.
Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Kiên quyết loại bỏ cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu

.

* Có quan chức tham nhũng “chạy chuyến tàu vét” trước khi về hưu?

Ngày 17-11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII tiếp tục phiên chất vấn với nhiều nội dung quan trọng làm nóng nghị trường với các câu hỏi và trả lời chất vấn thu hút cử tri cả nước quan tâm theo dõi.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về cải cách hành chính (CCHC) giữa lý thuyết và thực tế còn nhiều khoảng cách”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là câu hỏi xác đáng. Phó Thủ tướng cũng thừa nhận đúng là giữa lý thuyết và thực tế còn khoảng cách, còn nhiều phiền hà cho dân và doanh nghiệp. Để giải quyết thực tế đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mà trước hết là cần tinh giản biên chế, đưa những người yếu kém ra khỏi bộ máy Nhà nước.

Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, trên tinh thần giảm 2 lấy 1 trong số biên chế hành chính. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tinh giản biên chế năm 2015 tại các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Đến ngày 30-10 đã có 12 bộ, 24 địa phương thực hiện tinh giản biên chế 2015 với số lượng trên 3.300 người, trong đó 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay. Hiện nay, một số tỉnh, thành đã đưa ra phương án giảm biên chế.

Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ đơn vị sự nghiệp trong khu vực công. Số công chức này lớn chiếm trên 2 triệu người, chiếm 38% tổng biên chế. Do đó, làm được khối này thì tinh giảm rất lớn. Đồng thời, đẩy mạnh công khai minh bạch chi quản lý hành chính, khoán chi, khoán biên chế. Ứng dụng CNTT trong quản lý, thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Triển khai trung tâm hành chính công để công khai minh bạch và dân giám sát.

“Đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức. Chúng ta phải đưa ra khỏi bộ máy cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân và doanh nghiệp; luân chuyển cán bộ lĩnh vực nhạy cảm, tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nợ công chỉ dành cho đầu tư phát triển

Trả lời về các câu hỏi của đại biểu đặt ra vào ngày 16-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng với tốc độ tăng 20%/năm như hiện nay là quá cao. Nguyên nhân thực trạng trên, theo ông Dũng, do bội chi quá cao, phát hành trái phiếu Chính phủ nhiều, giá dầu thô lại giảm mạnh khi Việt Nam đang thực hiện các chính sách giảm thuế, tái cơ cấu doanh nghiệp. Điều này đã làm cho tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước chỉ còn 9,8%, giảm sâu so với 20,8% của giai đoạn 2008-2010. “Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là vay mới. Nợ công chỉ chi cho đầu tư phát triển, cho công trình thiết yếu theo quy hoạch”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Về khoản tiền gần 70.000 tỷ đồng tiền nợ thuế mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, Bộ trưởng Dũng cho biết đã thu được 32.000 tỷ đồng, số còn lại sẽ thu trong thời gian tới. Xung quanh vấn đề nợ công, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị không vay tiền và nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam.

Theo ông Nghĩa, kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế. “Nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không? Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay ODA từ Trung Quốc”, đại biểu Nghĩa nói.

Thực phẩm bẩn: Trách nhiệm của Nhà nước, đạo đức của người dân

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ trách nhiệm của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương và Khoa học-Công nghệ trong quản lý, sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được các bộ, ngành, địa phương, ngành triển khai, ít nhiều có kết quả nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được như kỳ vọng của nhân dân cũng như mục tiêu đề ra của Chính phủ và các bộ, ngành.

“Câu chuyện ở chỗ là việc tổ chức thực hiện, đó là sự vào cuộc của các cấp liên quan, sự phối hợp các bộ, ngành thông qua hệ thống pháp luật. Ngoài ra còn có sự vận động, tuyên truyền nhân dân với truyền thống, với đạo đức. Bởi lẽ hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm và  bảo đảm vệ sinh diễn ra trong từng hộ gia đình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Nói về tình trạng bất hợp lý về chế độ phụ cấp chồng chéo, kéo dài trong bộ máy Nhà nước hiện nay, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, cơ quan có thẩm quyền đã tùy ý mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù cho chức vụ, ngành nghề, làm phát sinh sự bất bình đẳng, thiếu công bằng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước.

Thực tế cho thấy, ngoài chế độ tiền lương chung thì ngành nghề chỉ được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nhưng cũng có nhiều đơn vị vừa được hưởng phụ cấp công vụ vừa được hưởng phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên lên đến 55%.

“Tại sao không quy định mỗi ngành nghề chỉ được hưởng một loại phụ cấp duy nhất, nếu hưởng phụ cấp này thì không được hưởng phụ cấp kia và ngược lại. Cũng đều là cán bộ, công chức Nhà nước như nhau, vì sao lại có sự khác nhau quá xa như vậy?”, đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi.

Có quan chức tham nhũng “chạy chuyến tàu vét” trước khi về hưu?

Đại biểu Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho biết, tại các phiên họp chất vấn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đã cảnh báo về một số quan chức Nhà nước thường tăng cấp tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

“Thưa Tổng Thanh tra Chính phủ, hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Xin Tổng Thanh tra cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng việc quan chức Nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”, gia tăng các hành vi vi phạm, hợp thức hóa tài sản Nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành bất động sản tư và đề bạt bổ nhiệm không bình thường vào lúc “xế chiều” đưa hàng loạt cán bộ, công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà công luận lên án trong thời gian qua”, ông Tiến đặt vấn đề.

Giải đáp những băn khoăn của đại biểu Lê Như Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng câu hỏi trên là chính đáng. Thời gian vừa qua thực tiễn có xảy ra một số vi phạm trong trường hợp đó. Theo ông Huỳnh Phong Tranh, Báo cáo của Chính phủ về công tác năm 2015 và 2016 nêu rõ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong chỉ đạo thường xuyên về công tác phòng, chống tham nhũng nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu để kiểm soát, giám sát, ngăn ngừa.

Cùng với đó là phát huy vai trò tổ chức Đảng, đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức trong giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp, tố giác đến các cơ quan thẩm quyền khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, ngành Thanh tra sẽ tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Trả lời không đúng trọng tâm, nhiều bộ trưởng bị nhắc nhở

Trong phiên chất vấn sáng 17-11, nhiều bộ trưởng bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liên tục nhắc nhở và yêu cầu trả lời đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu đặt ra. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ hơn về thực trạng, giải pháp nợ công, chống thất thu thuế, thay vì  dành thời gian để đọc báo cáo về những con số nợ công qua các năm. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phải nói rõ thực trạng phong cấp hàm tùy tiện như hiện nay có đúng hay không, các địa phương có được phép làm không. Ngoài ra, không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ nên đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, gắn liền với trách nhiệm quản lý của mình, không nêu những thực trạng, khó khăn chung. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị được trả lời những phần quy hoạch chung còn những vấn đề chi tiết, cụ thể xin được phép trả lời sau.

PHAN CHUNG – B.T

;
.
.
.
.
.