Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, sự đùm bọc, nuôi dưỡng, thương yêu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Quân khu, sự đoàn kết, giúp đỡ to lớn, đầy hiệu quả của quân và dân cả nước, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã lãnh đạo LLVT Quân khu không ngừng lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.
Bài 1: Quá trình ra đời
Ngày 15-9-2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà đã ký Quyết định số 2019/QĐ-QP về việc công nhận ngày truyền thống của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 là ngày 16-10-1945.
Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn chiến lược là dải đất Nam Trung Bộ nằm giữa hai đầu đất nước, có diện tích chiếm hơn 1/4 diện tích cả nước. Phía Bắc giáp Thừa Thiên Huế; phía Nam giáp 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước; phía Tây giáp 2 nước Lào và Campuchia.
Quân khu 5 gồm 7 tỉnh, thành phố đồng bằng ven biển (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận), chiều dài 868 km đường bộ với nhiều đèo cao nhô ra biển như đèo Hải Vân, Bình Đê, Cù Mông, đèo Cả… và 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông), núi rừng trùng điệp với nhiều núi cao trên 2.000m.
Bờ biển dài 922 km và thềm lục địa khoảng 200.000 km2, có nhiều bán đảo, nhiều cảng lớn có tầm chiến lược như cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Quy Nhơn (Bình Định), cảng Nha Trang- Cam Ranh (Khánh Hòa), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ngoài khơi có gần 100 đảo lớn nhỏ cách bờ từ 10-30 km, 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa - cách Đà Nẵng 300 km và Trường Sa - cách Cam Ranh, Khánh Hòa 530km, có đường biên giới với 2 nước bạn Lào và Campuchia dài 761km.
Có thời kỳ tại đây đã diễn ra những cuộc đụng độ quy mô lớn, những chiến thắng quan trọng trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam, tạo những bước ngoặt quan trọng của chiến tranh. Điều này khẳng định địa bàn Quân khu 5 có vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ trong chiến tranh giải phóng trước đây mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
…Ngày 11-3-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Căng an trí Ba Tơ lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên ở Nam Trung Bộ giành thắng lợi trọn vẹn. Ngày 12-3-1945, Đội du kích Ba Tơ ra đời do đồng chí Phạm Kiệt và Nguyễn Đôn chỉ huy. Tháng 4-1945, đồng chí Nguyễn Chánh được Tỉnh ủy Quảng Ngãi tăng cường cho đội làm chính trị viên. Đến tháng 8-1945 phát triển thành 2 đại đội: đại đội Phan Đình Phùng ở chiến khu phía Bắc và đại đội Hoàng Hoa Thám ở chiến khu phía Nam, gồm 8 phân đội, với quân số hơn 1.000 người, 200 khẩu súng, cùng hàng ngàn đội viên tiểu tổ du kích và hơn 10.000 đội viên tự vệ ở các địa phương.
Sau khi Đội du kích Ba Tơ ra đời, ngày 4-5-1945, Đội du kích Vũ Hùng ở Quảng Nam cũng được thành lập và nhiều tỉnh đã có các đội tự vệ như: tự vệ công nhân xí nghiệp dệt Đờ-li-nhông, tự vệ hỏa xa Diêu Trì (Bình Định), tự vệ nhà máy Đồng Bò, tự vệ thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), tự vệ công nhân Hòn Khói (Khánh Hòa), đội du kích Dư Khánh, đội tự vệ chiến đấu Vĩnh Hy, đội danh dự Tháp Chàm và Vạn Phước (Ninh Thuận), đội tự vệ chiến đấu của công nhân đồn điền Ca-da (Đắc Lắc)…
Các đội tự vệ đều trang bị một số vũ khí, được huấn luyện quân sự và có tổ chức chỉ huy chặt chẽ. Đây chính là những tổ chức vũ trang tiền thân của LLVT Quân khu 5 sau này. Do đã được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên khi có lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, trong vòng 15 ngày, từ 14 đến 28-8-1945, nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ đã tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.
Yêu cầu đòi hỏi của chiến tranh chống xâm lược ngày càng lớn nên phải phát triển lực lượng vũ trang quy mô lớn. Đi đôi với tổ chức xây dựng các đội tự vệ chiến đấu là khẩn trương xây dựng giải phóng quân. Từ tháng 9 đến tháng 12-1945, các tỉnh đều thành lập các chi đội giải phóng quân: chi đội Phan Thanh (Đà Nẵng), chi đội Trần Cao Vân (Quảng Nam), chi đội Lê Trung Đình (Quảng Ngãi), chi đội Phan Đình Phùng sau đổi tên thành chi đội Tây Sơn (Bình Định), chi đội 3 (Khánh Hòa), chi đội 2 (Ninh Thuận), chi đội 1 (Bình Thuận), chi đội Hoàng Hoa Thám (Kon Tum), chi đội Nơ Trang Lơng (Đắc Lắc), Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành lập một số phân đội.
Cuối tháng 9-1945, sau khi quân Pháp gây hấn ở Nam Trung Bộ và đánh Nha Trang, để đối phó với âm mưu, hành động mở rộng chiến tranh trên địa bàn Nam Trung Bộ của thực dân Pháp, Xứ ủy và UBND lâm thời Trung Bộ quyết định thành lập Ủy ban Quân chính nam phần Trung bộ để chỉ huy chiến đấu trên mặt trận phía nam, từ Phú Yên đến Bình Thuận và các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng. Điều động 2 chi đội quân giải phóng, nòng cốt là chiến sĩ du kích Ba Tơ vào cực Nam Trung Bộ. Đồng thời, tiếp nhận 10 chi đội quân Nam Tiến từ Bắc bộ và Trung bộ vào chi viện cho mặt trận phía Nam.
Để tổ chức lại chiến trường phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, ngày 16-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Chiến khu 5 và Chiến khu 6. Chiến khu 5 gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum do đồng chí Cao Văn Khánh làm Chiến khu trưởng và đồng chí Nguyễn Chánh làm chính trị ủy viên Chiến khu, Chiến khu 6 gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng do đồng chí Trần Công Khanh, sau đó là đồng chí Nguyễn Tế Lâm làm Chiến khu trưởng và đồng chí Trịnh Huy Quang làm chính trị ủy viên Chiến khu.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Xứ ủy và UBND lâm thời Trung Bộ, LLVT của Chiến khu 5 và Chiến khu 6 không ngừng trưởng thành lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới lúc bấy giờ.
(Còn tiếp)
(Tư liệu do Ban Tuyên huấn Quân khu 5 cung cấp)