Đào tạo và đánh giá theo năng lực là một trong những phương pháp mới được triển khai trong hoạt động dạy nghề, mang lại hiệu quả cho người dạy lẫn người học và thị trường lao động. Đà Nẵng là một trong những địa phương đang triển khai thí điểm phương pháp này.
Phương pháp đào tạo nghề theo năng lực giúp mỗi cá nhân làm chủ các kỹ năng thực hành. |
Bài giảng từ thực tế
Đào tạo theo tiếp cận năng lực là phương pháp mới trong hoạt động dạy nghề tại Việt Nam. Trường CĐ nghề Đà Nẵng là một trong số ít đơn vị trên cả nước được áp dụng thí điểm phương pháp này với nghề công nghệ ô-tô (4 lớp, mỗi lớp 35 học sinh). Thầy Lê Minh Xuân, Trưởng khoa Cơ khí Trường CĐ nghề Đà Nẵng cho biết, phương pháp này là sự đổi mới cách thức thực hiện trong mỗi bài giảng.
“Bài giảng được xây dựng từ chính công việc của người công nhân ngoài công trường, tức là từ công việc thực tế chứ không chỉ lý thuyết suông. Nhờ vậy, các em nắm bắt công việc nhanh hơn và vận dụng kiến thức hiệu quả hơn”, thầy Xuân nói. Đây là phương pháp mang lại hiệu quả cho người dạy lẫn người học và được doanh nghiệp đánh giá cao.
Triển khai phương pháp này là hoạt động trong khuôn khổ Dự án REG 100 - dự án hợp tác vùng giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Dự án này nhằm tăng cường khả năng xây dựng và quản lý chính sách dạy nghề kỹ thuật, được củng cố theo phương pháp tiếp cận ngành; tăng cường khả năng điều chỉnh, theo dõi, đánh giá hệ thống dạy nghề kỹ thuật; đồng thời phát triển chương trình đào tạo nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực.
Ông Lux Motruix, Quản trị chương trình dự án REG 100 cho biết, chương trình tăng cường tính tương thích giữa đào tạo và việc làm nhằm đạt mục tiêu dạy nghề phải đi đôi với tạo việc làm. Hiện chương trình được áp dụng tại 20 trường điểm trên cả nước với 4 nghề: công nghệ ô-tô, cơ khí nông nghiệp, quản lý siêu thị, quản lý kho. Sau khi tốt nghiệp, hầu như 100% sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận.
“Tất cả các nước có hệ thống đào tạo nghề phát triển đã áp dụng và cải tiến các nội dung cơ bản của phương pháp tiếp cận theo năng lực. Phương pháp đào tạo nghề theo năng lực giúp mỗi cá nhân biết trước những năng lực họ cần phải làm chủ, để có thể hành nghề một cách đúng đắn nhất, góp phần thể hiện năng lực trong học tập”, ông Lux nói.
Không dễ thực hiện
Theo PGS,TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, phương pháp này mang lại nhiều lợi ích bởi nó gắn chặt giữa lý thuyết với thực hành, đòi hỏi giáo viên không chỉ giỏi lý thuyết mà còn phải áp dụng tốt vào thực tế để cho ra sản phẩm đạt chất lượng. “Để tạo ra đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế thì phải nâng cao chất lượng dạy nghề. Trong đó, đào tạo theo tiếp cận năng lực được xem là phương pháp hiệu quả”, PGS,TS Cao Văn Sâm cho biết.
Còn theo thầy Lê Minh Xuân, để có chương trình đào tạo đúng nghĩa phương pháp tiếp cận theo năng lực trong đào tạo nghề, cần tuân thủ nhiều điều kiện, trong đó phải có thiết bị đáp ứng yêu cầu và có sự đầu tư kinh phí không nhỏ đối với trường nghề. “Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề hiện nay đều chưa đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị dạy học. Vì vậy, khi chúng ta triển khai phương pháp tiếp cận theo năng lực trong đào tạo nghề thì cơ sở vật chất, trang thiết bị để bảo đảm yêu cầu là một khó khăn không nhỏ”, thầy Xuân nói.
Thạc sĩ Phạm Tố Như, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ khí Nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, đội ngũ giáo viên đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của phương pháp này là quan trọng. “Hầu hết giáo viên hiện nay chưa được giới thiệu bài bản phương pháp tiếp cận theo năng lực trong đào tạo nghề.
Mặt khác, kỹ năng nghề của nhiều giáo viên chưa đủ để đáp ứng khi giảng dạy và triển khai phương pháp tiếp cận theo năng lực, bởi lâu nay chủ yếu dạy các môn “cơ sở” của chương trình khung hiện tại. Mặt khác, việc đánh giá người học theo phương pháp tiếp cận này cũng cần thời gian cho các giáo viên và ban đầu nên có sự hướng dẫn của các chuyên gia”, thầy Như nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ