.

Chuyển biến trong nhận thức

.

Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, cả hệ thống chính trị thành phố vào cuộc quyết liệt và đã tạo nên chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, tạo nền tảng ban đầu trong việc xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.

Hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, người dân tham gia dọn vệ sinh đường phố.
Hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, người dân tham gia dọn vệ sinh đường phố.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ngày 15-1-2015 được xem là sự kiện mở màn cho việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Những chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt nội dung về văn hóa, văn minh đô thị đã dẫn đến chuỗi sự kiện ra quân rầm rộ trên toàn thành phố.

Hoạt động tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã diễn ra với nhiều hình thức sinh động, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các ngành, đoàn thể liên tiếp phát động, hưởng ứng chủ trương này như: phụ nữ thành phố với cử chỉ đẹp sống văn minh; Bộ quy tắc ứng xử của Sở VH-TT&DL; Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các Sở, ngành biên soạn nội dung sổ tay tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, Hội nghị triển khai văn hóa, văn minh đô thị trong các chức sắc do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Sở VH-TT&DL, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo phối hợp tổ chức cũng diễn ra thành công.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL đẩy mạnh tuyên truyền thông qua việc in ấn, phát hành 6.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình; 250.000 tờ gấp tuyên truyền về Chỉ thị 43 và một số quy tắc giao tiếp, ứng xử nơi công cộng, trong cộng đồng dân cư; phát hành đến từng hộ dân, học sinh, sinh viên các trường đại học, công nhân ở các khu công nghiệp và các đầu mối giao thông lớn như: sân bay, ga đường sắt, bến xe…; đồng thời xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người định kỳ 1 tháng/2 đợt (mỗi đợt từ 3-5 ngày), phổ biến các quy định về thực hiện trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị.

Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” và cuộc thi sáng tác ảnh thời sự - nghệ thuật “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Mỗi tháng 50 phướn tuyên truyền nội dung “Vì thành phố Đà Nẵng văn minh, sạch đẹp - không dán quảng cáo rao vặt, không phát tờ rơi trên đường phố” treo tại các ngã ba, ngã tư (nơi có đèn tín hiệu giao thông) và các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố.

Nhờ đó, chủ trương văn hóa, văn minh đô thị đã đến được với người dân. Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin và nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Thành ủy), với 1.000 phiếu tham khảo từ nhiều tầng lớp nhân dân như cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động phổ thông, kết quả cho thấy 96% số người biết thông tin về chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” của thành phố, 95% số người được hỏi rất quan tâm việc thực hiện chủ trương này.

Phát huy vai trò của đoàn thể

Những nỗ lực tuyên truyền đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Hình ảnh một người dân đi đường dừng lại, tự tay gỡ tờ quảng cáo rao vặt dán trên trụ điện, hành động không phơi quần áo trước mặt tiền nhà, bỏ rác gọn gàng… cho thấy sự ý thức trong sinh hoạt thường nhật của một bộ phận người dân.

Đội ngũ xích lô tự quản và chị em buôn bán tại chợ Hàn cũng bước đầu nhận thức được vai trò của mình. Cung cách phục vụ có sự thay đổi đáng kể từ lời ăn, tiếng nói, từ những câu xin chào, cảm ơn, từ việc không nói thách, không chèo kéo khách… nhằm xây dựng hình ảnh Đà Nẵng thân thiện, văn minh trong lòng du khách.

Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… tham gia tích cực vào việc xây dựng văn minh đô thị bằng các phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, chăm sóc bồn hoa, bo viền các hốc cây trên các tuyến đường tự quản, xóa quảng cáo rao vặt…

Bên cạnh những mặt tích cực, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Các phong trào vẫn cứ “nhàn nhạt”. Công tác tuyên truyền tuy đã đến được với người dân nhưng chưa đi vào chiều sâu và thiếu những chương trình hành động cụ thể. Đáng chú ý, tỷ lệ người dân nắm bắt thông tin qua sinh hoạt đoàn thể chỉ từ 5-8%.

“Tôi cho rằng, các đoàn thể cần có những hoạt động thực tế hơn, thu hút người dân cùng tham gia, chứ chỉ riêng cán bộ hội, đoàn thể làm thì không thể thay đổi nhận thức trong nhân dân”, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Chính nói.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật thành phố cho rằng, trong thực hiện “5 không, 3 có” thì có văn hóa, văn minh là cái có khó nhất trong những mục tiêu cần phấn đấu, bởi nó thuộc về nhận thức, thói quen của mỗi người. Do đó, cần tạo sự chuyển biến, đổi thay từ gốc rễ, từ sâu trong suy nghĩ, nhìn nhận của mỗi người, mỗi nhà. “Chúng ta cần quan tâm hiệu quả, thực chất của mỗi phong trào, hành động; phải nhìn vào thực tiễn từ cộng đồng và khu dân cư để có những giải pháp đúng đắn, phù hợp”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Về phía đơn vị thường trực “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cũng cho biết thêm, thành phố xác định văn hóa, văn minh đô thị là nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm thường xuyên và lâu dài.

“Những gì làm trong năm 2015 chỉ mới xới lên các hiện tượng, vụ việc. Vì thế, còn bộn bề nhiều thứ, công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa thật sự triệt để, căn cơ, còn nhiều vướng mắc và lúng túng, dẫn đến tình trạng tái diễn vi phạm khi không có lực lượng chức năng. Nhưng nhờ thế mới thấy cần phải thực hiện các bước tiếp theo như thế nào. Quan trọng hơn hết là tạo nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân, để từ đó nâng cao nhận thức, xây dựng con người Đà Nẵng văn minh”, ông Chiến chia sẻ.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.