Bị thổi còi, các tài xế “xe mù”, xe “cà tàng” chở hàng hóa cồng kềnh tỏ ra lúng túng, trình bày đủ thứ hoàn cảnh... để xin lực lượng chức năng bỏ qua.
Lập biên bản xe chở hàng cồng kềnh. |
Đó là tình trạng lặp đi lặp lại mà chúng tôi ghi nhận sau nhiều ngày theo chân lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Đà Nẵng xử lý các phương tiện này.
Bị thổi còi… xin bỏ qua
Ngày đầu tháng 11, ông Nguyễn V.Đ (trú quận Thanh Khê) điều khiển chiếc xe gắn máy kéo theo sau chiếc xe bò lỉnh kỉnh hàng hóa gồm: tôn, sắt thép… lưu thông trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê), bị tổ tuần tra của Đại úy Nguyễn Đức Bảo phát hiện, lập biên bản. Ngay lập tức, ông Đ. trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì mưu sinh nên vi phạm... mong các đồng chí cảnh sát bỏ qua. Sau khi được tổ tuần tra giải thích cặn kẽ về hành vi vi phạm luật giao thông, ông Đ. im lặng ký vào biên bản vi phạm.
Ngay sau đó, tại tuyến đường Lê Duy Đình - Nguyễn Tri Phương, tổ tuần tra tiếp tục phát hiện chiếc xe máy “cà tàng” do ông V. điều khiển ì ạch kéo theo chiếc xe bò chở hàng chục thanh sắt lớn đang trên đường đưa tới công trình xây dựng gần đó. Sau khi bị yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe ông V. cũng bắt đầu “điệp khúc” trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi làm thuê nuôi cả nhà, nếu bị thu mất chiếc xe máy không biết phải làm sao. Được tổ tuần tra giải thích, xe có đầy đủ giấy tờ thì sẽ bị xử phạt chứ không thu xe. Ông V. xin phép cho vài phút để chạy về nhà cách đó khoảng hơn 1km để lấy giấy tờ xe.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp điều khiển xe máy không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh bị CSGT phát hiện, lập biên bản xử lý trong đợt ra quân cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT). Theo Đại úy Bảo, hầu hết những người vi phạm đều có hoàn cảnh khó khăn nên khi bị xử phạt, họ đều cố gắng trình bày hoàn cảnh cực khổ để mong được bỏ qua.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ cần dạo quanh một vòng trên một số tuyến đường lớn trên địa bàn toàn thành phố, đặc biệt là ở khu vực các chợ, trước các cửa hàng, đại lý bán bia, nước ngọt, tạp hóa, bán nước đá, bán vật liệu xây dựng… dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy “mù” này. Điểm chung là các loại xe này là không biển số, không đèn, không còi… và đều được gia cố thêm các thanh sắt chịu lực để chở các loại hàng hóa nói trên. Khi ra đường, họ cho xe luồn lách, rú ga liên tục dù trên xe đang cõng hàng hóa chất cao ngất ngưởng
Triển khai đồng bộ và xử lý quyết liệt
Trung tá Nguyễn Văn Xe, Đội phó Đội tuần tra dẫn đoàn cho biết, sau khi lãnh đạo Phòng CSGT có kế hoạch triển khai chuyên đề này, Đội tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường lớn, xung quanh các khu chợ, khu đông dân cư… trên địa bàn quận Hải Châu và quận Thanh Khê để xử lý. Công an các quận, huyện cũng đồng loạt triển khai ra quân thực hiện kế hoạch về lập lại trật tự giao thông của đợt cao điểm, trong đó có xử phạt với “xe mù”, xe “cà tàng” chở hàng cồng kềnh như trên.
Qua khảo sát, đa số ý kiến của người dân khi được hỏi đều tỏ ra hết sức bức xúc. “Tôi thấy đa số người chạy xe này là lớp thanh niên choai choai. Họ chạy bừa, chạy ẩu, không xem luật lệ ra gì, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng và gây bức xúc rất nhiều cho mọi người khi tham gia giao thông. Đề nghị cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử phạt nặng rồi thu hồi các xe này càng sớm càng tốt”, chị Nguyễn Thu Hương (trú quận Sơn Trà) nói.
Theo Trung tá Xe, hầu hết các trường hợp người điều khiển “xe mù” vi phạm khi bị CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra đều không trình được giấy tờ hợp lệ; gắn biển số giả hoặc không gắn biển số… Lực lượng CSGT lập biên bản xử lý các lỗi như: không mang theo giấy đăng ký xe, không mang theo giấy phép lái xe, không gắn biển số hoặc xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, trong đợt cao điểm lần này, đơn vị sẽ quyết liệt hơn trong công tác xử lý, nhất là trong khâu kiểm tra giấy đăng ký xe có đối chiếu với số khung, số máy thực tế của phương tiện “xe mù”, xe “cà tàng” đã bị tạm giữ. Đối với những xe không có giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ, cơ quan công an sẽ xác minh nguồn gốc, xuất xứ của những xe máy này rồi mời chủ xe tới làm việc. Nếu quá thời hạn sẽ tịch thu và bán sung công quỹ.
Trả lời thắc mắc về việc vì sao không kiểm tra tại các “lò” độ xe để giải quyết tận gốc, còn tịch thu rồi sau đó bán đấu giá thì số “xe mù” trên, sau đó lại được lưu thông ngoài đường, lại xử phạt… như thế sẽ trở thành vòng tròn luẩn quẩn, Đại tá Ngọc cho biết, vấn đề này Phòng đã tính tới và đã có đề xuất với Cục CSGT đường sắt - đường bộ về phương án sau khi tịch thu sẽ tiêu hủy.
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch sẽ kết hợp với Công an các quận, huyện tổ chức khảo sát các “lò” độ “xe mù”, sau đó sẽ buộc họ ký cam kết, nếu vi phạm sẽ xử lý. Mục đích là để chúng ta có một thành phố văn minh, an toàn”, Đại tá Lê Ngọc nhấn mạnh.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH