Nước vo gạo, canh thừa cá cặn, thực phẩm ôi thiu, bao ni-lông, giấy vụn... của các hộ dân tưởng như vứt đi lại trở thành nguồn thu nhập của nhiều gia đình nghèo.
Chị Huỳnh Thị Minh ngày ngày miệt mài đi xin nước bả. |
Chị Huỳnh Thị Minh (ở thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) ngày ngày nhọc nhằn với việc nuôi heo bằng nguồn nước bả. Với chiếc xe máy cà tàng đã được lắp các đai sắt hai bên yên xe, từ 6 giờ sáng mỗi ngày, chị chở 30 chiếc thùng nhựa ra tập kết tại một lô đất trống ven đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Hải Châu). Sau đó, chị đèo mỗi lượt 6 chiếc thùng, rảo quanh các khu dân cư trong thành phố để xin nước bả. Chạy vòng khắp các đường lớn, đường nhỏ, kiệt hẻm, xin đầy 6 thùng nước bả và chở về “vị trí tập kết” mất gần một tiếng đồng hồ. Và chu trình ấy lại tiếp tục với 6 thùng khác, rồi 6 thùng khác…
Mãi đến gần trưa, chị mới xin đủ hoặc gần đủ 30 thùng. Sau đó, chị cùng em trai hối hả đưa các thùng nước bả lên xe lôi chở về nuôi heo. Nước bả (gồm nước vo gạo, canh thừa cá cặn, thực phẩm dư bỏ…) của các hộ dân trong nội thành lại trở thành nguồn thu nhập của gia đình người phụ nữ đơn thân này.
Chị Minh nuôi mỗi lứa 50 con heo thịt và mỗi năm xuất chuồng từ 2-3 lứa. Hằng ngày, công việc chăn nuôi luôn tất bật theo quy trình: buổi sáng đi xin nước bả, chiều và tối tắm cho heo, vệ sinh chuồng và thùng. Chị đã đầu tư làm hầm biogas nhằm xử lý phân heo bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời sử dụng nguồn điện từ hầm biogas ấy để đun nấu.
Sau nhiều năm chăn nuôi, tự đúc kết kinh nghiệm, bây giờ chị Minh thành thạo việc phòng, chống dịch bệnh cho heo. Heo bị bệnh gì, cách xử lý thế nào, chị đều nắm vững và tự mình thực hiện. Theo chị Minh, người nuôi heo mà không biết chủ động phòng ngừa dịch bệnh và tự xử lý khi heo bị bệnh là rất dễ thua lỗ; còn chuồng trại phải sạch sẽ, chắc chắn, bảo đảm ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè.
Một mình nuôi con, chị Minh vừa làm mẹ, vừa làm cha. Quanh năm khó nhọc, người phụ nữ đơn thân này không một lời than vãn, hôm sớm miệt mài với công việc, bền bỉ vượt khó thoát nghèo. Và cũng chính từ những nguồn nước bả, chị đã nuôi con ăn học thành người. Con của chị vừa tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).
Đưa tay áo lau mồ hôi trên gương mặt gầy sạm nắng, chị Minh tâm sự, dù chăn nuôi heo hết sức nhọc nhằn nhưng chị rất vui vì nhờ đó chị đã nuôi con ăn học chu đáo. Chị cho biết thêm, việc xin nước bả bây giờ khó hơn trước vì ngày càng có nhiều người từ các vùng quê đến thành phố làm công việc vất vả này.
Trên địa bàn Đà Nẵng còn biết bao phụ nữ mưu sinh từ phế phẩm. Mỗi người mỗi hoàn cảnh thương tâm, họ lặng lẽ bươn chải, lo liệu cuộc sống gia đình. Ở tổ 160, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), chị Võ Thị Lệ hằng ngày đạp chiếc xe cọc cạch đi quanh các xóm, xin chai, lọ, giấy vụn, lon bia, bao ni-lông của từng hộ dân. Ngược xuôi gom góp hàng tuần lễ mới được vài chục ký để bán cho đại lý phế liệu. Hôm nào được người ta cho vài chiếc thùng cạc-tông lớn thì xem như “trúng mánh”!
Ngoài ra, chị còn tảo tần với bao công việc nhọc nhằn như đi làm công, xe hương, lau nhà, cuộc sống quanh năm khó khăn, thiếu thốn. Ấy vậy mà chị đã nuôi được hai con ăn học, hiện một người con học cao đẳng điều dưỡng, một người con học lớp 12 và từng đoạt giải ba học sinh giỏi cấp thành phố môn Địa lý. “Vất vả mấy mình cũng cố gắng vượt qua, chỉ mong sao không bị đau ốm để lo cho các con học hành đến nơi đến chốn”, chị Lệ nói.
Dù lam lũ giữa nhịp sống thị thành nhưng chị Minh, chị Lệ chỉ nghĩ đơn giản rằng, hồi trẻ mình không có điều kiện đến trường, bây giờ phải cố gắng nuôi con ăn học, để lớn lên con không phải vất vả như mình.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM