Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có 26.751,2ha, không chỉ giàu tài nguyên động thực vật mà có vị trí vô cùng quan trọng về phòng hộ đầu nguồn, dự trữ nguồn nước cho vùng hạ du. Tuy vậy, từ trước đến nay, công tác quản lý, bảo vệ khu rừng này chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tuần tra, truy quét chống chặt phá rừng tại rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa. |
Hiện tại, quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên tại khu rừng này do Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa đảm nhiệm. Thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng là Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Là khu vực giàu tài nguyên lâm sản nhất của rừng Đà Nẵng, từ trước đến nay, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa ít khi bình yên. Tình trạng khai thác gỗ và săn bắt động vật hoang dã trái phép xảy ra gần như thường xuyên. Năm 2014, cơ quan chức năng phát hiện 2 vụ phá rừng lớn tại rừng đặc dụng này, đó là vụ phá rừng Cà Nhông giáp ranh với lâm phận tỉnh Quảng Nam và tại tiểu khu 20 giáp ranh với lâm phận Thừa Thiên- Huế. Cơ quan Kiểm lâm phối hợp Công an thành phố đã khởi tố 2 vụ phá rừng này để điều tra, xử lý. Năm 2015, phá rừng quy mô lớn có giảm, nhưng tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại đây vẫn diễn ra.
Do đâu rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa liên tục bị tàn phá? Trước hết phải thấy rằng, hoạt động quản lý bảo vệ của các trạm thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và đơn vị chịu trách nhiệm thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng tại khu vực này là Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa chưa đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả hành vi phá rừng của lâm tặc. Thậm chí, một số cán bộ, nhân viên trực tiếp giữ rừng đã tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Hành vi tiêu cực này đã phải trả giá đắt, khi 4 cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông bị cơ quan Công an bắt tạm giam do liên quan đến vụ phá rừng Cà Nhông cuối năm 2014.
Một nguyên nhân khác dẫn đến hiệu quả giữ rừng không cao là ngành chức năng chưa thật sự chú trọng đến việc xây dựng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đủ về quân số, mạnh về ý chí tinh thần và đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thành lập từ ngày 6-12-2012, thế nhưng đến nay, các Trạm Kiểm lâm cửa rừng của hạt này vẫn chưa hình thành. Trong khi đó, Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 26-10-2006 của Chính phủ quy định rõ: Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng có cơ quan Hạt và các Trạm Kiểm lâm cửa rừng. Gần 3 năm nay, lực lượng kiểm lâm địa bàn của hạt này phải ăn nhờ, ở đậu tại các Trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm địa bàn khu vực rừng Sông Nam cho biết: Có ai ăn nhờ ở đậu, từ năm này sang năm khác như kiểm lâm chúng tôi. Thử nghĩ, ở nhờ vài ba tuần đã cảm thấy ái ngại, đằng này anh em chúng tôi chịu cảnh này gần 3 năm trời.
Cùng nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, nhưng 2 đơn vị có chức năng riêng biệt. Ăn nhờ, ở đậu, không chỉ khó khăn vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ mà rất phiền hà trong sinh hoạt, đời sống. Có khi biết rõ chủ rừng để lâm tặc khai thác gỗ trái phép song ở cùng chỗ, ăn cùng mâm, dẫu sao cũng nể nang không thể giải quyết kiên quyết, minh bạch được.
Thậm chí, quân số ít, nhiều thời điểm 2 lực lượng cùng triển khai tuần tra, truy quét chống chặt phá rừng. Còn trong sinh hoạt, bữa nào người của trạm vắng thì mới có giường để ngủ, bằng không đành mắc võng nằm. Việc quản lý sổ sách, tài liệu, hồ sơ, vũ khí cũng không đơn giản.
Ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho hay: Đơn vị đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, song chưa được giải quyết. Thực trạng này kéo dài không chỉ người trong cuộc chán nản mà việc chỉ đạo điều hành của Hạt rất khó khăn. Không chỉ các trạm cửa rừng chưa được hình thành mà lực lượng biên chế theo quy định của Hạt cũng thiếu.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố lại cho rằng: Bố trí 2 lực lượng ở chung như vậy là hợp lý. Hiện tại Chi cục chưa có kế hoạch xây dựng các Trạm kiểm lâm cửa rừng thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Còn ông Huỳnh Ngọc Hạp, Phó Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thì khẳng định: 2 lực lượng ăn ở cùng một chỗ không tránh khỏi phiền hà.
Xử lý vấn đề nêu trên theo cách nào thuộc trách nhiệm của ngành chức năng, song có điều đã và đang diễn ra hằng ngày là lực lượng Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa luôn đặt câu hỏi: Bao giờ hết cảnh ăn nhờ, ở đậu? Thiết nghĩ, vì sự nghiệp bảo vệ khu vực rừng giàu tài nguyên nhất của Đà Nẵng, chính quyền thành phố và cơ quan chức năng cần có giải pháp thích hợp để nâng cao sức mạnh bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu