Sáng 13-11, tại buổi làm việc với Sở Nội vụ, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Lương Nguyệt Thu đánh giá: Bên cạnh những kết quả tích cực trong cải cách hành chính (CCHC), nội dung cải cách tài chính công của thành phố còn chậm, khoán chi hành chính chưa tạo được đột phá nhằm cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức; còn hạn chế về tổ chức bộ máy.
Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan
Báo cáo của Sở Nội vụ tại buổi làm việc cho thấy, trong năm 2015, sở đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc chuyên môn thường xuyên, trong đó có nhiều nhiệm vụ mang tính đột xuất do Bộ Nội vụ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục tập trung đẩy mạnh ở các lĩnh vực: đất đai, giao thông vận tải, đầu tư, quản lý chung cư, thuế... và tiếp tục hoàn thành mô hình “một cửa tập trung” tại Trung tâm Hành chính thành phố.
Sở Nội vụ tham mưu với UBND thành phố ban hành các quy chế phối hợp, cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai thực hiện áp dụng cơ chế “một cửa” tại Văn phòng UBND thành phố.
Đến nay, thành phố đã có 30/56 phường, xã đưa vào áp dụng mô hình “một cửa hiện đại”; toàn thành phố đã có 15.484 lượt đánh giá về chất lượng dịch vụ hành chính công của thành phố (mức độ rất hài lòng và hài lòng chiếm 99,2%), 13.480 lượt đánh giá chất lượng và thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận “một cửa” của các cơ quan đơn vị.
Giải trình đánh giá của Ban Pháp chế về việc cải cách tài chính công còn chậm, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Khi thành phố xây dựng Trung tâm Hành chính đã có ý định tổ chức lại đội ngũ lái xe của các sở, ban, ngành thành một đội xe nhằm tiết kiệm chi phí nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Sở Nội vụ phản ánh xử lý thủ tục hành chính nội bộ giữa Văn phòng UBND thành phố với các sở, ban, ngành còn chậm; vì vậy cần ban hành quy định về trần thời gian xử lý giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ. Sở Nội vụ cũng đề nghị cần có cơ chế đánh giá, xử lý trách nhiệm, luân chuyển công tác khác đối với người đứng đầu cơ quan hành chính nhiều năm liền xếp thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng CCHC hằng năm của thành phố mà không có biện pháp cải thiện.
Một số thành viên Ban Pháp chế phản ánh người dân vẫn phàn nàn thủ tục cấp đất tái định cư còn chậm của các Ban quản lý dự án; Trung tâm phát triển quỹ đất kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hiện thành phố vẫn chưa có quy trình giải quyết cho dân hợp thửa đất rẻo làm phát sinh tiêu cực vừa phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Phải giảm cấp phó phòng thuộc sở
Báo cáo với Ban Pháp chế, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, sở đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố sắp xếp, phối hợp chuẩn bị nhân sự phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp; nhân sự bổ sung các sở, ban, ngành, quận, huyện với số lượng lớn; tham gia xây dựng và triển khai Đề án tạo nguồn cán bộ nữ; triển khai chủ trương cấp phó cấp trên không kiêm nhiệm cấp trưởng cấp dưới. Hiện nay, các sở, ban, ngành của thành phố thực hiện nghiêm túc quy định không quá 3 cấp phó.
Công tác quản lý biên chế hành chính, số lượng người lao động được theo dõi chặt chẽ. Sở Nội vụ khẳng định, năm 2016 sẽ không phát sinh biên chế khi tái lập HĐND quận, huyện do khi tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, thành phố không thu hồi biên chế.
Thực hiện Đề án tinh giản biên chế năm 2015, sở đã trình UBND thành phố báo cáo Bộ Nội vụ thẩm tra 47 trường hợp và tham mưu trình HĐND thành phố trong kỳ họp sắp đến thông qua chính sách hỗ trợ khuyến khích tự nguyện nghỉ hưu sớm, thôi việc. Từ năm 2016, sở sẽ tham mưu thu hồi biên chế theo tỷ lệ 50% biên chế theo tinh thần Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Đến nay, Sở Nội vụ đã hoàn thành Đề án sắp xếp, nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã trình UBND thành phố và Thường trực Thành ủy thông qua. Lãnh đạo Ban Pháp chế đề nghị Sở Nội vụ phải tham mưu để giảm cả số lượng cấp phó phòng thuộc sở, ban, ngành. Hiện nay có tình trạng tất cả đều làm lãnh đạo, phòng chỉ có 3 người nhưng có 1 trưởng và 2 phó. Cần quy định phòng có bao nhiêu người thì có 1 hoặc 2 cấp phó.
S.TRUNG