.

Niềm vui từ những tuyến đường

.

 Hơn 100km quốc lộ đi qua địa bàn, 54,4km đường liên huyện, 45km đường liên xã, 250km đường liên thôn, 717km kiệt xóm đã thảm nhựa và bê-tông hóa, đạt 100% đường hiện có trên địa bàn cùng hàng chục cầu bê-tông cốt thép, mạng lưới giao thông ở huyện Hòa Vang đã được hoàn thiện. Đây là thành quả nổi bật nhất sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang.

Niềm vui của bà con Cơtu thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc khi cầu Tà Lang được đưa vào sử dụng.
Niềm vui của bà con Cơtu thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc khi cầu Tà Lang được đưa vào sử dụng.

Không thể nói hết niềm vui của người dân Hòa Vang khi được đi trên những con đường rộng mở đã thảm nhựa, thảm bê-tông phẳng lỳ. Những cây cầu bê-tông cốt thép vững chãi nối đôi bờ đã chấm dứt cảnh xa xôi, cách trở, người dân phải qua sông bằng đò. Với hệ thống đường sá chằng chịt kết nối từ đồng bằng đến trung du, miền núi là cơ hội để huyện vượt nhanh trên đường đổi mới làm giàu.

Đã mấy năm trôi qua, song hình ảnh chiếc đò ngang chở đầy người, xe băng qua dòng nước xiết của sông Cu Đê vẫn chưa phai trong tâm trí người dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên.

Ông Đinh Văn Sắt, người dân thôn này hồi tưởng về thời đã qua: “Nay nghĩ lại, cảnh hàng chục người chen chúc trên chiếc đò ngang giữa dòng nước xiết mà lạnh sống lưng. Hồi đó, biết nguy hiểm, song không liều xuống đò qua sông, việc họp hành, đến trường lớp của mọi người bị chậm trễ. Có bữa, con lên đò đến trường rồi, mà lòng dạ cứ như lửa đốt, chờ cập bến bên kia sông mới dám trở về. Rồi những lúc cả thôn ngập chìm trong nước lũ, biệt lập với mọi nơi, ai nấy đều hoang mang, lo lắng. Gọi điện cầu cứu khắp nơi, song biết chắc việc cứu hộ, cứu nạn khó thực hiện, bởi nước chảy quá mạnh, không phương tiện thủy nào dám băng qua”.

Từ ngày cầu Trường Định đưa vào sử dụng đến nay, không chỉ việc đi lại thuận tiện, không còn lo tính mạng bị đe dọa mỗi khi lũ về, mà đời sống kinh tế-xã hội đổi thay nhanh chóng. Nay thôn miền núi này là điểm sáng về phát triển kinh tế hộ với hoạt động nuôi tôm hiệu quả.

Bao đời nay, thôn Hội Phước, xã Hòa Phú và thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn chỉ cách nhau con sông nhỏ khoảng 30 mét, mà xa xôi, cách trở. Muốn đến thăm nhau, người dân 2 thôn này phải xuôi về cầu Giăng rồi ngược lên, với quãng đường 14-15 cây số. Từ ngày tuyến đường từ thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn đi Hội Phước, xã Hòa Phú thảm nhựa, cầu Diêu Phong nối nhịp đôi bờ, đời sống các thôn miền núi này trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Chị Ngô Thị Minh, ở thôn Hội Phước cho hay: “Hồi cầu Diêu Phong chưa xây dựng, muốn về Túy Loan, bà con ở đây phải ngược lên trung tâm xã 2-3 cây số rồi xuôi theo đường ĐT 604. Còn nay, qua cầu Diêu Phong, theo đường nhựa một mạch về Túy Loan, rút ngắn được 3-4 cây số. Hiện tuyến đường này là lối về xuôi rất tiện không chỉ của bà con Hội Phước mà cả các thôn Hòa Phát, Hòa Xuân, Đồng Lăng...”.

Có thể nói, những tuyến đường, cây cầu từ chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem lại cơ hội thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân Hòa Vang. Hàng trăm năm nay, muốn đến chợ Túy Loan mua bán, bà con các thôn Thạch Bồ, Bắc An, xã Hòa Tiến, phải vòng qua ngã Hòa Cầm rồi ngược lên với quãng đường hơn chục cây số. Còn nay, khi cầu Sông Yên hoàn thành, đường ADB 5 rộng mở, bà con 2 thôn sát sông này lên chợ Túy Loan chỉ với đoạn đường hơn 1 cây số.

Tại các xã miền núi, những công trình giao thông không lớn song khi đưa vào sử dụng việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi gấp bội phần. Trước đây, mỗi khi qua sân bóng tập luyện hoặc thi đấu, các cầu thủ bóng đá thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú phải lột giày lội qua con suối nhỏ. Khi thu hoạch rừng trồng, bà con phải vác gỗ keo hàng trăm mét, lội qua suối tập kết ra đường ĐT 604 để bốc lên ô-tô.

Thế mà nay, với vốn đầu tư từ chương trình nông thôn mới và hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn Thế giới, cống qua suối được xây dựng, việc lội suối của bà con thôn này đã lùi vào dĩ vãng. Anh Nguyễn Văn Cường, có hơn 1ha rừng trồng phía bên kia suối tâm sự: Mùa khô mới lội suối được, chứ mùa mưa lũ về đành đứng xem. Nhiều bữa đi kiểm tra rừng, chỉ cách nhà vài trăm mét,  thế mà đi vòng qua núi xa cả cây số.

Để có những con đường rộng mở, những cây cầu kiên cố như hiện nay, 5 năm qua, Hòa Vang đã đầu tư 571 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 173,69 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.