ĐNĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại buổi kiểm tra tiến độ xây dựng Trường THPT Phan Châu Trinh ngày 2-10.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng kiểm tra công trình Trường THPT Phan Châu Trinh |
Không làm ảnh hưởng đến giao thông
Trường THPT Phan Châu Trinh được khởi công xây dựng vào tháng 4-2015, đến nay, trong hơn quá nửa thời gian dự kiến hoàn thành, giá trị thi công đạt khoảng hơn 27%.
Theo thông tin tại buổi làm việc, công trình trên được khởi công trên nền ngôi trường cũ ở số 167 Lê Lợi, do Công ty CP Kiến trúc và xây dựng An Thy thiết kế, gồm 4 tầng với 57 phòng, có tổng diện tích xây dựng 1.800m2. Tổng diện tích sàn xây dựng công trình là 7.725m2 trên tổng diện tích quy hoạch 6.868m2.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố (BQLDA) - đơn vị quản lý, điều hành công trình cho biết, hiện hạng mục hầm đi bộ (hầm chui qua đường Lê Lợi, kết nối giữa hai cơ sở 154 và 167 Lê Lợi),có một số vướng mắc như: phải bổ sung thiết kế phòng cháy chữa cháy, thay đổi hệ thống bơm thoát nước, thiết kế đáy móng đường hầm sâu 5,35m thực tế sâu 2,5m đã có nước ngầm nhưng không có thiết kế biện pháp hạ mực nước ngầm)… Việc thi công hầm chui đi bộ ảnh hưởng đến 23 đơn vị như: điện, điện chiếu sáng, cây xanh, cấp nước, thông tin, tín hiệu…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo, việc thi công hầm ngầm trong mùa mưa này là rất khó khăn. Bởi vậy, BQLDA phải phối hợp với Sở Xây dựng thống nhất phương án di dời các hạng mục như: điện, nước, cây xanh…
“Việc di dời phải được thực hiện nhanh, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Làm đến đâu dứt điểm đến đó” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo.
Tăng cường nhân lực đẩy nhanh tiến độ
Theo BQLDA, đường hầm có diện tích xây dựng 229,2m2, rộng 6m, dài 24,3m, cao 3m. Hầm chui này gồm 2 đốt bê tông cốt thép đổ tại chỗ, lát đá granite đáy hầm và bố trí điện chiếu sáng bên trong hầm.
Trong công trình mới, mặt đường Lê Lợi được mở rộng trong phạm vi vỉa hè hiện trạng để làm vịnh đỗ xe đưa đón học sinh (dành cho xe máy, xe đạp), diện tích 630,7m2, mặt đường bằng gạch block, vỉa hè làm mới bằng gạch terazzo.
Tại buổi làm việc, đại diện BQLDA cũng đã đề xuất UBND thành phố phê duyệt (trên cơ sở Sở Xây dựng trình) quy hoạch điều chỉnh vịnh dừng xe để có sơ sở triển khai thiết kế di dời cây xanh, điện, điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước, thông tin, tín hiệu…
Đồng thời, BQLDA đề nghị, để thuận tiện thi công hầm chui đi bộ, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng cần sớm di dời trụ điện chiếu sáng, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng di dời và đấu nối tạm đường ống cấp nước.
“Phải giao ban thường xuyên ở hiện trường để đánh giá tiến độ theo tuần. Đồng thời tăng cường nhân lực, trang thiết bị để đẩy nhanh tiến độ, kịp hoàn thành công trình vào tháng 12 năm nay” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo.
Công trình Trường THPT Phan Châu Trinh có chiều cao xây dựng 17,55m, kết cấu móng băng theo hai phương, khung chịu lực bằng bê tông cốt thép. Hệ thống kỹ thuật gồm: hệ thống chiếu sáng, hệ thống mạng và thông tin liên lạc, cấp điện, cấp thoát nước, chống sét, điều hòa không khí… Khu vực trường mới này gồm 4 tầng với 57 phòng; trong đó, tầng 1 là kho dụng cụ thể dục thể thao, thể dục quốc phòng, nhà bảo vệ, khu vệ sinh, sân chơi. Tầng 2 có 5 phòng học lý thuyết, các phòng truyền thống, hiệu trưởng, hiệu phó, hội đồng sư phạm… Tầng 3 gồm 5 phòng học lý thuyết, phòng nghỉ giáo viên, phòng tổ bộ môn, phòng chuẩn bị, phòng y tế… Tầng 4 gồm 4 phòng học lý thuyết, phòng chuẩn bị, phòng học bộ môn. |
Bài, ảnh: Phương Trà