Có thể nói rằng, thế kỷ XX đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử nhân loại. Một trong những dấu ấn vĩ đại nhất là thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917. Cuộc cách mạng đã đập tan xiềng xích của chế độ Sa hoàng, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa với mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội công bằng, tự do, hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Từ đây lịch sử nước Nga bước sang chương mới.
Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân các nước, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Những năm 1918-1920, một cao trào vô sản đã dấy lên sôi nổi ở châu Âu làm chấn động dữ dội nền thống trị của giai cấp tư sản độc quyền ở nhiều nước. Cách mạng đã mở ra thời đại mới: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Từ đây, chủ nghĩa cộng sản không còn là “bóng ma ám ảnh châu Âu” (*) mà đã trở thành hiện thực trong xã hội Nga, tăng thêm lòng tin chống áp bức thực dân của đông đảo nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, đồng thời cung cấp cho họ vũ khí tư tưởng để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, noi gương Cách mạng Tháng Mười, hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời đã mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước trở thành hệ thống hùng mạnh bao gồm 15 nước, chiếm 26% diện tích và 30% dân số toàn cầu. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành đã phá vỡ sự nhất thống thiên hạ của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội đã giành được thành tựu to lớn về mặt tìm tòi, xây dựng một chế độ xã hội hoàn toàn mới chưa từng có trước đây. Lê-nin từng ví nó như là leo một ngọn núi cao chưa từng được khám phá, chưa có dấu chân người.
Nhưng kịch biến Liên Xô - Đông Âu diễn ra tập trung từ năm 1989 đến tháng 12-1991 đã đánh dấu sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở những nước này. Sự tan rã của chủ nghĩa xã hội Liên Xô, Đông Âu là sự kiện bi thảm nhất ở thế kỷ XX, là một tổn thất lớn chưa từng có đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập tự do.
Trước khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, Lê-nin từng nói rằng: “Chúng ta không kỳ vọng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó, còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”.
Nguyên nhân và bài học của sự kiện Liên Xô, Đông Âu sụp đổ có thể lý giải trên nhiều khía cạnh: diễn biến hòa bình của phương Tây; nền kinh tế phát triển chậm chạp do thể chế cứng nhắc và kéo dài; đảng cầm quyền quan liêu, xa rời quần chúng lao động và rơi vào khủng hoảng sâu sắc; nội bộ các nước Đông Âu, Liên Xô biến cải cách, cải tổ thành cải hướng, chuyển hướng; khi tiến hành cải cách, cải tổ đất nước lại xa rời và cuối cùng từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin.
Ăng-ghen từng nói, sự kiện lịch sử trọng đại đều là kết quả của “hợp lực”. Với Liên Xô và Đông Âu quả đúng như thế. Nhiều nguyên nhân là vậy nhưng cuối cùng có thể quy về một điểm mấu chốt là: do bản thân của đảng cầm quyền - Đảng Cộng sản. Vì các nước xã hội chủ nghĩa đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Vấn đề đặt ra là, mất Liên Xô liệu các nước xã hội chủ nghĩa có đứng vững và phát triển được không? Chủ nghĩa Mác-Lênin có còn là một học thuyết khoa học và cách mạng? Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười là xác định nội dung mới của thời đại có thay đổi không? Lịch sử đã trả lời thẳng thắn: Cách mạng Tháng Mười không có lỗi về sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu, không chịu trách nhiệm về sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội. Gần ba thập kỷ qua, dù không còn Liên Xô và Đông Âu thì Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và các nước xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn tiếp tục phát triển, chứng minh hùng hồn sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa xã hội.
Sự thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội, về con đường, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh khó khăn và nghiệt ngã như thế, Đảng ta vẫn khẳng định: Dù thế giới có đổi thay nhưng thời đại không thay đổi. Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta nhất quyết tiếp tục đi trên con đường của thời đại, con đường xã hội chủ nghĩa vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Văn kiện Đại hội XI (2011) của Đảng tiếp tục khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đây là sự lựa chọn được bắt nguồn từ thực tế sâu xa của đất nước, từ ước nguyện tha thiết của nhân dân, từ tính cách của dân tộc Việt Nam.
Gần 30 năm đổi mới, đất nước ta gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì chuyên chính vô sản. Ngăn chặn kịp thời những thế lực phản động trong nước muốn thực hiện chế độ đa đảng của châu Âu.
Kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Vừa chống lại mọi sức ép từ bên ngoài, Đảng ta vừa tiến hành sâu rộng, toàn diện đường lối đổi mới đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, những khó khăn gây trở ngại cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều, nhưng có sự dẫn đường chỉ lối của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được bổ sung, phát triển một cách sáng tạo thì con thuyền lớn của chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ đến bờ bên kia của nhân loại. Tương lai tươi sáng và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn hiện hữu.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh
Trường Chính trị thành phố
(*) Tuyên ngôn Đảng Cộng sản – C.Mác và F.Ăng-ghen.