LTS: TS VŨ NGỌC HOÀNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương có bài trả lời phỏng vấn về những vấn đề trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… hiện nay. Báo Đà Nẵng đăng tải bài trả lời phỏng vấn trong số báo này.
Phải có cơ chế quản lý tốt, đổi mới thể chế kinh tế và cách quản lý xã hội để kiểm soát quyền lực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước Ảnh minh họa: Văn Nở |
* Những bài viết và trả lời phỏng vấn gần đây của ông, trong đó có bài về “Tham vọng quyền lực và sự tha hóa”, “lợi ích nhóm” và “CNTB thân hữu”… được dư luận rất quan tâm. Ông nhận được ý kiến phản hồi thế nào, thưa ông?
- Tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Khen có, chê có, rồi có bình luận, trao đổi, cá biệt cũng có ý kiến suy diễn hoặc mượn chuyện này để nói chuyện khác… Trong đó, có ý kiến bảo tôi sao không nói rõ thế nào là “CNTB thân hữu”, hỏi tôi có ai nghiên cứu các vấn đề này chưa, hay tôi nghĩ ra.
Trong bài tôi đề cập không ít nội dung về khái niệm, đặc điểm, bản chất, nguyên nhân của “CNTB thân hữu”. Tuy vậy, cũng có thể chưa đủ, đề nghị các nhà nghiên cứu tham gia thêm. Nhiều người nói, trao đổi với nhau, sẽ rõ hơn. Chữ “CNTB thân hữu” là viết trong ngoặc kép. Nó không phải là một giai đoạn phát triển nào của CNTB, mà là một hiện tượng, một thực trạng, một sự tha hóa, biến tướng, biến chứng trong quá trình phát triển của các quốc gia, kể cả TBCN và các nước có chế độ chính trị khác nhau... Nó xa lạ với xu hướng phát triển văn minh hiện đại của CNTB và càng xa lạ với CNXH lành mạnh. Nó phát triển lên từ “lợi ích nhóm” tiêu cực. Nó có một số đặc điểm như trong bài viết. Ai thấy còn thiếu thì có thể bổ sung, ai không đồng ý thì phản biện.
Theo tôi biết, ở nước ngoài, ở trong nước, cũng có một số người nghiên cứu về “CNTB thân hữu”. Về “lợi ích nhóm”, trong xã hội, kể cả trong nhiều văn bản chính thống, mọi người đã nói nhiều, nhất là ở các hội nghị, hội thảo. Về sự tha hóa của các vương triều phong kiến Việt Nam và của Liên Xô (cũ) cũng đã có nhiều người nghiên cứu, nhất là những người nghiên cứu lịch sử, chính trị - xã hội.
Những vấn đề đó đều là do các nhà khoa học hoặc nhà quản lý, nhiều người nghiên cứu, tôi không tự nghĩ ra được. Ví dụ, cụm từ “lợi ích nhóm” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước tôi 3 năm và “CNTB thân hữu” thì Giáo sư Lê Xuân Tùng đã góp sửa nhiều ý hay.
Hay tư liệu về 9 vạn người Hàn Quốc sang Việt Nam làm ông chủ và 9 vạn người Việt Nam sang Hàn Quốc làm thuê là của GS Trần Văn Thọ (Nhật Bản), tôi nghe anh ấy nói, thẩm tra lại, thấy có cơ sở, và tôi đã nói lại trong một hội nghị trực tuyến về kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, và báo chí đã phản ánh. Hay chuyện dân số qua giai đoạn vàng và sang già rồi nhưng đất nước vẫn còn nghèo thì tôi nghe tại một cuộc hội thảo do Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của Bộ Y tế tổ chức, cũng như một số nhà nghiên cứu khác của Việt Nam đã nói mấy năm nay rồi.
Hay chuyện lễ thổi lỗ tai của người Tây Nguyên là tôi đọc của nhà văn Nguyên Ngọc, rồi đi khảo sát để kiểm chứng lại… Tôi kể ra thì rất nhiều. Điều đó chứng tỏ đây là những việc đã có nhiều người nghiên cứu, có cả một quá trình chứ không phải tôi nghĩ ra.
Tôi chỉ là người đọc, nghe và tổng hợp lại. Tôi phải học mọi người một cách chăm chú để có thể viết. Nhưng đã viết ra thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, nhất là, đối với những vấn đề nhạy cảm, không thể nói tôi nghe người này nói, tôi đọc của người kia viết. Có những nội dung tôi đã đọc và nghe thấy từ nhiều người, nay không còn nhớ ai là người đã nói đầu tiên. Nhân đây, cho phép tôi được cảm ơn các anh chị ấy.
* Có ý kiến bảo bài “lợi ích nhóm” chủ yếu mới phân tích thực trạng, tác hại, nguy cơ, còn cái chính là giải pháp thì chưa rõ. Ông có ý kiến gì về nội dung này?
- Đúng là trong bài “lợi ích nhóm” và “CNTB thân hữu” tôi viết về giải pháp (ở đoạn cuối) chỉ mới nêu khái quát. Khái quát thì phải ngắn gọn, nhưng cụ thể hóa thì nhiều vấn đề lắm, tất nhiên vẫn là chưa đủ. Mọi người bổ sung, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và toàn xã hội bổ sung vào, chứ một mình tôi thì không thể đầy đủ được. Mà tôi thấy trong các ý kiến phản hồi của các anh chị ấy đã có nhiều ý về giải pháp rồi.
Làm sao để chống chệch hướng sang “CNTB thân hữu” hoặc để khắc phục “CNTB thân hữu” nếu đã có rồi? Muốn chống “CNTB thân hữu” thì phải chống “lợi ích nhóm” (tiêu cực) một cách hữu hiệu. Toàn xã hội phải kịp thời phát hiện và lên tiếng phê phán, kiến nghị. “Lợi ích nhóm” ỷ vào sức mạnh của đồng tiền và quyền lực nên cũng tỏ ra bất chấp và ngoan cố lắm. Nhưng cái gian bao giờ cũng sợ ánh sáng. Dư luận phải làm cho mọi việc sáng rõ ra. Hôm nay chưa sáng rõ thì ngày mai, năm nay chưa sáng rõ thì năm sau, khi họ còn đang tại chức chưa rõ được thì đến lúc đã nghỉ hưu cũng phải làm cho rõ.
Trước sau gì cũng phải chịu trách nhiệm, dù còn làm hay đã nghỉ, nếu đã gây hậu quả cho đất nước. Khái niệm “hạ cánh an toàn” trong trường hợp này cũng là kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, không chịu trách nhiệm lâu dài với đất nước. Một người bạn kể với tôi chuyện một học sinh lớp 11 đến một “ông thầy” để xin chữ. Em xin chữ “liêm”. Người cho chữ rất ngạc nhiên vì sao ở tuổi ấy em làm gì mà phải xin chữ “liêm”? Em thưa rằng, bố em làm cán bộ, em xin chữ “liêm” với mong muốn bố em giữ mình trong sạch, không để lại tiếng xấu cho các con, nhục lắm.
Giải pháp quan trọng nhất thuộc về cơ chế (bao gồm cả luật pháp). Tham nhũng, “lợi ích nhóm” có một phần đáng kể, thậm chí là chủ yếu từ cơ chế. Cơ chế không chặt chẽ, không khoa học thì tạo môi trường, điều kiện cho tiêu cực tiếp tục xảy ra.
Việc xử lý rất nghiêm các vụ việc sai phạm là cần thiết. Nhưng nó hoàn toàn không thể thay thế cho giải pháp đổi mới cơ chế quản lý. Việc đổi mới cơ chế quản lý bộ máy Nhà nước và quản lý xã hội, đổi mới thể chế kinh tế một cách khoa học là giải pháp đầu tiên và hiệu quả, nó có thể ngăn chặn hàng loạt vụ việc sắp/sẽ xảy ra.
Trong giải pháp có vấn đề kiểm soát quyền lực, thực thi dân chủ rộng rãi, tự do ngôn luận, thay đổi cách tuyển chọn cán bộ, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, minh bạch hóa mọi việc, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước…
Để triển khai trên thực tế công việc thì trước hết phải đổi mới tư duy, đổi mới một cách căn bản, cả những vấn đề lý luận lâu nay thường cho là “nhạy cảm” không dám đụng đến. Phải đổi mới căn bản thì mới giải quyết căn bản được tình hình. Như vậy “lợi ích nhóm” là nguy cơ đáng lo nhất hiện nay, còn đổi mới là giải pháp quan trọng nhất, vừa phát triển được đất nước, vừa chống được “lợi ích nhóm”.
Cần thực thi một cơ chế có hệ thống và minh bạch kiểm tra và giám sát quyền lực. TRONG ẢNH: Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh minh họa: NGUYỄN THÀNH |
* Theo ông, vì sao không kiểm soát được quyền lực, làm thế nào để kiểm soát được quyền lực?
- Tôi cho có nguyên nhân từ việc chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự nguy hiểm bởi mặt trái của quyền lực; từ đó mà chưa có quyết tâm chính trị để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực; phương pháp tiếp cận vấn đề này cũng chưa đúng và nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp các ngành chưa gương mẫu.
Cần phải hiểu thật sâu sắc, đau đớn, xương máu rằng sự tha hóa của quyền lực có thể dẫn đến tan rã quốc gia, sụp đổ các chính thể - vương triều, lụn bại đất nước, suy đồi văn hóa (M. Gorki cho rằng văn hóa lâm nguy còn đáng lo hơn tổ quốc lâm nguy). Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam có nói phải kiểm soát quyền lực nhưng sau đó thiếu cơ chế triển khai và đến nay chưa có tiến bộ đáng kể, đó cũng là “nói không đi đôi với làm”. Trong khi vấn đề lại khó và rất phức tạp.
Kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát những người có quyền lực. Người có quyền lực thì tâm lý chung là không muốn ai kiểm soát mình, không muốn tự “trói mình”. Còn những người bình thường thì không thể kiểm soát người có quyền lực.
Cho nên, để thực hiện được việc kiểm soát quyền lực thì lãnh đạo phải gương mẫu, phải bắt đầu từ những người lãnh đạo tâm huyết và anh minh, phải bắt đầu từ trên xuống, từ những cơ quan có quyền lực nhất. Bản thân các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải gương mẫu và có quyết tâm chính trị để lãnh đạo việc này, trong đó có việc chịu sự kiểm soát quyền lực của nhân dân, của luật pháp và của xã hội; thay đổi căn bản phương thức lãnh đạo của Đảng, chuyển từ việc lãnh đạo bằng quyền lực, thông qua quyền lực sang lãnh đạo bằng các giá trị (chân lý và gương mẫu), không áp đặt một chiều mà đối thoại bình đẳng, không cơ quan và cán bộ nào của Đảng được đứng trên pháp luật. Lãnh đạo việc cải cách lập pháp và thực hiện tư pháp độc lập, xây dựng bộ máy Nhà nước theo mô hình văn minh tiến bộ, phân quyền hợp lý và có kiểm soát lẫn nhau.
Cần thực thi một cơ chế có hệ thống và minh bạch kiểm tra và giám sát quyền lực để bảo vệ lợi ích quốc gia và của người dân, bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước.
* Ông có đề cập về văn hóa bị suy đồi, nguyên nhân vì sao và khắc phục bằng cách nào, thưa ông?
- Việc này ít nhiều tôi cũng đã nói đến trong các bài viết về văn hóa. Theo tôi thì văn hóa có suy đồi. (Nghị quyết Trung ương cũng có nói tiêu cực và tội phạm gia tăng). Tiêu cực đã lan rộng và khá phổ biến, đã vào những nơi mà trước đây trong ý thức của mọi người là luôn thanh liêm trong sạch (như nơi dạy người, nơi cứu người; nơi hoạt động nhân văn, nhân đạo; nơi nắm cán cân công lý, nơi tâm linh thờ tự…); có nhiều trường hợp giết người mà cứ như không có gì quan trọng, coi như chuyện bình thường vậy thôi. Rồi mua quan bán chức, mua bán bằng cấp…
Nguyên nhân là do mặt trái của cơ chế thị trường cộng hưởng với mặt trái của cơ chế quyền lực (sự tha hóa quyền lực), hai con ngựa bất kham cùng lồng lên, trong khi đó công tác cầm cương lại yếu kém, không đủ sức để kiểm soát tình hình, bất cập trong đề ra và thực thi biện pháp.
Để khắc phục thì như phần trước đã nói, phải kiểm soát quyền lực, phải có cơ chế quản lý tốt, đổi mới thể chế kinh tế và cách quản lý xã hội, dân chủ, minh bạch, gương mẫu và đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, xây dựng nhân cách.
* Ông đã có lần hứa (trên Vietnamnet) sẽ trao đổi về kinh tế thị trường định hướng XHCN (hoặc kinh tế thị trường XHCN). Theo ông, có kinh tế thị trường XHCN không, đặc điểm thế nào, khác gì so với kinh tế thị trường TBCN?
- Cho đến nay thế giới chưa có nước nào xây dựng hoàn chỉnh CNXH, tức là chưa có CNXH hiện thực, và cùng với đó chưa có nền kinh tế thị trường XHCN. Chưa có nên nói về nó cũng chỉ là dự báo, mà dự báo thì có thể đúng hoặc không đúng; có thể có nhiều ý kiến khác nhau. Đó cũng là chuyện bình thường. Chưa có, không có nghĩa là không có. Thế giới vẫn luôn vận động và tự biến đổi, chứ không đứng yên. Mấy chục năm rồi mà chưa làm rõ được các đặc điểm của kinh tế thị trường XHCN thì theo tôi, có lẽ phương pháp tiếp cận chưa đúng, cách tư duy chưa đúng.
Một thời gian khá dài, đến nay vẫn còn, trong tư duy của nhiều người, đã phân chia thế giới ra làm hai phần chủ yếu là TBCN và XHCN, đặt hai phần ấy đối lập nhau, cho rằng chúng phải khác nhau căn bản, bên này có thì bên kia không có. Đó là tư duy siêu hình chứ không phải biện chứng. Tư duy của C.Mác không phải như vậy. Theo chỗ tôi hiểu thì ông cho rằng CNTB là cái tốt nhất từ trước đến nay (thời ông sống), nhưng nó không phải là cái cuối cùng, nó cũng có nhiều nhược điểm kìm hãm sự phát triển, rồi nó sẽ phải bị thay thế bằng một cái khác tốt hơn nó (là XHCN); nhưng cái thay thế nó không phải ở đâu bỗng nhiên đến, mà hình thành bởi những yếu tố mới dần dần xuất hiện trong chính sự phát triển tất yếu của CNTB tạo ra.
Cho nên, theo tôi không thể tìm thấy kinh tế thị trường XHCN khác hẳn (nằm ngoài) kinh tế thị trường TBCN. Mà kinh tế thị trường XHCN chính là kinh tế thị trường TBCN phát triển lên, do hoàn thiện hơn mà thành, kế thừa tối đa và phát huy hơn các ưu điểm mà thành, về cơ bản thì không khác, cho nên đặc điểm cơ bản không khác, nó phải là nó (dù nó có hoàn thiện hơn). Kinh tế thị trường là kinh tế thị trường, không thể nửa vời, không thể biến dạng, biến chứng mà thành cái mới tốt hơn. Biến dạng, biến chứng sẽ dẫn đến dị tật. Về cơ bản giống nhau, bản chất giống nhau – đều là kinh tế thị trường. Có thể không cần tốn rất nhiều thì giờ đi tìm những điểm khác nhau của cái giống nhau. Còn để phân biệt trong quá trình nghiên cứu thì có thể diễn đạt là kinh tế thị trường trong CNXH và kinh tế thị trường trong CNTB, một cái là dự báo, một cái là hiện thực.
Thử dự báo kinh tế thị trường trong CNXH (tương lai) có đặc điểm chủ yếu gì? Theo suy nghĩ của tôi, đó là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không nửa vời, đem lại thu nhập cao nhất có thể và ít phân hóa giàu nghèo. Hiện nay khu vực Bắc Âu đang tiến trước ở góc độ này. Để có thu nhập cao, nhất định phải có năng suất lao động cao. Nếu thu nhập bình quân cao nhưng phân hóa giàu nghèo lớn, bất hợp lý thì không tốt. Ít phân hóa giàu nghèo nhưng không phải cào bằng. Nếu cào bằng thì mất động lực, không khuyến khích được năng suất lao động. Ta nói lực lượng sản xuất phát triển cao, đúng rồi, nhưng đó cũng chưa phải là mục đích cuối cùng. Mục đích chính trong kinh tế phải là tạo thu nhập.
Ta nói quan hệ sản xuất phải tiến bộ phù hợp, không sai, nhưng vẫn còn chưa rõ, phải cụ thể hóa nữa. Theo tôi, người lao động phải tham gia làm chủ tư liệu sản xuất để có điều kiện tham gia làm chủ trong quản lý và phân phối. Ở một số nước, công nhân tham gia cổ phần trong nhà máy, đây là hướng nên khuyến khích. Nông dân muốn làm chủ kinh tế thì phải được làm chủ về tư liệu sản xuất, chủ yếu là ruộng đất. Đa dạng hóa hình thức sở hữu đất nông nghiệp đối với nông dân là việc cần bàn.
Đặc điểm tiếp theo đáng lưu ý là sở hữu xã hội trong tương lai sẽ phổ biến. Sở hữu xã hội (khác với sở hữu Nhà nước) hình thành một cách tự nhiên, tất yếu, không phải bằng biện pháp hành chính, không phải ai ép buộc tạo nên, mà do trình độ phát triển cao dẫn đến, khi kinh tế tư nhân phát triển cao đến một mức nào đó thì sự phát triển ấy sẽ vượt ra ngoài “ranh giới” của chính nó, khi ấy, trên cái nền ấy, chứ không phải phủ định hoặc đối lập hoặc xóa bỏ, sở hữu xã hội xuất hiện do yêu cầu khách quan một cách tự nhiên của sự phát triển. Kinh tế cổ phần ra đời và phát triển là biểu hiện của quá trình này. Như vậy kinh tế cổ phần sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế ấy (hơn kinh tế Nhà nước và hơn kinh tế tư nhân).
Kinh tế thị trường trong CNXH là nền kinh tế thị trường trong mối quan hệ với nền chính trị dân chủ nhân dân, do nhân dân làm chủ, quyền lực là của nhân dân (chứ không phải của các tập đoàn tài phiệt hay các “nhóm lợi ích”), có sự quản lý của Nhà nước của dân.
* Vậy phát triển xã hội dân sự (XHDS) Việt Nam, tại sao không, thưa ông?
- Tôi đã có lần nói quan điểm của mình trên báo về xã hội dân sự. Nay xin nói thêm. Theo như tôi hiểu, XHDS không phải là một hình thái kinh tế - xã hội, mà là một bộ phận của xã hội và hoạt động xã hội, do nhân dân tự nguyện hình thành vì lợi ích chính đáng của nhân dân, theo quy định của pháp luật.
Ở Việt Nam từ lâu đã có XHDS, dù chưa phải hiện đại. Khi chúng ta mất nước, không có nhà nước của mình, xã hội và dân tộc Việt Nam đã tồn tại nhờ XHDS truyền thống, sau đó nhờ cái XHDS ấy mà đã lấy lại được đất nước. Khi chưa giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng tồn tại và hoạt động nhờ XHDS.
Từ lâu, làng của Việt Nam cũng là XHDS. XHDS cũng là một phương thức thực hiện dân chủ. Trước đây C.Mác đã có một số ý kiến nghiên cứu về xã hội công dân và sự cần thiết của nó. XHDS ngày nay ta nói, về bản chất, tôi cho rằng cơ bản không khác nhiều so với xã hội công dân như C.Mác nói, chỉ có rộng hơn về nội hàm, phạm vi.
Tôi không thấy pháp luật Việt Nam hiện nay cấm XHDS, ngược lại tôi thấy có nhiều tổ chức của XHDS đã được hình thành và đang hoạt động (các hội xã hội, nghề nghiệp chẳng hạn…). Ngay cả các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay đúng ra là các tổ chức nòng cốt trong XHDS, chứ không phải nhà nước hóa, hành chính hóa. Theo chỗ tôi biết thì Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ít nhất đã có hai lần cho nghiên cứu về XHDS.
XHDS không đồng nghĩa với TBCN, cũng không đối lập với CNXH, thậm chí là một vấn đề lớn của CNXH rất đáng quan tâm. Tạo điều kiện để đa dạng hóa XHDS phát triển lành mạnh là góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước và xã hội.
Điều đáng lưu ý là chống việc lợi dụng XHDS để hoạt động trái luật pháp, gây hại cho cộng đồng và quốc gia, chống các tổ chức tội phạm trá hình, đội lốt XHDS, làm cho XHDS bị hiểu lầm, bị định kiến.
* Ông có nói đến kiểm soát quyền lực, thưa ông, tam quyền phân lập có giúp cho việc kiểm soát đó không?
- Tôi cũng đã có lần trả lời trên báo về việc này. Đề nghị bạn đọc trực tiếp hỏi các nhà khoa học về Nhà nước và pháp luật để được trả lời rõ hơn. Riêng tôi chưa rõ cụm từ “tam quyền phân lập” xuất phát từ đâu. Tôi nghe một số nhà khoa học nói rằng từ ngữ của phương Tây nếu dịch đúng thì chỉ là “phân quyền” chứ không thấy “tam quyền phân lập”.
Mà phân quyền thì Việt Nam đã nói lâu nay rồi. Nhưng cứ cho rằng có khái niệm “tam quyền phân lập” thì theo tôi hiểu, trong đó có nội hàm về kiểm soát quyền lực. Mà kiểm soát quyền lực là giá trị chung của nhân loại về khoa học tổ chức Nhà nước. Về kiểm soát quyền lực bằng bản thân tổ chức nhà nước thì cần nghiên cứu kinh nghiệm của họ để suy nghĩ sáng tạo cơ chế áp dụng cho Việt Nam, để Nhà nước của ta ngày càng tiến bộ, văn minh hơn, mạnh hơn, chống được tha hóa quyền lực. Đại hội XI của Đảng có nói phải kiểm soát quyền lực nhưng đến nay đã hết nhiệm kỳ mà chưa có tiến bộ gì đáng kể.
* Có ý kiến hỏi Việt Nam sẽ thực hiện vấn đề dân chủ như thế nào trong điều kiện chỉ có một Đảng lãnh đạo, ông trả lời câu hỏi này thế nào?
- Với đặc điểm của Việt Nam ta hiện nay, việc thực hiện vấn đề dân chủ bằng cách Đảng phải là người đại diện chân chính, xứng đáng cho ngọn cờ dân chủ, giương cao ngọn cờ dân chủ, tập trung lãnh đạo thực hiện thật tốt công cuộc xây dựng nền dân chủ, coi dân chủ thật sự là đặc trưng đầu tiên của chế độ XHCN ở Việt Nam, là mục đích của độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh nói nếu nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì. Theo tinh thần ấy, độc lập là để có tự do cho nhân dân. Và bản thân Đảng cũng phải tự kiểm soát quyền lực, không để tổ chức Đảng và đảng viên lợi dụng quyền lực, chịu sự giám sát của nhân dân, của xã hội, gương mẫu và nghiêm ngặt tuân thủ pháp luật, thực hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
* Xin cảm ơn ông.
Lê Đức Hùng thực hiện