Chính trị - Xã hội
Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Không dễ đóng cửa các khu trọ
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng theo chiều “thẳng đứng”, chủ yếu ở đối tượng sinh viên, công nhân, UBND thành phố vừa có công văn yêu cầu dùng biện pháp mạnh là đóng cửa các khu trọ không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sau cơn mưa chiều 4-11, khu trọ sinh viên bì bõm nước. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào chiều qua (4-11), các khu trọ ẩm mốc vẫn hoạt động và chính quyền địa phương cho rằng, không đơn giản cứ muốn là đóng cửa!
Không ở thì biết đi đâu?
Trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện có hơn 20.000 phòng trọ cho sinh viên, công nhân thuê ở. Thực tế thường thấy, các khu trọ phần lớn đều nóng bức vào mùa nắng và ẩm mốc vào mùa mưa. Chỗ nghỉ ngơi, vệ sinh và phơi phóng tù túng trong cùng không gian chật chội. Nhiều nơi, dù vào ban ngày nhưng kín, tối om, phải dùng đèn pin soi mới thấy đường đi.
Điều kiện sống không tốt nhưng với nhiều người, tìm được chỗ ở đã là may mắn. Một nam sinh viên năm hai, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhìn theo những giọt nước mưa rơi trên nền nhà và cho biết, vào năm học mới, em mất cả tuần đi tìm phòng trọ nhưng những chỗ “ngon” đều đã được “đăng ký ở lâu năm”. Bí quá, em đành thuê phòng trọ này.
Nơi nam sinh viên này ở là căn phòng rộng khoảng 10m2 tại kiệt 468 Tôn Đức Thắng. Không chỉ chật chội, cả khu với chục phòng trọ và khoảng 20 sinh viên sinh sống nhưng chỉ có một nhà vệ sinh và một nhà tắm. Đứng ở phòng đầu tiên của dãy trọ vẫn ngửi thấy mùi hôi bốc lên nồng nặc từ cuối hành lang. Đáng nói là dù điều kiện ở như vậy nhưng khi chia sẻ câu chuyện của mình, nam sinh viên vẫn yêu cầu giấu tên vì “sợ chủ đuổi là không biết đi đâu, về đâu” (?!).
Không khá hơn khu trọ sinh viên, khu trọ cho công nhân tại 256/45 Âu Cơ (phường Hòa Khánh Bắc) cũng chung tình cảnh. Đầu khu trọ là kho chứa các vật dụng như tủ, cửa, bàn… phế liệu. Bên trong đống rác này là những vũng nước đọng nơi gờ bàn, gờ tủ. Chị Thảo (28 tuổi), công nhân thuê trọ nói: “Nghe bệnh SXH thì cũng lo lắm, nhất là chỗ mình ở chẳng vệ sinh, nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài sống chung với “lũ”. Thôi, tới đâu hay tới đó vậy”.
Sống trọ lâu năm, không riêng chị Thảo mà nhiều người khác gần như nằm lòng “nội quy”: của chung không ai dọn. Từ lối đi đến nhà vệ sinh, vì dùng chung nên không ai chủ động dọn dẹp. Có khu trọ cho đến khi có người bị SXH mới chung tay làm vệ sinh; còn trước đó, những chai lọ vứt bừa bãi, chứa đầy lăng quăng cũng không ai bận lòng.
Tiêu chí đánh giá mức độ ô nhiễm
Chiều 4-11, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho rằng thành phố ban hành chủ trương đóng cửa các khu trọ không bảo đảm vệ sinh nhưng chưa công bố các tiêu chí đánh giá mức độ ô nhiễm. Địa phương muốn vào cuộc kiểm tra nhưng không có tiêu chí thì lấy đâu đánh giá. “Nhà trọ có diện tích tối thiểu bao nhiêu mét vuông, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy ra sao, như thế nào là ô nhiễm… là những vấn đề không thể nói đại khái mà phải có căn cứ xác đáng. Có lý lẽ chặt chẽ thì chủ hộ mới không phản đối khi bị đóng cửa. Sắp đến, địa phương chưa có kế hoạch cụ thể kiểm tra để quyết định đóng cửa khu trọ vì phải đợi tiêu chí”, ông Chương nói.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, trong tháng 10 vừa qua, trung bình mỗi tuần có 100 trường hợp mắc SXH. Trong khi đó, từ tháng 8 trở về đầu năm, mỗi tuần chỉ có trên 10 ca mắc. Tính đến nay, thành phố ghi nhận gần 600 ca SXH, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. SXH xuất hiện tại 42/56 phường, xã và tập trung chủ yếu tại quận Liên Chiểu với 152 trường hợp, quận Sơn Trà 100 trường hợp…
Ngoài đề xuất đóng cửa các khu trọ không bảo đảm vệ sinh, UBND thành phố còn lưu ý các phường, xã triển khai thu gom dụng cụ phế thải, súc rửa dụng cụ chứa nước và xử lý dứt điểm lăng quăng trong từng hộ gia đình, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các phường, xã để dịch lan rộng, kéo dài. UBND các phường, xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tình hình dịch trên địa bàn quản lý.
Bài và ảnh: M.MIÊN - T.VÂN