Chính trị - Xã hội
Đừng lợi dụng phản biện xã hội
Trong những năm qua, không khí dân chủ trong xã hội ngày càng phát triển, những ý kiến góp ý cho Đảng, Nhà nước và cho các tổ chức xã hội ngày càng nhiều, nhất là trên báo chí, trên mạng xã hội và thông qua các cuộc hội thảo khoa học, các diễn đàn đóng góp ý kiến…
Nhiều ý kiến đóng góp được Đảng, Nhà nước nghiên cứu tiếp thu và điều chỉnh chủ trương, chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng, mong mỏi của lòng dân được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Có thể dẫn chứng nhiều việc thể hiện tinh thần dân chủ đó là: Trước đây khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Hiến pháp 2013 (sửa đổi), đã công khai dự thảo cho toàn dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và đã có hàng chục vạn ý kiến tham gia, trong đó hầu hết mang ý thức trách nhiệm cao, nhiều ý kiến có chất lượng được Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổi góp phần bảo đảm cho Hiến pháp thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; hay gần đây nhất, khi chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin toàn văn Dự thảo các văn kiện trình Đại hội xin ý kiến đóng góp của nhân dân và cũng đã nhận được hàng vạn ý kiến tham gia góp ý…
Tuy nhiên, cùng với sự tham gia chân thành, có trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với Đại hội Đảng, với tương lai, vận mệnh của đất nước, của dân tộc, thì cũng có một số người lợi dụng vấn đề dân chủ, núp dưới danh nghĩa phản biện xã hội có những ý kiến trái chiều, thiếu tính xây dựng, thậm chí mang tính chống đối, phủ định chế độ. Những quan điểm, ý kiến họ nêu ra đã đi ngược lại mong muốn của Đảng và nhân dân ta, đó là sau khi lý giải theo quan điểm chủ quan thiếu tính khoa học, họ đề nghị hãy từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, họ phủ nhận chủ nghĩa xã hội, đòi phi chính trị hóa quân đội và phê phán thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không tưởng… Rõ ràng, mục đích của họ không còn mang tính phản biện khoa học mà là hướng tới thay đổi chế độ, phủ nhận thành quả cách mạng của hàng triệu con người hy sinh cống hiến xây dựng nên.
Để làm rõ những quan điểm sai trái này, người viết xin làm rõ mục đích của phản biện. Phản biện là thông qua hoạt động dân chủ trên lĩnh vực khoa học-công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn nhằm làm rõ tính khách quan, đúng đắn, khoa học của sự vật hiện tượng mà chúng ta đang phản biện, như vậy phản biện và tư biện phải cùng chung một mục đích, một mục tiêu. Còn với quan điểm và cách suy nghĩ của họ là làm thế nào để thông qua cái mà họ gọi là tham gia “phản biện” để đạt được mục tiêu là làm thay đổi hệ tư tưởng, thay đổi chế độ, lái đất nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, khác hoàn toàn với mục đích phản biện mà Đảng, Nhà nước ta mong muốn.
Rõ ràng, khi mục đích và mục tiêu khác nhau thì không còn là phản biện, nếu phản biện đối lập mục tiêu với tư biện thì phản biện chẳng còn ý nghĩa và sự cần thiết nữa, do đó Đảng và Nhà nước ta không cần sự phản biện như vậy. Phản biện là biểu hiện của dân chủ nhưng phải là dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ vô chính phủ, dân chủ phải được thực thi trong sự ổn định và phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa, để khơi dậy tiềm năng, phát huy trí sáng tạo, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của xã hội, làm cho dân ta ngày càng giàu, nước ta ngày càng mạnh, xã hội ta ngày càng công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Nếu chúng ta nghe và làm theo cách đề nghị của các nhà “phản biện” nêu trên thì thực chất là đi theo các cuộc “cách mạng màu” do Mỹ và phương Tây khởi xướng (Nhìn lại các nước bị tác động của cách mạng màu thay đổi chế độ đều rơi vào mất ổn định, nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn). Bởi vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, Đảng, Nhà nước cần sự phản biện dân chủ thực sự chứ không cần sự “phản biện” nhằm thay đổi chế độ. Mong các nhà “dân chủ” luôn giữ ý đồ hướng đất nước theo kiểu “cách mạng màu” hãy hiểu điều đó.
NGUYỄN QUANG VĂN