Chiều 21-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến. Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu này.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa phát biểu tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: HỮU HOA |
Giám sát và quyết định là hai chức năng cơ bản, gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời trong hoạt động của Quốc hội và HĐND. Nhiều vấn đề lớn của đất nước, địa phương sau khi được Quốc hội, HĐND quyết định thì phải tiến hành giám sát việc tổ chức thực hiện. Qua đó, có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung mới cho phù hợp với thực tế. Vì vậy, hai chức năng này luôn song hành với cơ quan dân cử. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, tôi tham gia 4 vấn đề sau đây:
1. Việc ủy quyền trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và HĐND (Điều 15, 60)
Điều 49 Luật tổ chức Quốc hội, Điều 41 Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành quy định, những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể, liên quan đến con người cụ thể. Nhưng thực tế các kỳ họp Quốc hội và HĐND vừa qua, có nhiều đại biểu chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch UBND, nhưng người trả lời chất vấn thường là Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND. Vì pháp luật hiện hành không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn, cũng không cấm việc ủy quyền trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội và HĐND.
Trong khi đó, dự thảo Luật hoạt động giám sát mới cũng không điều chỉnh vấn đề này. Do đó, tôi đề nghị cần quy định rõ tại Điều 15 và Điều 60 theo hướng, các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội, HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời. Vì đại biểu là người đại diện cho cử tri, mà cử tri thì luôn mong muốn vấn đề chất vấn được chính chức danh đó trả lời nhằm khắc phục hạn chế, tìm ra những giải pháp tối ưu để quản lý, điều hành đất nước, ngành mình, địa phương mình phát triển tốt hơn.
2. Về giám sát chuyên đề của Quốc hội và HĐND (Các Điều 16, 27, 41, 62, 70, 80)
Phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động giám sát chuyên đề đối với những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương thời gian qua được Quốc hội, HĐND thực hiện đã có nhiều tiến triển, đạt nhiều kết quả nhất định, đem lại lòng tin cho nhân dân. Tuy nhiên, xem xét một cách toàn diện thì hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát này chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và HĐND vẫn còn tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đi sâu, đi sát để nắm tình hình, chưa đánh giá đúng thực trạng, để có kết luận chính xác.
Nghị quyết, quyết định thành lập Đoàn giám sát có đầy đủ thành phần, nhưng khi đến làm việc tại các địa phương thì chỉ có vài đại biểu. Thời gian làm việc rất hạn chế, chỉ gói gọn trong một ngày, thậm chí có khi chỉ một buổi. Kết thúc buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các vấn đề địa phương, đơn vị kiến nghị. Nhằm khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị luật cần quy định chặt chẽ các vấn đề trên để giám sát chuyên đề đạt mục tiêu đề ra, giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong thực tế, đảm bảo hoạt động này của Quốc hội và HĐND phát huy hiệu lực, hiệu quả.
3. Về hình thức công khai trong chất vấn tại kỳ họp HĐND (Điều 60)
Giám sát bằng hình thức chất vấn trong kỳ họp Quốc hội quy định tại Điều 15 được phát thanh, truyền hình trực tiếp, bảo đảm tính thời sự, thể hiện tính công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả tích cực từ dư luận xã hội; nhưng đối với HĐND thì luật chưa quy định được truyền thanh, truyền hình trực tiếp.
Thực tế các năm qua cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức truyền hình trực tiếp hầu hết thời gian họp HĐND. Vì vậy, tôi đề nghị quy định bổ sung vào Điều 60 nội dung: Các phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được truyền hình trực tiếp; chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã được truyền thanh trực tiếp. Có như vậy mới tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động của HĐND, tạo điều kiện để cử tri theo dõi, giám sát.
4. Về hai hình thức giám sát mới của HĐND (Điều 66, 69, 72)
Luật bổ sung hai hình thức giám sát mới của HĐND tại Điều 66 là chất vấn và giải trình tại Thường trực HĐND. Tôi nhất trí cao các quy định này, vì nó không chỉ góp phần quan trọng làm thay đổi hoạt động của Thường trực HĐND mà còn nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND.
Tuy nhiên, quy định về trình tự chất vấn tại Thường trực HĐND ở Điều 69 là chưa đủ mạnh về pháp lý để nâng cao hiệu quả chất vấn. Do đó, tôi đề nghị luật cần quy định rõ hình thức văn bản của Thường trực HĐND đối với những vấn đề đã chất vấn, đồng thời cũng cần quy định việc chất vấn tại Thường trực HĐND được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để cử tri theo dõi như quy định tại Điều 26 về chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Vì HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ nhân dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân thì cần công khai để nhân dân có điều kiện giám sát.
Đối với hoạt động giải trình tại Thường trực HĐND, bên cạnh việc tán thành các quy định tại Điều 72, tôi đề nghị luật cần quy định theo hướng, trường hợp cơ quan chịu sự chất vấn, giải trình không thực hiện kết luận của Thường trực HĐND thì Thường trực HĐND báo cáo HĐND xem xét ra nghị quyết. Việc bổ sung quy định này sẽ tăng hiệu quả giám sát đối với hoạt động giải trình tại Thường trực HĐND. Có như vậy, HĐND các cấp mới thực quyền, giám sát của HĐND mới có hiệu lực, thiết thực.