Sáng 11-11, Hội LHPN thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai đề án 404 Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục (ĐLTT) ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đến năm 2020 tại thành phố Đà Nẵng.
Toàn thành phố hiện có khoảng 50.000 nữ công nhân lao động/70.000 công nhân lao động đang làm việc tại 6 KCN. Các KCN này đều chưa có hệ thống nhà ở và nhà trẻ dành riêng cho công nhân lao động làm việc tại KCN. Nhu cầu nơi gửi con an toàn của nữ công nhân rất lớn nhưng chưa thể đáp ứng, đặc biệt là thiếu nơi giữ lứa tuổi nhà trẻ sau khi mẹ hết thời gian hộ sản sáu tháng.
Do nguồn tài chính hạn hẹp nên đại đa số con công nhân lao động đều gửi tại các nhóm trẻ ĐLTT hoặc gửi cho ông bà, bố mẹ; thậm chí, gửi vào những nhóm trẻ gia đình chưa được công nhận, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn. Điều này ảnh hưởng đến năng suất lao động sản xuất do nữ công nhân lao động chưa thể an tâm về điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái.
Để triển khai đề án 404, Hội LHPN thành phố phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát 63 nhóm trẻ ĐLTT có đông công nhân lao động gửi con từ 50% trở lên (trong tổng số 183 nhóm).
Qua đó, đã quyết định hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức cho 18 nhóm trẻ ĐLTT tại ba phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) trong năm 2015 với tổng kinh phí là 330 triệu đồng. Trước mắt, Ban điều hành đề án 404 sẽ lựa chọn đầu tư, hỗ trợ cho các nhóm trẻ ĐLTT có từ 50% con công nhân lao động gửi trở lên.
Tuy nhiên, theo bà Ông Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây, nên giảm từ 50% xuống còn 40%, 30% trong những năm sau để tạo cơ hội công bằng cho nhiều nữ công nhân lao động hơn. Bà Thủy cũng đề xuất Hội LHPN các địa phương nên thành lập CLB các mẹ làm trong KCN để có thể nắm rõ tình hình chăm sóc và có hay không việc xảy ra bạo lực, bạo hành ở các nhóm trẻ ĐLTT.
Cùng với việc hỗ trợ nhóm trẻ ĐLTT, đại diện Ban quản lý các KCN và CX thành phố đề xuất xây dựng trường mầm non ngay trong KCN để thuận tiện cho công nhân đưa đón con cái và cơ quan chức năng cũng dễ bề quản lý. Được biết, Ban quản lý các KCN và CX đã tìm được 4 vị trí ở các KCN trên địa bàn thành phố và đã có nhiều đơn vị chủ động liên hệ, xin phép được đầu tư trong lĩnh vực này.
Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, Trưởng ban điều hành đề án, cho rằng việc chăm lo đời sống tinh thần, đời sống vật chất cho con em công nhân – những công dân tương lai của thành phố, là một hoạt động nhân văn, cần thiết, giúp cho người lao động an tâm làm ăn. Từ đó, tạo ra những nguồn lợi xã hội giá trị cho thành phố, nhất là khi Đà Nẵng đang dần hướng đến thành phố dịch vụ.
BÌNH AN