.

Xã hội hóa công viên phường Xuân Hà: Chính quyền địa phương ủng hộ, dân nói không

.

Việc kêu gọi xã hội hóa khu vui chơi giải trí (KVCGT) phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) trở thành đề tài “nóng” tại các cuộc họp của quận và phường. Người dân không đồng thuận với nhiều lý do nhưng chính quyền địa phương cho rằng đã thực hiện đúng theo chủ trương của thành phố về kêu gọi xã hội hóa khu vui chơi...

Một góc khu vui chơi giải trí Xuân Hà được thành phố đầu tư.
Một góc khu vui chơi giải trí Xuân Hà được thành phố đầu tư.

Gần 3.000m2 đất bỏ hoang

Thời gian qua, một số người dân phường Xuân Hà bày tỏ sự không đồng tình và phản ứng về việc kêu gọi xã hội hóa KVCGT tại địa phương. Họ cho rằng, việc địa phương chọn chủ đầu tư là con của một nguyên lãnh đạo quận đã nghỉ hưu để thực hiện xã hội hóa thì không minh bạch. Một lý do khác, mảnh đất này do người dân phường Xuân Hà “đấu tranh” mới có được.

Cụ thể, phường Xuân Hà từng có một sân vận động lớn phục vụ nhu cầu thi đấu thể thao, vui chơi của người dân. Tuy nhiên, sau này, sân vận động bị thu hồi để làm Trung tâm Hành chính quận (tại đường Trần Cao Vân hiện nay). Cử tri phường đã kiến nghị với các cấp và được bố trí khu đất với tổng diện tích hơn 3.600 m2.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND phường Xuân Hà xác nhận: “Đúng là có một vài người dân không đồng tình việc kêu gọi xã hội hóa KVCGT này. Nhưng thực tế, xã hội hóa một phần diện tích tại KVCGT Xuân Hà thật sự cần thiết”.

Chỉ cho chúng tôi phần đất cỏ mọc um tùm tại khu dân cư Xuân Đán 4 để kêu gọi đầu tư xã hội hóa là sân bóng đá trên 2.600m2, chiếm 2/3 tổng diện tích KVCGT Xuân Hà, ông Hải nói: Nhiều năm qua, sân bóng không phát huy tác dụng, nhưng quận và phường không có ngân sách để đầu tư, cải tạo.

Nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa

Năm 2015, KVCGT Xuân Hà được thành phố đầu tư các thiết bị tập thể dục, sân cầu lông và một số hạng mục khác, kinh phí hơn 200 triệu đồng trên diện tích gần 1.000m2. “Hằng ngày, nhất là buổi sáng và chiều mát, nhiều người đến đây tập thể dục. Thiếu các trò chơi cho trẻ em, gần đây học sinh mang bóng vào sân cầu lông đá, vài em nhỏ nhảy lên các thiết bị tập thể dục và bị ngã… Tôi thấy nhu cầu giải trí của người dân rất lớn nhưng nơi đây chưa đáp ứng được”, một bảo vệ tại KVCGT Xuân Hà chia sẻ.

Đó cũng chính là băn khoăn của lãnh đạo phường và buộc họ phải tìm cách nâng cao hoạt động giải trí tại địa phương bằng hình thức xã hội hóa.

“Diện tích còn lại hiện bỏ hoang thì việc kêu gọi xã hội hóa là hợp lý, đáp ứng đa dạng hóa nhu cầu người dân. Chúng tôi xác định xã hội hóa nhằm mang lại hiệu quả hoạt động lẫn kinh tế, dựa trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên: nhà đầu tư - Nhà nước - cộng đồng dân cư. Trong yêu cầu đối với doanh nghiệp đầu tư vào đây nêu rõ: Dành thời gian nhất định cho địa phương trong việc tổ chức các hoạt động thể thao của thanh niên và đoàn thể”, ông Hải cho biết.

Ông Trần Trung Ngọc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Khê khẳng định: Xã hội hóa KVCGT không chỉ là chủ trương của quận, của thành phố mà còn của cả nước nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. KVCGT phường Xuân Hà mới được đầu tư giai đoạn 1 gồm một số hạng mục cơ bản, với nguồn ngân sách hiện tại của quận và thành phố thì khả năng giai đoạn 2 đầu tư không đáng kể và còn phải chờ.

“Chủ trương của thành phố phân định rõ, diện tích dành cho KVCGT mà thành phố đã đầu tư thì không được xã hội hóa. Nếu còn đất trống thì địa phương được phép kêu gọi xã hội hóa, để lấy tiền bổ sung cho hoạt động văn hóa, miễn sao không ảnh hưởng hoạt động chung và làm thế nào mang lại hiệu quả hoạt động lẫn hiệu quả kinh tế. Tôi nghĩ đây là hướng đi phù hợp”, ông Ngọc nói.

Văn bản số 208 ngày 12-3-2015 của UBND quận Thanh Khê ghi rõ, tại kết luận buổi làm việc giữa lãnh đạo quận Thanh Khê với các phòng, ban liên quan và chủ đầu tư đề nghị xã hội hóa, ông Nguyễn Văn Tĩnh, quyền Chủ tịch quận đã đồng ý chọn bà Lê Thị Huyền Trân làm chủ đầu tư đối với việc xã hội hóa khu vui chơi giải trí (KVCGT) phường Xuân Hà. Tuy nhiên, ngày 14-9, UBND phường Xuân Hà tiếp tục có thông báo số 125 kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư xã hội hóa KVCGT này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, sau khi một số ý kiến thể hiện không đồng tình việc chọn chủ đầu tư là bà Trân thì lãnh đạo quận quyết định hủy kết quả này và tiếp tục kêu gọi xã hội hóa. Một tháng kể từ ngày ra thông báo số 125, UBND phường vẫn chỉ nhận được 2 hồ sơ (trong đó có bà Trân).

“Trong lần xét duyệt hồ sơ này (dự kiến cuối tháng 11), chúng tôi sẽ mời lãnh đạo các phòng, ban liên quan, mời các chi bộ mặt trận, cán bộ hưu trí phường cùng tham gia xét chọn nhà đầu tư theo hướng hài hòa lợi ích cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Nếu vẫn không chọn được nhà đầu tư, người dân vẫn phản đối thì ngừng xã hội hóa, báo cáo lại với UBND thành phố”, ông Tĩnh nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.