Cách đây 70 năm, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Ủy ban nhân dân (UBND) và các cơ quan của Chính phủ.
Ngày 23-11-1945 đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày Truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Thanh tra trở thành một chức năng thiết yếu của quản lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động của ngành thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; cán bộ, công chức (CBCC) ngành thanh tra luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà độc lập, thống nhất và cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội, các cơ quan thanh tra ở các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng được thành lập. Ngày 10-10-1975, Thanh tra tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập và là tổ chức tiền thân của Thanh tra thành phố Đà Nẵng hiện nay. Ngày 3-1-1997, sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Thanh tra thành phố Đà Nẵng được thành lập và sau đó thanh tra các quận, huyện, sở, ngành được thành lập và đi vào hoạt động. Ngành thanh tra tập trung thanh tra về kinh tế-xã hội, thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, phát hiện và kiến nghị xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý kinh tế-xã hội; giải quyết kịp thời các yêu cầu bức xúc của nhân dân, đã góp phần giữ vững ổn định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội; đã phát hiện và phát huy những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong xây dựng đất nước và kiến nghị Nhà nước hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật.
Từ năm 1997 đến nay, hoạt động của ngành thanh tra đã chuyển sang một bước mới nhằm phục vụ cho các yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố. Tổ chức thanh tra và phương thức hoạt động của thanh tra đã có nhiều đổi mới cơ bản. Thanh tra thành phố đã chủ động đề ra chương trình kế hoạch công tác thống nhất từ thành phố đến cơ sở và đề ra các biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả đúng theo định hướng chỉ đạo chung của Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố.
Toàn ngành đã tập trung thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành trên các lĩnh vực: tài chính, ngân sách, giáo dục, y tế, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản, chính sách lao động, BHXH... Qua thanh tra đã phát huy những điển hình tiên tiến và kiến nghị chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, vi phạm pháp luật,... gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân... Từ năm 2010 đến nay, toàn ngành thanh tra tổ chức 15.504 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành, phát hiện tổng số tiền vi phạm là 90.430,7 triệu đồng, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 89.843,4 triệu đồng; kiến nghị xử lý 28.395 tập thể và cá nhân sai phạm...
Ngành thanh tra tích cực tham mưu cho thủ trưởng các cấp, các ngành tăng cường trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); tổ chức tốt việc đối thoại kết hợp với sự vận động thuyết phục, do vậy phần lớn các vụ việc KNTC đã được tập trung giải quyết dứt điểm. Sự phối hợp giữa các cơ quan và các tổ chức chính trị, đoàn thể trong xử lý, giải quyết các khiếu nại phức tạp ngày càng hiệu quả và chặt chẽ. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại và các quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Điểm nổi bật là các cơ quan đã tập trung chỉ đạo và phối hợp giải quyết dứt điểm một số vụ khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Các cơ quan chức năng đã vận dụng công tác dân vận trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC như một phương pháp tổng hợp, kết hợp giữa biện pháp hành chính với phương pháp vận động, tuyên truyền, giáo dục và thuyết phục, vừa sử dụng các yếu tố pháp lý, vừa kết hợp với biện pháp hòa giải, nhằm tăng cường tính hiệu lực của pháp luật, đồng thời hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn giữa công dân với cơ quan Nhà nước.
Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp, các ngành và các cơ quan thanh tra đã tiếp 55.659 lượt công dân; tiếp nhận 2.843 đơn KNTC; đã giải quyết 966/1.004 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96%. Qua công tác giải quyết KNTC đã phục hồi quyền lợi hợp pháp cho hàng trăm người, thu hồi cho Nhà nước và nhân dân hàng nghìn mét vuông đất...
Đội ngũ cán bộ thanh tra đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt quy chế và kỷ luật của ngành. CBCC thanh tra luôn giữ được phẩm chất đạo đức, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với hơn 50 CBCC năm 1997, đến nay, toàn thành phố có 24 đơn vị có tổ chức thanh tra Nhà nước với tổng số CBCC thanh tra chuyên trách là 212 người, có 101 Thanh tra viên, 21 Thanh tra viên chính và 1 Thanh tra viên cao cấp.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện hoạt động và lực lượng cán bộ, nhưng ngành thanh tra luôn ra sức phấn đấu và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, của Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng giao. Thành tích của ngành năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra ngày càng được nâng cao, đã góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ công tác, ngành thanh tra vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Lực lượng cán bộ thanh tra chuyên trách nhìn chung vẫn còn thiếu và còn hạn chế về nghiệp vụ. Hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra vẫn chưa được phát huy triệt để. Tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ở các cấp, các ngành nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời; nhiều bức xúc của nhân dân chậm được giải quyết; việc thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong thời gian đến, hoạt động thanh tra tiếp tục góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Đảng, thực hiện các yêu cầu quản lý về kinh tế-xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, cửa quyền, quan liêu, vi phạm dân chủ, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết các KNTC.
Để hoàn thành các trọng trách trên đây, đòi hỏi toàn ngành thanh tra phải tiếp tục đổi mới phương pháp và nội dung hoạt động; tăng cường, nâng cao chất lượng và xây dựng đội ngũ cán bộ có tính chuyên nghiệp hơn; có kế hoạch quản lý tốt nội bộ, tiếp tục phối hợp tốt với cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra.
Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay và trước những yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành thanh tra, hơn lúc nào hết mỗi CBCC ngành thanh tra luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đoàn kết phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ngành thanh tra thành phố được tặng Huân chương Độc lập hạng ba, 3 Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Cờ thi đua xuất sắc. Nhiều năm liền, Thanh tra thành phố được Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố tặng Cờ thi đua dẫn đầu, nhiều cá nhân được tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố và được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp thành phố... |
Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng