.

Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi, bỏ tử hình với 7 tội danh

.

Sáng 27-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).

Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Với 84,01% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 3 phần, 26 chương và 426 điều. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực.

Điều 1 của Bộ luật quy định: "Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt."

Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc bổ sung này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân như dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Cụ thể: Sửa đổi quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự (Điều 2), về khái niệm tội phạm (Điều 8); quy định các hình phạt đối với pháp nhân (Điều 33); điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân (Điều 75).

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, trên cơ sở ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, qua tổng kết thực tiễn xử lý vi phạm hành chính và tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, Điều 76 dự thảo quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).

Về bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, trên cơ sở kết quả lấy ý kiến nhân dân và ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến bỏ hình phạt tử hình ở 9 tội danh để xin ý kiến của Quốc hội.

Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc giảm hình phạt tử hình là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) ; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).

Trong số​ các tội danh trên, một số đại biểu Quốc hội không tán thành hoặc đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình ở Tội cướp tài sản và Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đối với Tội cướp tài sản, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về Tội cướp tài sản và Tội giết người (đã có hình phạt tử hình).

Đối với Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, trước đây tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Trong lần sửa đổi năm 1999, Quốc hội đã quy định tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng. Nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Trường hợp phạm tội có mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố (Điều 299), các tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đều có hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, không nhất thiết phải giữ hình phạt tử hình ở Điều 168 và Điều 303.

Bộ luật quy định "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử" tại khoản 2 Điều 40.

Một điểm mới đáng lưu ý, tại điểm c khoản 3 Điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn."

Dự thảo Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành (87,04%).

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

;
.
.
.
.
.