.

Bất an taxi chạy ẩu

.

Đầu năm 2015, trong buổi nói chuyện với gần 4.000 tài xế taxi, xe buýt và xe chở khách trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nhắn nhủ: Mỗi tài xế hãy cố phấn đấu trở thành một “bác tài” chứ đừng trở thành “giặc lái”.

Cần có sự điều hành hợp lý cùng với nâng cao ý thức tài xế để taxi hoạt động an toàn. (Ảnh có tính chất minh họa).                        Ảnh: THANH SƠN
Cần có sự điều hành hợp lý cùng với nâng cao ý thức tài xế để taxi hoạt động an toàn. (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: THANH SƠN

Và ngay khi kết thúc buổi nói chuyện, đại diện các hãng taxi, xe khách đã ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ để hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” của thành phố. Thế nhưng, trên thực tế không ít tài xế taxi đã tự biến mình thành... “giặc lái”, khiến người đi đường thấy bất an.

Lỗi chủ quan của tài xế

Không ít người dân thành phố đã có những “kỷ niệm kinh hồn” với taxi. Nhẹ chỉ giật mình khi phải đối đầu với những pha tăng tốc, lấn làn, đột ngột quay đầu, thậm chí bất thình lình tấp vào lề của những chiếc taxi trên đường. Còn kém may mắn là nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông do taxi tông phải hoặc va quệt với những chiếc xe taxi. Đây là thực tế diễn ra từ lâu, các cơ quan chức năng cũng như những đơn vị chủ quản đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng vẫn không thể khắc phục được mà thậm chí có xu hướng gia tăng khi số lượng đầu xe taxi của thành phố ngày càng tăng.

Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an thành phố cho thấy, từ ngày 16-9 đến 15-10-2015, cán bộ, chiến sĩ đã lập biên bản xử phạt gần một trăm trường hợp taxi vi phạm mà hầu hết là lỗi chủ quan của tài xế. Cụ thể, có 17 trường hợp taxi dừng, đỗ không đúng nơi quy định, 11 trường hợp lỗi chạy quá tốc độ, 6 trường hợp chuyển làn không có tín hiệu báo rẽ, 5 trường hợp đi vào đường cấm, 1 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông...

Trung tá Nguyễn Rạng, Trưởng trạm CSGT cửa ô Hòa Phước cho biết: “Có nhiều tài xế taxi tham gia giao thông theo kiểu “giặc lái” hơn là “bác tài”. Tuyến đường chúng tôi tuần tra là từ chân cầu vượt ngã ba Huế đến trạm thu phí Hòa Phước, mật độ taxi hoạt động không  nhiều như trong nội thành, nhưng gần như ca trực nào cũng phát hiện vài trường hợp taxi vi phạm, trong đó phổ biến nhất là lỗi chủ quan của tài xế như chạy quá tốc độ cho phép, lấn làn, thậm chí là đua tốc độ mỗi khi nhận được cuộc gọi từ tổng đài”.

Anh Lê Văn Thanh, nhà ở mặt đường Trần Bình Trọng, quận Hải Châu bực mình nói: “Nhiều taxi chạy ẩu quá, coi thường tính mạng của những người cùng tham gia giao thông. Đường Trần Bình Trọng đoạn từ ngã ba Trần Bình Trọng-Ngô Gia Tự đến ngã năm Trần Bình Trọng-Trần Quốc Toản-Hoàng Diệu-Phan Châu Trinh mặt đường hẹp nhưng lâu nay lúc nào hai bên đường cũng ken kín taxi đậu, đỗ khiến giao thông bị ùn tắc thường xuyên”.

Cần sự điều hành hợp lý

Để chấn chỉnh tình trạng tài xế biến thành “giặc lái”, thời gian qua, Hiệp hội Taxi thành phố cũng như ở từng hãng taxi đều xây dựng quy chế hoạt động khá chặt chẽ. Theo đó, nếu tài xế taxi nào vi phạm Luật Giao thông đường bộ lần đầu sẽ bị nhắc nhở, lần 2 cảnh cáo phạt tiền, lần 3 cắt phiên, và nếu tiếp tục vi phạm sẽ buộc thôi việc. Hằng năm, Hiệp hội Taxi thành phố đã buộc phải cho thôi việc từ 20-25 trường hợp vi phạm nội quy đơn vị.

Thế nhưng, động thái khá mạnh tay này của các đơn vị taxi vẫn không thể khắc phục được tình trạng “giặc lái” trên đường. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi về vấn nạn này, hầu hết các tài xế taxi đều cho biết phải chịu áp lực rất lớn để xử lý mâu thuẫn giữa việc chạy đúng như một “bác tài” và việc bảo đảm thu nhập hằng ngày. Bởi lẽ, hiện nay các đơn vị taxi “ăn chia” với tài xế taxi bằng cách ngoài phần lương cơ bản, tài xế taxi sẽ được hưởng phần trăm tiền cước thu được mỗi ca, sau khi trừ định mức của từng ca trực.

Nếu tiền cước càng cao thì tỷ lệ “ăn chia” dành cho tài xế càng cao, ngược lại tài xế nào chạy không đủ định mức thì có thể đóng tiền túi vào cho đủ. Với cách tính như vậy, cùng với việc tổng đài luôn thông báo thông tin rộng rãi đến tất cả tài xế taxi đang làm việc, khiến cho các tài xế phải cạnh tranh khá gay gắt, nếu không muốn để xe không cả ngày.

Tài xế N.B của hãng taxi M… cho biết , tổng đài thông báo chung thông tin đón khách đến tất cả các xe, vì vậy tài nào xác định khách ở gần vị trí của mình là nhanh chóng chạy xe đến đón, không có sự liên lạc hay phân công trong việc đón khách giữa các tài xế với nhau. Cách làm này được cái lợi cho doanh nghiệp taxi vì bảo đảm nhanh chóng, phục vụ nhanh yêu cầu của khách, nhưng ngược lại là đưa các tài xế cùng một hãng vào những cuộc đua tốc độ rất nguy hiểm.

Tài xế T.C.A, thuộc hãng taxi H… chia sẻ thêm: “Ngoài việc phải “đua tốc độ” với anh em cùng hãng, chúng tôi còn phải đua với tài xế các hãng khác, bởi nếu chậm chân khách sẽ gọi điện thoại cho hãng khác đến đón. Những trường hợp như vậy vừa mất khách lại vừa bị công ty phê bình vì chậm trễ trong việc phục vụ khách, tạo áp lực rất lớn đối với chúng tôi”.

Để các tài xế taxi không trở thành “giặc lái”, ngoài việc nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật của các tài xế, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhất là trong công tác quản lý, điều hành tài xế một cách hợp lý, không để xảy ra tình trạng đua tốc độ, gây mất an toàn giao thông do tài xế taxi gây ra.

Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.