Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Niềm mong ước ở "xóm đường ray"

08:56, 04/11/2015 (GMT+7)

Đường Phan Đình Giót, đoạn một bên giáp khu chung cư Hòa Hiệp 2 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), một bên giáp với tuyến đường ray xe lửa có rào chắn bảo vệ. Ít ai ngờ trên con đường khang trang ấy lại có những hộ dân hằng ngày phải dắt xe trên những viên đá lởm chởm lót đường ray, luồn qua một con hẻm bề ngang chưa đầy 2m để ra được đường cái.

Gia đình bà Lê Thị Xuân (tổ 57, phường Hòa Hiệp Nam) có 2 vợ chồng và 1 đứa con nhỏ, sinh sống ở đây đã 5, 6 năm nay. Trước đây, chồng bà là ông Huỳnh Văn Anh sống cùng cha mẹ trên đường Nguyễn Lương Bằng, khi lập gia đình thì được “cắt” cho một “khúc” nhà phía sau để xây “tổ ấm”. “Khúc nhà” này quay mặt ra đường Phan Đình Giót, nhưng lại bị ngăn cách với con đường bởi đoạn đường ray và rào chắn bảo vệ. Tiến thoái lưỡng nan, muốn ra đường Nguyễn Lương Bằng hay Phan Đình Giót đều phải dắt xe đi trên “con đường” đá bề ngang chưa được 1m, ngay sát đường ray xe lửa.

Gia đình ông Anh, bà Xuân là một trong 3 hộ đang sống trong cảnh sau lưng là nhà hàng xóm, trước mặt là đường tàu chạy. Cả 3 nhà, nhà nào cũng có trẻ nhỏ 3-5 tuổi. Ông Võ Ngọc Phước, Tổ trưởng tổ dân phố 57, cho biết có nhiều lần mấy đứa nhỏ chơi lang thang trước nhà suýt bị tai nạn, may có người nhìn thấy nên cứu kịp. “Còn chuyện trời mưa, dắt xe máy đi làm trên con đường đá lô nhô trơn trượt rồi vấp té trẹo chân, áo quần lấm lem là chuyện bình thường”, một người dân ngậm ngùi.

Không chỉ tổ 57, tổ 56 cũng có những nhà dân quay mặt ra đường sắt, lưng áp vào tường nhà hàng xóm như vậy. Tháng 9 vừa qua, quận Liên Chiểu đã bê-tông hóa tuyến hành lang đường sắt đi qua địa phận tổ 56. Người dân rất phấn khởi, vì dù vẫn phải đi đường vòng mới ra được đường cái, nhưng họ vẫn có thể ngồi trên xe máy chạy một mạch, thay vì phải dắt xe trên “con đường” đá lởm chởm đầy nguy hiểm. Còn đoạn đường dài xấp xỉ 100m đi qua tổ 57 vẫn chưa được xử lý.

Tổ 57 có 30 hộ dân, đa phần là lao động phổ thông. Ông Phước cho biết, 3 hộ quay mặt vào đường ray nói trên đều thuộc diện cận nghèo, chồng làm công nhân, vợ ở nhà nội trợ. Nói chuyện với phóng viên Báo Đà Nẵng, bà Xuân cho biết, giờ có kêu hiến đất tui cũng hiến, chỉ mong sao có con đường bê-tông để mùa mưa tới đỡ phải khổ. “Ai cũng sẵn sàng hết cô ơi, không phải mình tui đâu”, bà Xuân nói.

KHANG NINH

.