.

Việt Nam có thêm 522 Giáo sư, Phó Giáo sư

.

Trong đó có 52 người đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và 470 người đạt chức danh Phó Giáo sư.

Ông Đinh Thế Huynh phát biểu tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015
Ông Đinh Thế Huynh phát biểu tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015

Sáng 12-11 tại Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2015.

Theo Ban tổ chức, tổng số nhà giáo đăng ký từ đầu xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 681 người (GS là 74, PGS là 607). Kết quả cuối cùng có 52 người đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 470 người đạt chức danh PGS. Trong số 28 ngành, có nhiều ngành quy tụ nhiều GS, PGS mới như ngành Y (9 GS, 66 PGS), ngành Kinh tế (3 GS, 53 PGS, ngành Quân sự, Hóa – công nghiệp thực phẩm, Giáo dục, Cơ khí – động lực…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng các nhà giáo, nhà khoa học được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay; đồng thời khẳng định, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trên lĩnh vực nào cũng có sự đóng góp của đội ngũ trí thức, trong đó có các GS, PGS.

Nhiều công trình nghiên cứu của các GS, PGS được ứng dụng một cách có hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Tiêu chuẩn quy trình xét chọn từng bước được đổi mới, hướng tới hội nhập quốc tế.

Ông Đinh Thế Huynh trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho các tân Giáo sư
Ông Đinh Thế Huynh trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho các tân Giáo sư

Hiện nay, GS, PGS từng bước được trẻ hóa, năng lực ngoại ngữ và trình độ chuyên môn được nâng lên. Ngày càng có nhiều người là tác giả của các công trình khoa học có giá trị được công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và ứng dụng hiệu quả trong đời sống.

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả và tiến bộ đó, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là đất nước ta còn nghèo, tiếp tục đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Chênh lệch về trình độ, hạ tầng cơ sở, về khoa học công nghệ cũng như chất lượng giáo dục-đào tạo của nước ta còn lớn so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải vượt khó vươn lên, càng xuất phát thấp thì càng phải đổi mới mạnh mẽ, chủ động và tích cực hội nhập.

Được công nhận chức danh GS, PGS là vinh dự lớn đối với mỗi người, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của các GS, PGS trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trước thế hệ trẻ của đất nước. Mỗi người cần tiếp tục phấn đấu bằng tất cả tâm huyết, nghị lực, trí tuệ, quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, cùng cả nước đưa sự nghiệp đổi mới Giáo dục - Đào tạo, Khoa học và công nghệ đến những thành công mới, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cho biết: Năm nay, việc chuẩn bị hồ sơ của ứng viên đầy đủ, chu đáo, đúng quy định hơn. Việc xem xét thẩm định các Hội đồng đảm bảo tính khách quan, công tâm. Đáng mừng là, trong số 522 ứng viên năm 2015, đã có 165 người có bài đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Cũng theo GS Trần Văn Nhung, nhiều ứng viên có vốn ngoại ngữ tăng lên, có ứng viên sử dụng được 2- 3 ngoại ngữ thành thạo.

Theo Bích Lan (VOV)

;
.
.
.
.
.