Mang trong mình thương tật do những năm tháng bị tù đày, họ gặp nhau và cùng xây nên hạnh phúc giản đơn. Đó là vợ chồng thương binh Lê Phi Chờ (69 tuổi, ở tổ 56, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) và Nguyễn Thị Trúc (68 tuổi).
Vợ chồng ông Lê Phi Chờ giúp con gái kết cườm bán kiếm thêm thu nhập. |
Căn nhà nhỏ của hai ông bà luôn rộn rã tiếng cười, tiếng nói bi bô của đứa cháu gái nhỏ. Một lúc lại có người gọi mua hoa giả, dây cườm. Cô gái trẻ ngồi trên chiếc xe lăn miệng cười thật tươi, đon đả ra đón khách. Cô là Lê Thị Thanh Hòa (37 tuổi), con gái đầu của vợ chồng ông Chờ. “Nó bị nhiễm chất độc da cam nên từ nhỏ đã đau ốm liên miên. Hai chân teo dần nên không đi lại được. Tội lắm!”, bà Trúc nhìn con gái nói. Ông Chờ quay đi, vai người thương binh già run run, cố giấu nỗi đau.
Ngày trước, ông Chờ là du kích xã Điện Thắng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) rồi bị địch bắt và giam ở Côn Đảo. 5 năm ở tù, ông Chờ nếm đủ các ngón đòn tra tấn của địch. Chúng đánh đập rất dã man. Nếu ai chấp nhận chào cờ địch thì chúng ngừng đánh.
Thế nhưng, ông Chờ và đồng đội kiên quyết không khuất phục. Địch liền tống ông vào xà lim. Tại đây, ông cùng những người Cộng sản trung kiên tiếp tục đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi được tắm, đòi ra nắng bằng cách tuyệt thực. Trải qua những năm tháng tù đày cho đến ngày hòa bình, ông Chờ trở về với nhiều vết thương trên thân thể, sức khỏe giảm nhiều.
Ông xin làm thủ kho tại Trường Bổ túc công nông (quận Liên Chiểu) và tại đây duyên số đã cho ông gặp bà, người gắn bó với ông cho đến bây giờ. “Cả hai cùng mang thương tật, cùng nếm mật nằm gai trong tù nên dễ cảm thông với nhau. Tui muốn dành phần đời còn lại để mang hạnh phúc đến cho bà ấy (bà Trúc cũng bị địch bắt ở tù 3 năm - PV)”, ông Chờ thổ lộ. Lễ cưới giản đơn với dăm bình hoa và ít bánh kẹo nhưng với ông bà thì hạnh phúc đong đầy.
Hạnh phúc tưởng trọn vẹn hơn khi đứa con gái đầu lòng ra đời nhưng có ai ngờ… Nhìn con cất tiếng khóc chào đời mà ông Chờ nghẹn đắng. Cô bé bị nhiễm chất độc da cam, di chứng từ bố nên thân người dặt dẹo, hai chân teo quắt lại. Những chuỗi ngày sau đó là những ngày gian khó nhất. Có lẽ với ông Chờ, nỗi đau thể xác do đòn roi của quân thù không bằng nỗi đau trong lòng khi nhìn đứa con gái nhỏ mang kiếp người nhưng không trọn vẹn hình hài con người. Và bà quyết định sinh thêm hai người con nữa để “sau này con Hòa không cô đơn, có người chăm sóc”, như lời bà nói.
Đến tuổi đi học, Hòa cũng muốn được đến trường dù đôi chân không đi được. Thương con, ông bà thay nhau chở con đi học bằng chiếc xe đạp cọc cạch duy nhất và cõng cô bé lên lớp. Bà bảo, cố gắng cho con học cho có cái chữ vì con đã thua thiệt nhiều rồi. Hòa học đến hết lớp 5 thì nghỉ và sau đó học nghề kết cườm, thêu hoa. Một nhà tài trợ biết hoàn cảnh và tặng Hòa chiếc xe lăn. Từ đó, Hòa có thể đi lại trong nhà mà không cần sự trợ giúp của ba mẹ. Bây giờ, cuộc sống của ông bà Chờ đã đỡ vất vả hơn khi hai người con còn lại đã trưởng thành và có nghề nghiệp.
Dù có những lúc lũ trẻ ốm đau, trong nhà không còn đồng nào, ông bà phải chạy vạy ngược xuôi vay mượn; có những khi cả ông và bà đều bị bệnh tật hành hạ, những vết thương ở chiến trường lại âm ỉ đau nhức nhưng chưa khi nào hàng xóm nghe họ to tiếng với nhau. “Bả và tui đã trải qua những năm chiến tranh rồi nên hiểu lắm giá trị của cuộc sống. Bởi vậy, có khó khăn thì cũng cùng nhau vượt qua”, ông Chờ nói.
“Gia đình cô chú sống rất chan hòa với xóm giềng, thực hiện tốt các quy định tại khu phố. Ngày lễ, tết, chúng tôi đều hỗ trợ gia đình quà, tiền theo quy định”, anh Trần Phước Đông, cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội phường An Hải Đông chia sẻ.
Bài và ảnh: KIM NGÂN