Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được QH thông qua chiều nay cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Các đại biểu thông qua Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam |
Thiếu trầm trọng chỗ tạm giữ, tạm giam
Cụ thể, luật cấm các hành vi tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Các hành vi khác cũng bị nghiêm cấm như giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong việc quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân...
Luật cũng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một phó tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra tội phạm.
Trả tự do khi hết thời hạn
Luật được thông qua quy định các quyền về yêu cầu được trả tự do sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam.
Các quyền khác của người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của luật là được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; được bầu cử đại biểu QH và HĐND;
Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu; được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự...
Ngoài ra có các chế độ về ăn ở, chăm sóc y tế và thăm thân đối với những người bị tạm giữ, tạm giam đặc biệt như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, sinh con, người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi...
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ 1-7-2016.
Theo Vietnamnet