐT - Trong Chương trình đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 27-8 mang chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị với môi trường du lịch Đà Nẵng”, các vấn đề tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường du lịch, môi trường sống của thành phố như: văn hóa giao thông, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường… được các doanh nghiệp, người dân và du khách đặc biệt quan tâm.

Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến.
Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến.

Nhiều bức xúc

Liên quan đến văn minh thương mại, đại diện một số doanh nghiệp có mặt tại buổi đối thoại cho rằng, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là chất lượng, nguồn gốc hàng hóa. Theo họ, điều này chưa thật bảo đảm ngay cả tại những chợ hạng một, những điểm kinh doanh có tiếng. Ông Phan Hải, Đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại BQ tại Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, có nhiều cửa hàng tại các tuyến phố chính, kể cả phố chuyên doanh Lê Duẩn, kinh doanh mặt hàng không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến môi trường mua bán, du lịch chung. “Chất lượng hàng hóa chính là niềm tin của khách hàng, cần bảo đảm trước khi bàn những vấn đề tiếp theo”, ông Phan Hải nói.

Trong khi đó, các tiểu thương tại chợ Hàn, chợ Cồn đặc biệt quan tâm đến chợ văn minh thương mại. Theo các tiểu thương này, ở các chợ được xem là hạng 1 - điểm đến thường xuyên của du khách nhưng thái độ ứng xử với khách hàng, kể cả với khách du lịch của nhiều tiểu thương còn kém văn minh, làm xấu hình ảnh chung. Tình trạng “nói thách”, “chặt chém”, chèo kéo khách vẫn tồn tại ở một số chợ, nhà hàng…, đòi hỏi những giải pháp căn cơ.

Đối với tình hình giao thông, người dân quan tâm thực trạng đưa đón, đậu đỗ tràn lan, lấn chiếm lòng lề đường của taxi, xe buýt, xe chở khách du lịch trước tại các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng, trước siêu thị BigC, các khách sạn lớn… Đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm lòng lề đường của các nhà hàng, quán nhậu. Tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông cầu Rồng vào những ngày cuối tuần; hiện tượng vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu chưa được giải quyết dứt điểm…

Đối với ngành du lịch, những câu hỏi gửi đến diễn đàn trực tuyến đòi hỏi giải pháp để giải quyết thực trạng hướng dẫn viên du lịch chỉ dẫn khách đến những điểm kinh doanh mua bán để hưởng % hoa hồng cao, khiến giá cả hàng hóa “bát nháo”, lên xuống thất thường, ảnh hưởng đến những điểm kinh doanh uy tín, chất lượng, đồng thời làm xấu môi trường du lịch…

Cần giải pháp dứt điểm, lâu dài

Hầu hết các ý kiến gửi tới diễn đàn trực tuyến đòi hỏi giải pháp dứt điểm, lâu dài đối với những tồn tại, bất cập nêu trên. Trong khi đó, phần trả lời của đại diện các sở, ban, ngành liên quan chủ yếu tiếp thu ý kiến và ưu tiên giải pháp tuyên truyền.

Trả lời một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là cách đậu đỗ của taxi, ứng xử của tài xế, ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố, cho biết Sở đã tiến hành làm việc với lãnh đạo các hãng xe, “quán triệt tư tưởng” với các tài xế để thực hiện nghiêm túc, tuân thủ Luật giao thông đường bộ. Để nâng cao ý thức, văn hóa giao tiếp cho đội ngũ tài xế taxi, ông Thuận cho biết, Sở GTVT thường xuyên đôn đốc các đơn vị taxi quán triệt thực hiện “9 không và 9 nên” đến các tài xế, thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy; thường xuyên giáo dục, kiểm tra, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của lái xe taxi tại các điểm nóng như sân bay, nhà ga, bến xe; tiếp tục rà soát, xây dựng quy chế xử lý kỷ luật cũng như khen thưởng lái xe taxi; niêm yết bằng song ngữ Anh - Việt số điện thoại Trung tâm đường dây nóng hỗ trợ du khách, các hiệp hội taxi…

Đối với vấn đề chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, văn minh thương mại, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định các cuộc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… là nhiệm vụ thường xuyên của ngành công thương. Đối với các chợ - nơi làm nên thương hiệu Đà Nẵng, mô hình “Chợ văn minh thương mại” sẽ tiếp tục được triển khai với các nội dung: hoàn thành niêm yết giá, xây dựng đồng bộ các biểu mẫu, tem niêm yết sản phẩm được bày bán tại các chợ. Làm nhãn với nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng ngay cả đối với những thực phẩm khô; niêm yết công khai giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm trên các quầy, kệ hàng; cơ quan chức năng tăng cường xử lý triệt để tình trạng bày bán cản trở giao thông, công tác phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất các quầy, kệ hàng; vận động các tiểu thương mặc đồng phục, ứng xử văn minh, duy trì hoạt động “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”…

Đối với những bất cập liên quan đến hành vi ứng xử, vệ sinh môi trường, du lịch, đại diện Sở VH-TT&DL, Tổ liên ngành 43 cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tùy tình hình thực tế sẽ tiến hành xác minh, phối hợp với các ngành liên quan giải quyết những tồn tại, bức xúc của người dân và du khách.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.