.

Thúc đẩy hợp tác giáo dục Đà Nẵng - CHLB Đức

.

Ngày 11-11, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Cộng hòa Liên bang Đức, đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng làm việc với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức tại Berlin.

Tiếp đoàn có bà Katrin Shimizu, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển mạng lưới tiếng Đức, Bộ Ngoại giao Đức và ông Manuel Hab, phụ trách vùng của Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức (ZfA).

Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh quan hệ đầu tư và thương mại với CHLB Đức. Việc dạy tiếng Đức tại Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực để đón đầu luồng đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào thành phố cũng như tăng cường các hoạt động giao thương giữa hai bên.

Ông đề nghị Bộ Ngoại giao Đức xem xét giới thiệu các dự án hợp tác cụ thể cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Đà Nẵng và CHLB Đức.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cảm ơn Bộ Ngoại giao và ZfA đã chọn Đà Nẵng để triển khai thí điểm dự án dạy tiếng Đức ở trường phổ thông. Ông cho biết dự án  đang tiến triển tốt và đề nghị ZfA xem xét thành lập thư viện, hỗ trợ thêm tài liệu học tập bằng tiếng Đức tại các trường, nghiên cứu khả năng tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Đức tại Đà Nẵng để tiết kiệm chi phí.

Ông cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Đức và ZfA tạo điều kiện cho học sinh phổ thông tham gia các chương trình giao lưu văn hóa tại Đức, đồng thời mở rộng dự án dạy tiếng Đức ở các trường đào tạo nghề tại Đà Nẵng để tăng cơ hội tìm được việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đà Nẵng đang đàm phán với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) về dự án ODA xây dựng trường đào tạo nghề tại thành phố, ông đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét mở rộng dự án dạy tiếng Đức tại trường này.

Bà Katrin Shimizu hoan nghênh đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến làm việc với Bộ Ngoại giao, thể hiện sự ủng hộ và quan tâm của thành phố đối với việc dạy và học tiếng Đức nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước. Bà cho biết chương trình phổ biến tiếng Đức ở các trường phổ thông được thực hiện ở trên 120 nước.

Bộ Ngoại giao Đức dự kiến sẽ mở rộng quy mô dự án ở các trường đào tạo nghề, theo đó, trong năm tới bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp, các Phòng Thương mại và Công nghiệp để vận động sự tham gia và hỗ trợ tài chính cho chương trình. Bà Shimizu rất quan tâm đến đề nghị của thành phố về việc dạy tiếng Đức tại trường đào tạo nghề thành phố đang đàm phán với KfW và sẽ nghiên cứu khả năng lồng ghép hai dự án để đạt hiệu quả.

Ông Manuel Hab thay mặt ZfA cảm ơn UBND thành phố Đà Nẵng quan tâm hỗ trợ để dự án dạy tiếng Đức được triển khai thuận lợi tại Đà Nẵng. Chương trình dạy tiếng Đức ở trường phổ thông đã được xây dựng hoàn chỉnh và đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phê chuẩn. Hiện dự án còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giáo viên.

Để duy trì và phát triển dự án, trong thời gian tới, ZfA sẽ tiếp tục khảo sát để chọn ra các trường phù hợp, tổ chức đào tạo giáo viên dạy tiếng Đức và vận động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia tài trợ cho dự án. Về việc thành lập thư viện tại hai trường THCS trong dự án tại Đà Nẵng, ông sẽ yêu cầu điều phối viên của ZfA tại Việt nam khảo sát và có đề xuất cụ thể để ZfA xem xét hỗ trợ.

P.V

;
.
.
.
.
.