Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Bắc Kạn. Tham gia thảo luận dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); các vị đại biểu Huỳnh Nghĩa, Lê Văn Hoàng, Thân Đức Nam… đều đề nghị lấy tên luật ngắn gọn là Luật Điều ước quốc tế (ĐUQT).
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Huỳnh Nghĩa thống nhất Điều 29 quy định về các loại ĐUQT phải được phê chuẩn. Tuy nhiên, ĐB đề nghị xem xét lại Khoản 1 Điều 30 về thẩm quyền, nội dung quyết định phê chuẩn ĐUQT để bảo đảm phù hợp, tránh hình thức.
Vì Khoản 1 Điều 30 quy định, Quốc hội quyết định phê chuẩn ĐUQT do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác, nhưng trường hợp ĐUQT do Chủ tịch nước đã trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác mà khi đưa ra Quốc hội không phê chuẩn thì xử lý như thế nào? ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn vấn đề này để tránh tính hình thức. ĐB nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đề nghị Ban soạn thảo cần phải xác định rõ hoạt động giám sát việc ký kết và thực hiện ĐUQT là đặc biệt quan trọng và phải tiếp tục quy định, làm rõ hoạt động này có những đặc điểm gì về quy trình, thủ tục, hậu quả pháp lý và xác định trách nhiệm của các chủ thể cụ thể. Không thể quy định mang tính liệt kê, hình thức mà trách nhiệm thì quá chung chung, không xác định được trách nhiệm chính là của ai và xử lý như thế nào.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận định, nội dung luật này chưa đúng với bản chất của Luật ĐUQT, vì đây là luật khung, quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, chấp thuận… và thực hiện ĐUQT mà nước ta ký kết với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên Chính phủ và các chủ thể khác của luật quốc tế.
Do vậy, ĐB đề nghị không nên quy định riêng về trình tự, thủ tục đàm phán, ký, phê duyệt, sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐUQT nhân danh Chính phủ về vay nợ nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công vào Khoản 3 Điều 77. Bởi vì đưa nội dung cụ thể này vào nợ công thì các lĩnh vực khác liên quan đến các bộ, ngành khác cũng cấp bách, cũng cần thiết tại sao lại không đưa vào luật.
Đối với các ĐUQT là các khoản vay của ADB, WB hoặc các tổ chức tài chính liên Chính phủ khác, ĐB đề nghị cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nợ công của Quốc hội và trưng cầu đánh giá tác động, khả năng trả nợ tại một cơ quan, tổ chức tài chính độc lập hoặc Kiểm toán Nhà nước vì liên quan đến nợ công.
Theo ĐB, mặc dù Khoản 3 Điều 77 đã thể hiện việc đàm phán, ký kết ĐUQT nhân danh Chính phủ về vay nợ nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, nhưng đối chiếu với các quy định nêu trên và xét tầm quan trọng của loại ĐUQT này thì việc ký kết, gia nhập cần có trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm việc quản lý nợ công một cách minh bạch. Do đó, ĐB đề nghị các hồ sơ trình đối với loại ĐUQT này cũng cần bổ sung các tài liệu tương ứng khi trình ký ĐUQT (Điều 18), hồ sơ đề nghị kiểm tra (Điều 10), hồ sơ đề nghị thẩm định (Điều 21)
Trung tướng Lê Văn Hoàng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng (Đà Nẵng) thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại cho rằng định nghĩa ĐUQT tại Điều 2 về cơ bản phù hợp với Công ước Viên về Luật Điều ước năm 1969.
Tuy nhiên, theo ĐB thì luật hiện hành chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề như ủy quyền, đàm phán, ký lưu trữ, công bố văn bản, hướng xử lý nếu trong quá trình thực hiện có quy định trái hoặc khác với pháp luật trong nước. Đồng thời, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, thủ tục ký kết đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước không phải ĐUQT.
Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào luật quy định cụ thể nhằm giải quyết những thiếu sót khi thực hiện các loại thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc cần sửa đổi, bổ sung vào Luật Quản lý nợ công để quy định cụ thể trình tự, thủ tục ký kết các thỏa thuận vay vốn ODA nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. ĐB thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, dự thảo luật bước đầu đã cụ thể hóa quy định tại Khoản 14 Điều 70 Hiến pháp về các ĐUQT thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội thì chưa được thể hiện cụ thể trong luật. Đây là vấn đề luôn được các nước quan tâm trong quá trình đàm phán, ký kết. Vì vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào luật.
PHẠM HỮU HOA