.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Ấm lòng người già

Cụ bà Trần Thị Thìn ở tổ 49 phường Nam Dương, quận Hải Châu đã bước qua tuổi 93. Gần một năm nay, sau khi những người bạn đồng niên với cụ lần lượt qua đời, cụ sống một mình trong căn phòng trọ 4m2 do một người cháu của bạn cụ thuê lại.

Dẫu ở hoàn cảnh người già neo đơn, nhưng bên cạnh cụ luôn có bà con chòm xóm, cán bộ quân-dân-chính khu dân cư (KDC), chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quan tâm, chăm sóc. Những nghĩa cử ấy đã làm ấm lòng người già đang ở tuổi gần đất xa trời.

Ông Huỳnh Vĩnh Truyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Nam Dương và ông Đoàn Kim Bê, tổ trưởng tổ dân phố (TDP) 49 cùng tiếp tôi tại văn phòng hội ở trụ sở của phường, bởi như các ông nói, có tiếp xúc với cụ Trần Thị Thìn cũng chỉ để cảm nhận thêm hoàn cảnh của cụ, chứ cụ không còn minh mẫn, không nói được nữa. Qua hai ông, tôi biết được hoàn cảnh éo le của cụ Thìn- không chồng, không con, không người thân thích họ hàng.

“Bà Thìn sống với người mợ dâu là bà Phạm Thị May, vợ liệt sĩ và người em (chị em dâu) của bà May là Lê Thị Em từ thời còn trẻ đến bây giờ. Rồi lần lượt 2 bà ấy đều qua đời, còn lại bà sống một mình. Trước khi chết, bà May có trăn trối lại với con cháu, rằng hãy chăm sóc bà Thìn cho tử tế, giống như người nhà mình cho đến khi bà mất. Nhưng hoàn cảnh con cháu của bà May cũng chẳng khấm khá gì, nên việc chăm sóc có phần hạn chế, phải có sự chung tay của cán bộ, cộng đồng KDC mới đỡ đần phần nào”, ông Đoàn Kim Bê, cho biết.

Người cháu gọi bằng cô ruột của bà Phạm Thị May (người nhận phụng dưỡng bà Thìn) thực hiện theo “di chúc” của bà May, thuê lại căn phòng 4m2 để bà Thìn sinh sống (do người cháu này đã bán căn nhà của bà May mà trước đây 3 bà cùng chung sống).

“Thật ra thì sau khi bán nhà, thuê lại phòng cho bà Thìn ở, người cháu bà May đã qua Lào làm ăn. Vì là lao động phổ thông, gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì, thu nhập bấp bênh nên việc phụng dưỡng người già rất khó khăn. Chi bộ KDC Châu Thành II đã chỉ đạo, vận động toàn thể cán bộ, quân- dân-chính ở KDC, trực tiếp là tổ trưởng TDP 49 theo dõi, kiểm tra, lên kế hoạch để đỡ đần, chăm nom bà Thìn chu đáo; cử người thường xuyên quan tâm đến bà Thìn, đề phòng những lúc trái gió trở trời”, ông Huỳnh Vĩnh Truyền nói.

Theo ông Đoàn Kim Bê: “Sau khi bà Lê Thị Em qua đời, chúng tôi đã vận động nhân dân địa phương, các hội đoàn thể, nhà hảo tâm chung tay chăm sóc cho bà Thìn. Theo đó, mỗi tháng có 1,2 triệu đồng tiền mặt từ “quỹ vận động đóng góp giúp đỡ bà Thìn”. Ngoài ra còn bảo đảm các nhu yếu phẩm hằng ngày cho bà từ tấm bỉm, gạo ăn, sữa… không lúc nào thiếu. Chúng tôi còn nhờ người cháu dâu hằng ngày đến chăm sóc cho bà Thìn (vì bà không thể tự làm kể cả việc vệ sinh), mỗi tháng chi 600 ngàn đồng cho người giúp việc này vì họ cũng rất khó khăn. Ban đêm cử những nhà hàng xóm thường xuyên để ý vì bà Thìn sống một mình, có gì bất ổn báo ngay cho tổ trưởng và các đoàn thể biết, lo liệu. Kể cả phương án mai này cụ bất trắc, chúng tôi cũng đã tính toán chu đáo”.

Mới đây, theo nguyện vọng của người cháu bà Phạm Thị May, cán bộ, quân-dân-chính KDC đã “nhường quyền” chăm sóc bà Thìn cho gia đình, để thực hiện lời trăng trối của người quá cố. Dẫu vậy, cả ông Truyền và ông Bê đều khẳng định, sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc chăm sóc của gia đình có bảo đảm hay không. Trường hợp không ổn, nếu bất khả kháng sẽ đưa bà Thìn vào trung tâm dưỡng lão.

“Quan trọng nhất vẫn là bảo đảm sự chăm sóc tử tế đối với bà Thìn dù là hội, đoàn thể hay “người nhà”. Tất nhiên, kể cả ai đi nữa, đặc biệt là người già thì chữ tình phải xét lên trên hết. Dù khó khăn đấy, vẫn để họ (người nhà) chăm sóc, cộng với sự quan tâm hằng ngày bằng cả vật chất, tinh thần từ cán bộ, quân-dân-chính KDC để bà Thìn ấm lòng lúc tuổi xế chiều”, ông Truyền nói.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.