Chất lượng các công trình văn hóa, chất lượng “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và chất lượng dịch vụ của ngành du lịch… là các vấn đề được quan tâm tại buổi làm việc của Ban văn hóa – Xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố với Sở VH-TT&DL sáng 19-11.
Lượng khách đến Đà Nẵng tăng cao nhưng chiều sâu của du lịch thành phố còn nhiều điều lo lắng. Trong ảnh: Du khách tàu biển quốc tế đến Đà Nẵng. Ảnh: Thu Hà |
Mới được phần “xác”
Các thành viên thuộc hai Ban Văn hóa - Xã hội, Kinh tế - Ngân sách đều ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong đầu tư văn hóa năm 2015, nhất là các thiết chế văn hóa xã, phường, các công trình văn hóa trọng điểm như Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Mỹ thuật. Ngành du lịch cũng khởi sắc với lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng hơn 20% so với 2014. Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu ghi nhận có đến 96% cử tri biết đến 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, còn chiều sâu của ngành văn hóa, du lịch còn nhiều điều đáng để lo lắng. Bà Lê Thị Nam Phương (Ban Văn hóa – Xã hội) cho rằng, những gì làm được thời gian qua chỉ mới là phần “xác”, còn phần “hồn” vẫn chưa được chú trọng. “Sở VH-TT&DL chưa sử dụng hết công cụ hỗ trợ đắc lực của mình trong việc xây dựng con người văn minh. Đơn cử, tổ dân phố nhỏ như thế nhưng chưa phát huy hết vai trò tuyên truyền, tác động đến người dân về nhận thức, hành vi, nếp sống văn minh.
“Năm văn hóa, văn minh đô thị” mà cử tri cứ phàn nàn về ứng xử không văn hóa của công chức Nhà nước. Chúng ta cần chuẩn bị những con người văn minh để đáp ứng với nhu cầu hội nhập, trước hết đó phải là những người làm văn hóa, cán bộ công chức”, bà Phương nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh (Ban Kinh tế-Ngân sách) chất vấn Sở VH-TT&DL đã soạn thảo, in ấn quy chế ứng xử văn hóa và đưa đến tận người dân chưa? Bởi rất khó hình thành ứng xử văn hóa, văn minh nếu không thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất.
Trong khi đó, ông Huỳnh Phước (Ban Văn hóa - Xã hội) cũng dẫn chứng trường hợp bị “nhiêu khê” khi đến đăng ký dịch vụ thuê phòng tại một khách sạn, tình trạng taxi chạy “bạt mạng”, bấm còi inh ỏi trên đường. Điều đó cho thấy tính chuyên nghiệp của những người làm dịch vụ du lịch còn hạn chế, làm mất hình ảnh của thành phố du lịch. Một số ý kiến khác phản ánh tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, chặt chém vẫn còn xảy ra. Nếu không cải thiện tình trạng này, du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ thụt lùi so với Campuchia, Lào chứ chưa tính đến các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề cập đến các vấn đề hiệu quả của Thư viện Khoa học tổng hợp khi đi vào hoạt động, thất thu thuế trong dịch vụ lưu trú, mở rộng khai thác du lịch dọc đường biển Nguyễn Tất Thành, đầu tư cho du lịch rất lớn nhưng chưa định lượng được hiệu quả ngành du lịch mang lại…
Đâu là giải pháp?
Trả lời câu hỏi kết quả tiêu biểu nhất của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho rằng đó chính là công tác chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các quận, huyện bám sát tình hình thực tế, tăng cường giải pháp giải quyết vấn đề gây bức xúc.
“Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” thực ra chỉ là cao trào của đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Nhờ đó nhiều vấn đề tồn tại hiện lên cụ thể, để có kế hoạch giải quyết. Nhưng làm thế nào để đi vào đời sống người dân thì cần các giải pháp đồng bộ và thời gian vì từ biết đến hành động là khoảng cách khá xa.
Trong năm 2016, có thể thành phố chuyển sang chủ đề khác, nhưng chúng tôi cho rằng văn hóa – văn minh đô thị vẫn sẽ tiếp tục. Nhiệm vụ chính là của Sở VH-TT&DL, nhưng cần sự hỗ trợ, chung tay của các sở, ngành liên quan và toàn xã hội. Thành phố cần tiếp tục đầu tư thiết chế văn hóa, đầu tư nguồn nhân lực văn hóa theo đúng lộ trình. Nhất định không để hết “Năm văn hóa, văn minh đô thị” là buông”, ông Chiến nêu ý kiến.
Về lĩnh vực du lịch, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Chí Cường cho biết, lâu nay chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế, do đầu ra kém chất lượng. Trong thời gian tới sẽ phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo nghề nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, dịch vụ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng đội ngũ làm du lịch. Đầu tư cho du lịch vẫn còn thấp, trong giai đoạn 2011- 2015, đầu tư cho sự nghiệp du lịch 18 tỷ đồng, song ngành du lịch đã đóng góp vào GDP của thành phố khá lớn. Riêng 2015, đóng góp khoảng 20,67% GDP của thành phố.
Do đó, để ngành du lịch tiếp tục là mũi nhọn của nền kinh tế, Sở VH-TT&DL đề nghị thành phố bố trí vốn xây dựng các bến thuyền dọc tuyến du lịch đường thủy nội địa, sớm thu hồi các dự án chậm triển khai để dành quỹ đất kêu gọi đầu tư hình thành khu mua sắm, khu vui chơi giải trí về đêm, nhanh chóng đầu tư khai thác giải trí trên sông, trục văn hóa - sự kiện… Đồng thời, chỉ đạo các quận, huyện tích cực tăng cường trách nhiệm đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Vũ Hùng ghi nhận những kết quả Sở VH-TT&DL đạt được trong năm 2015, đồng ý với giải trình về các nội dung theo yêu cầu và cho biết sẽ thẩm tra lại hiệu quả của Năm văn hóa, văn minh đô thị.
NGỌC HÀ