.

Xoa dịu nỗi đau cho trẻ em da cam

.

Trong khoảng sân khá rộng của Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, những đứa trẻ dị dạng do chất độc da cam được các bác sĩ khám. Nụ cười thân thiện, cử chỉ trìu mến và cả những viên kẹo đủ màu của các bác sĩ Pháp dường như làm các em quên đau đớn.

Bác sĩ người Pháp khám bệnh cho nạn nhân da cam Đà Nẵng.
Bác sĩ người Pháp khám bệnh cho nạn nhân da cam Đà Nẵng.

“Bạn bị nổi mẩn bao lâu rồi? Đừng vận động nhiều, nếu không sẽ ảnh hưởng đến xương gây khó thở”, bác sĩ Mart Zolff Lionel nói với anh Trần Dũng (39 tuổi, ở phường Bình Thuận, quận Hải Châu), nạn nhân da cam.

Tại một bàn khác, bác sĩ Vo Bich Dao đang khám cho bé Trương Thị Kim Tuyền (13 tuổi, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Bé Tuyền bị bại não bẩm sinh, rất khó chữa lành. Bác sĩ Dao đã kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe của Tuyền để giúp em có hướng điều trị thích hợp. Còn bé Tuyền cứ loay hoay, thích thú với những viên kẹo đủ màu mà các bác sĩ cho.

Vừa được khám xong, bé Hồ Thị Minh Anh (8 tuổi, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ngồi thở dốc bên cạnh bà ngoại. Bà Nguyễn Thị Mai (67 tuổi), bà ngoại cô bé, ôm cháu vào lòng xót xa: “Nó không có bố, còn mẹ bị mất trí nhớ nên tôi nuôi nó từ nhỏ. Bác sĩ bảo nó bị lõm lồng ngực, sức khỏe rất yếu và đã được phẫu thuật một lần. Bây giờ, các bác sĩ khám và sẽ hỗ trợ kinh phí để phẫu thuật lần hai”.

Mấy sào ruộng chỉ đủ để hai bà cháu sinh sống qua ngày thì làm gì có đủ tiền phẫu thuật cho bé Anh. Bà bảo, nghe nói có các bác sĩ ở Pháp về khám bệnh miễn phí, bà liền đưa bé đến ngay. Bây giờ lại được đoàn hỗ trợ phẫu thuật trong thời gian sắp đến, bà mừng lắm.

Đây là lần đầu tiên đoàn y, bác sĩ người Pháp thuộc Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Pháp (VNED) gồm 10 người đến khám chữa bệnh cho khoảng 100 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng.

Bà Võ Thị Bích Loan, Chủ tịch VNED, cho biết những em trong đợt này được chỉ định phẫu thuật tim hoặc phải điều trị sẽ được VNED hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, đoàn còn hỗ trợ chi phí đi lại từ 3-5 triệu đồng cho mỗi em đến khám bệnh. “Chúng tôi mong muốn sẽ hỗ trợ được nhiều hơn để góp phần xoa dịu nỗi đau mà các em đang gánh chịu”, bà Loan nói.

Bà Loan hiện là Phó Giám đốc phòng khám y khoa ABO tại thành phố Mutzig (Pháp). Hội VNED được thành lập vào năm 2001 tại Pháp nhằm giúp đỡ trẻ em Việt Nam dị tật hoặc mang trong người các khuyết tật về thể chất hoặc trí tuệ do nhiễm chất độc da cam hoặc nghèo vượt khó. Đi cùng bà lần này có nhiều người Pháp như: bác sĩ Mart Zolff Lionel, bác sĩ khoa Nội, Bệnh viện Emile Muller, thành phố Mulhouse; bác sĩ Matzolff-Leroy, đã nghỉ hưu…

Tất cả đều muốn đem đến những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em thiệt thòi tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. “Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam rất đáng thương. Hậu quả của chiến tranh thật khốc liệt. Nó kéo dài đến tận bây giờ. Chúng tôi chỉ mong đừng bao giờ có chiến tranh nữa để các em nhỏ không phải chịu thiệt thòi như thế này”, bác sĩ Mart Zolff Lionel thổ lộ.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.