Chiều 16-11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời các chất vấn đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Không xem nhẹ môn Lịch sử
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn về Đề án cải cách chương trình sách giáo khoa, dư luận rất quan tâm đến môn Lịch sử vì có ý kiến cho rằng không thấy tên của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục mới (Chương trình Phổ thông Trung học), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định rằng môn Lịch sử không bị coi nhẹ mà được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.
Bộ trưởng cho biết hiện tại, cấp học trung học phổ thông đang học 1,5 tiết Lịch sử/tuần, trong thiết kế dự thảo đang được lấy ý kiến, đối với học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội sẽ học bình quân 2,5 tiết Lịch sử/ tuần, tăng 1 tiết. Những học sinh phân ban học khoa học xã hội học bắt buộc 4 tiết/tuần. Bộ trưởng nêu rõ nội dung và khối lượng kiến thức về lịch sử là tăng lên.
Giải thích vì sao lại đưa môn Lịch sử vào môn Giáo dục công dân và Tổ quốc, Bộ trưởng cho biết: thứ nhất việc này thực hiện theo chủ trương tích hợp; thứ 2, trong Luật giáo dục quốc phòng và an ninh mà Quốc hội mới thông qua có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng, chính vì vậy dự kiến đưa môn Lịch sử vào môn học Giáo dục công dân và Tổ quốc để tránh trùng lặp.
Bộ trưởng cho biết thêm, ngoài nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần Giáo dục công dân với Tổ quốc, ở các môn học các Bộ dự kiến đều có giáo dục lịch sử. "Giảng dạy về văn học sẽ gắn với lịch sử, chúng ta giảng cho các cháu về Hịch tướng sỹ, Bình ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập... mà không gắn với lịch sử thì học sinh không hiểu được, không thể có rung động được. Không chỉ trong văn học, trong địa lý cũng sẽ gắn với lịch sử, tên đất, tên đảo gắn với chiến công, với quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc của cha ông của vùng đất đó; giáo dục âm nhạc, mỹ thuật và nhiều môn học khác cũng vậy, sẽ gắn kết hỗ hợ cho giáo dục lịch sử," Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vấn đề cần thảo luận làm rõ là cần phải để riêng thành một môn Lịch sử hay là để lịch sử gắn bó, tích hợp với các môn học khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm của Bộ sắp tới môn Lịch sử có được là môn độc lập trong sách giáo khoa hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện nay Ban soạn thảo và Bộ đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của người dân, trên cơ sở đó sẽ có thảo luận, tiếp thu. Bộ sự kiến sẽ có báo cáo làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội đồng quốc gia giáo dục, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, các hiệp hội sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của Bộ trưởng là nếu việc tích hợp làm giảm nhẹ môn lịch sử thì không tích hợp; việc tích hợp vẫn đảm bảo đảm, nâng cao hơn chất lượng giáo dục lịch sử thì mới tích hợp. Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ cùng lắng nghe các chuyên giáo giáo dục, chuyên gia lịch sử... để có câu trả lời cuối cùng.
Vẫn còn tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn về tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" đã được đề cập nhiều lần nhưng tình hình chưa được cải thiện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng việc thành lập các trường đại học phát triển với số lượng quy mô khá nóng của giai đoạn vừa qua bắt nguồn từ chỉ tiêu phấn đấu 2020 đạt 450 sinh viên/vạn dân trong Nghị quyết 14 của CP ban hành năm 2005.
Trong chỉ đạo, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện ra vấn đề bất cập và đã đề xuất giải pháp, thứ nhất kiến nghị Thủ tướng ban hành Quyết định 37 điều chỉnh chỉ tiêu sinh viên trên 1 vạn dân từ 450 xuống 256 sinh viên vào 2020. Thứ 2, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới, giảm nhịp độ thành lập mới các trường đại học và nâng cấp các trường đại học...
Hiện nay, công việc này vẫn đang tiếp tục triển khai. Bộ đã thực hiện việc thanh, kiểm tra việc đẩm bảo chất lượng của các trường đại học; không cho phép mở nhiều ngành của nhiều trường đại học mà không đáp ứng chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng cũng như tổ chức hoạt động không đáp ứng được yêu cầu...
Bộ trưởng cho biết đã áp dụng 2 chỉ tiêu: thứ nhất số lượng sinh viên trên thầy, cô giáo, khuyến khích các nhà trường tăng cường nâng cao chất lượng và số lượng của giáo viên; thứ hai là mét vuông xây dựng đất sử dụng để phục vụ việc học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng cho biết qua áp dụng 2 chỉ tiêu này, cho thấy tình hình tuyển dụng mới, bổ sung thầy, cô giáo, đào tạo nâng cao chất lượng thầy, cô giáo của mấy năm vừa rồi tăng lên rõ rệt; số lượng nhà trường đi thuê cơ cở vật chất chật chội đã giảm đi, nhiều trường đã mua đất hoặc được cấp đất để đầu tư xây dựng công trình kiến trúc, đầu tư trang thiết bị để dậy và học của thầy vào trò...
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong 3 năm gần đây Bộ đã điều chỉnh quy mô đào tạo tại chức, đào tạo từ xa và chấm dứt việc đào tạo từ xa đối với lĩnh vực sư phạm; chấm dứt việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở các cơ sở không phải là trụ sở chính của nhà trường. Quyết định này đã mang lại chuyển biến rõ rệt nâng cao mặt bằng chung chất lượng trình độ đào tạo đại học, sau đại học.
Triển khai Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ đang gắn kết đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường thông qua việc thành lập Hội đồng trường, yêu cầu có đại diện của giới doanh nghiệp, các nhà khoa học ngoài nhà trường, trong đó có nhiều trường đã mời các chuyên gia, giáo sư nổi tiếng của các trường đại học nước ngoài.
Việc đó góp phần vào việc thẩm định các chương trình, đánh giá chất lượng đào tạo của các nhà trường theo chuẩn chung thống nhất của Bộ ban hành và hướng tới quy chuẩn chung của quốc tế. Đồng thời các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế được khuyến khích đẩy mạnh.
Bộ trưởng cho rằng: "không phải thừa thầy, chúng tôi vẫn đang thiếu thầy, vẫn đang phải khuyến khích các trường đại học phải tăng cường giáo viên, thầy cô giáo, các kỹ sư, tiến sỹ chúng ta cũng đang thiếu, chúng ta chỉ thừa người kém, thiếu thợ, nhưng là thiếu thợ giỏi."
Làm rõ các vụ án có dấu hiệu oan, sai
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về vụ án ở thị xã Đồng Xoài, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tóm tắt sau khi chợ Đồng Xoài được xây dựng đã thành lập Ban quản lý chợ. Anh Bùi Văn Quỳnh, chị Phạm Thị Hồng Vân đã được tham gia Ban quản lý chợ và một trong những nhiệm vụ là thu tiền các tiểu thương.
Tuy nhiên, trong quá trình thu tiền, cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện Ban quản lý chợ đã sử dụng một số khoản tiền không đúng như: ăn, tiêu, mua điện thoại, quà biếu, tiếp khách… Đặc biệt, anh Quỳnh và chị Vân đã dùng tiền cá nhân của mình cho Ban quản lý chợ vay và dùng số tiền đó để trả tiền lãi cho họ.
Vì vậy, Cơ quan Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án. Sau đó, Tòa sơ thẩm ở Bình Phước đã xét xử lần đầu và tuyên Bùi Văn Quỳnh 7 năm 3 tháng tù giam và Phạm Thị Hồng Vân 36 tháng nhưng được hưởng án treo. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo nên vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm. Kết quả xét xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại và chuyển hồ sơ vụ án trực tiếp cho cơ quan điều tra cấp sơ thẩm.
Về việc vụ án có bị kéo dài hay không, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho rằng vụ án được khởi tố tháng 7/2009, xét xử tháng 7/2011, đến tháng 10/2013 đã đình chỉ vụ án và không xem xét nữa. Sở dĩ vụ án kéo dài cho đến nay là do việc xem xét và trả lời đơn thư cũng như ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội. Như vậy, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng vụ án kéo dài 10 năm là chưa thỏa đáng.
Đối với trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong vụ án này, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết tháng 12/2014, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội tiến hành giám sát và đến tháng 6/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết 96 về giám sát oan sai. Sau khi có nghị quyết, Quốc hội giao cho các cơ quan tư pháp xem xét lại một số vụ án, trong đó có vụ án ở Đồng Xoài.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện Kiểm sát đã tổ chức đoàn công tác liên ngành vào Đồng Xoài kiểm tra, xem xét, đánh giá và kết quả không như mong đợi của anh Quỳnh và chị Vân là vụ án oan sai. “Chúng tôi đã trả lời là không có oan. Vì hai người này đã tự nguyện trả lại tiền thu cho vay đối với Ban quản lý chợ, đồng thời có nhân thân tốt, nên các cơ quan tư pháp liên ngành của Bình Phước xét thấy và báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Được sự đồng ý của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước và Ban Nội chính Bình Phước là cho đình chỉ vụ án, nhưng không phải là đình chỉ vô tội. Cho nên không có việc bồi thường oan sai trong trường hợp này,” Viện trưởng nêu rõ.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết ngày 20/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước có công văn hỏi về vụ án này. Ngày 2/10, Viện Kiểm sát đã có văn bản trả lời cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, ngày 1/10, đại biểu Bùi Mạnh Hùng lại có công văn tiếp về vụ án. Ngày 19/105, Viện Kiểm sát lại có công văn trả lời với nội dung rất thỏa đáng. Đó là việc đình chỉ vụ án là đúng và trong trường hợp này không phải là vô tội.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm vụ án này trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nói có dấu hiệu oan, chứ không phải oan.
Đối với vụ án Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết chị Yến bị bắt giam về tội cố ý gây thương tích, do đã đánh nhau với hàng xóm. Tòa án sơ thẩm của Phú Yên đã xét xử và tuyên chị Yến có tội với hơn 2 năm. Nhưng do có kháng cáo kêu oan, nên Tòa phúc thẩm của Phú Yên tuyên hủy án để điều tra lại và làm rõ thêm một số nội dung.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị mở phiên tòa phúc thẩm, chị Yến đã chết trong quá trình giam giữ tại trại. Nguyên nhân bị chết theo cơ quan giám định pháp y là do tự sát. Không đồng tình với kết quả này, gia đình chị Yến đã làm đơn kiến nghị xem xét lại nguyên nhân dẫn đến cái chết của Yến ở trong trại tạm giam.
Trước vấn đề này, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã cử đoàn công tác vào họp liên ngành với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên, trong đó có sự tham gia của Tòa án và lãnh đạo Bộ Công an. Sau phiên họp, đoàn liên ngành đã kết luận sẽ xem xét lại vụ vệc.
Mặt khác, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, giao Bộ Công an tiến hành điều tra lại cả hai nội dung: khởi tố vụ án đúng hay không và nguyên nhân chết của Hải Yến. Việc này, Bộ Công an đang tiến hành và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang theo dõi sát vụ án. Kết quả vụ án đang chờ kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an.
Chậm trong triển khai trường nghề chất lượng cao
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc triển khai các trường nghề chất lượng cao chậm so với Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nghề, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tháng 4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nghề giai đoạn 2012-2020, trong đó giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu xây dựng các trường nghề chất lượng cao.
Đến tháng 5/2014, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình và Thủ tướng Chính phủ đa phê duyệt 45 trường nghề chất lượng cao. Tháng 6/2014, Bộ đã mời các bộ, ngành, trường nghề được phê duyệt đến bàn kế hoạch triển khai và xây dựng lộ trình triển triển thực hiện các trường nghề chất lượng cao đó.
Trong số 45 trường nghề chất lượng cao, Bộ đã bám vào nhu cầu phát triển cũng như yêu cầu, nguồn nhân lực của từng vùng. Cụ thể, vùng đồng bằng Đông Nam Bộ có 10/45 trường nghề chất lượng cao, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 4 trường, Đồng Nai 3 trường, Bà Rịa-Vũng Tàu 2 trường, Bình Dương 1 trường.
Về lộ trình thực hiện trường chất lượng cao, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đã có kế hoạch triển khai để các trường nghề chất lượng cao sớm đi vào hoạt động và có hiệu quả. Đồng thời, Bộ đã trình Chính phủ đề án đổi mới công tác dạy nghề, trong đó có đề xuất đầu tư về cơ sở vật chất, nhất là thiết bị cho các trường để đảm bảo yêu cầu chất lượng cao.
Bộ đã nhập 20 bộ giáo trình của các nước tiến để phù hợp với các nghề chất lượng cao; đưa đi đào tạo đội ngũ giáo viên đối với các trường chất lượng cao để về đổi mới công tác dạy nghề và phù hợp với công tác dạy nghề. Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với Australia tổ chức đào tạo và cấp bằng chứng chỉ của nước nay cho trên một nghìn học sinh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng, so với quy định thì việc triển khai trường nghề chất lượng cao còn chậm, do đến năm 2014 mới quy định hướng dẫn thực hiện và cần phải có sự phối hợp từ các ngành, vùng, địa phương để xác định trường chất lượng cao.
Đối với việc chậm hướng dẫn về quy trình đặt hàng dạy nghề, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đang chờ trình Chính phủ phê duyệt và dự kiến trong tháng 12 sẽ có quy định về hướng dẫn quy trình đặt hàng dạy nghề.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hướng dẫn, Bộ đã triển khai một mô hình điểm thí điểm về đặt hàng dạy nghề; đồng thời cho Tổng cục dạy nghề ký với 39 nghề về đào tạo nghề theo địa chỉ với 12.000 học sinh và hiện đã đào tạo được 7.000 học sinh. Tới đây, Bộ sẽ đánh giá việc thí điểm mô hình này và trên cơ sở đó sẽ nhân rộng thêm.
Chú trọng thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng
Về chính sách đối với người có công, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ thực hiện chính sách đối với người có công, đặc biệt giải quyết cho người bị nhiễm chất độc da cam đang là vấn đề khó về hồ sơ, nhất là việc giám định loại bệnh thế nào là ảnh hưởng do chất độc da cảm gây ra.
Chính vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế chủ động, phối hợp với Hội đồng y khoa các tỉnh khám giám định, xác định mức độ bệnh tật của các đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, làm cơ sở để thực hiện chính sách.
Cũng về vấn đề này, trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) về những khó khăn cho việc xác định bị nhiễm chất độc da cam đối với người tham gia kháng chiến, trong đó có việc xác định thần kinh ngoại biên cấp tính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng vấn đề xác định người nhiễm chất hóa học rất khó khăn, đặc biệt đối với chuyên ngành y cơ sở xác định bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính thì chưa có cơ sở khoa học. Bởi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm và khi muốn xác định người đó có nhiễm chất độc điôxin, thì thực chất phải lấy máu xét nghiệm chất đó ở trong máu. Tuy nhiên, phương án đó rất không khả thi.
Đồng thời, theo chỉ đạo của Chính phủ qua nhiều năm, các Bộ, ngành khó thực hiện, năm 2008 Bộ Y tế đã ban hành danh mục các bệnh, tật, dị tật liên quan đến phơi nhiễm điôxin.
Tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1488 về hướng dẫn chuyên môn, chuẩn đoán các dạng bệnh tật đó. Đến năm 2013, thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về Pháp lệnh đối với những người có công, liên Bộ (Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội) đã ban hành Thông tư 41 về hướng dẫn, chuẩn đoán các bệnh, tật, dị tật, dị dạng đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Vấn đề này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế và các giám định viên y khoa phải làm việc nghiêm túc, khách quan. Theo báo cáo không đầy đủ của 35 tỉnh, năm 2013, đã có khoảng 2.480 người đã được xác minh. Thơi gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo để việc xác minh hồ sơ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam được tốt hơn- Bộ trưởng cho biết.
Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và xác định tiêu chí công nghiệp công nghệ cao cũng như công nhận công nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho biết trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ có từ rất sớm.
Chính phủ đã nhận thức được vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ Khoa học - Công nghệ đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Sau đó thấy chương trình này cần một nguồn lực đủ lớn, Bộ đã báo với Thủ tướng và đã phê duyệt thành lập Quỹ đổi mới công nghệ.
Bộ trưởng khẳng định, cả chương trình và quỹ điều nhằm mục đích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, luật pháp của Việt Nam chưa đồng bộ, vì thế, trong quá trình xây dựng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, có những vướng mắc.
Bộ trưởng cho biết, để tháo gỡ những vướng mắc đó, Bộ Khoa học-Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia năm nay đã được bố trí kinh phí đi vào hoạt động. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp đã có hồ sơ và Bộ đang chuẩn bị xét duyệt để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp hàng đầu làm chủ công nghệ, nhập khẩu công nghệ cũng như tạo ra công nghệ mới từ chính doanh nghiệp của mình. Mặt khác, các văn bản ban hành về công nghiệp công nghệ cao đã được ban hành tương đối đầy đủ.
Hằng năm Quốc hội cho phép dành 2% để phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên do điều kiện ngân sách khó khăn, Bộ chỉ bố trí được 1,3% hoặc 1,5% tổng chi phí chi ngân sách cho ngành khoa học công nghệ; trong đó hầu hết dành cho chi đầu tư và chi thường xuyên. Phần kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài, dự án, kể cả hỗ trợ cho doanh nghiệp) chỉ chiếm 10% của 2% trong tổng số ngân sách cho nên nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp ko có nhiều.
Phần kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài, dự án, kể cả hỗ trợ cho doanh nghiệp) chỉ chiếm 10% của 2% tổng chi ngân sách. Cho nên nguồn lực dành cho hỗ trợ doanh nghiệp không có nhiều. Do đó, Bộ đã tận dụng tối đa năng lực của các viện, trường khi giao đề tài nghiên cứu cũng phải dành một phần năng lực của họ cho hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là sự phối hợp hợp tác công tư trong khoa học công nghệ- Bộ trưởng nêu rõ.
Theo chương trình, ngày mai, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo TTXVN/Vietnam+