.

Xe khách... lách "chiêu"

.

Mùa mưa là mùa thấp điểm trong năm của hoạt động vận tải hành khách. Chính vì vậy, khoảng thời gian này, các nhà xe nghĩ ra đủ chiêu để có khách lên xe của mình.

Xe dừng giữa đường, phụ xe đứng bên cạnh để cố vét khách – hình ảnh khá phổ biến trong mùa mưa này.
Xe dừng giữa đường, phụ xe đứng bên cạnh để cố vét khách – hình ảnh khá phổ biến trong mùa mưa này.

Tái diễn cảnh “rùa bò”

Bất chấp cơn mưa nặng hạt kéo dài suốt buổi sáng một ngày đầu tháng 11, những chiếc xe khách đi tuyến Bắc - Nam vẫn xuất bến đều đặn đúng như lịch trình. Tuy nhiên, lượng khách trên xe giảm thấy rõ. Bởi vậy, khi vừa rời bến và khuất tầm nhìn chốt Cảnh sát trật tự trước cổng Bến xe Trung tâm, ngay lập tức, xe đã chuyển sang trạng thái “rùa bò”.

Đặc biệt, trên tuyến Đà Nẵng - Huế, do tần suất xuất bến khá dày - khoảng 15-20 phút một xe, nên có thời điểm từ cổng bến xe đến Trường ĐH Bách khoa có tới 5-7 chiếc “nằm” rải rác. Ở đoạn đường này hầu hết phụ xe nhảy xuống để cố mời khách lên xe. Cứ như thế sau khoảng chục phút dừng hẳn trên đường, xe lăn bánh chừng vài trăm mét lại dừng với điệp khúc… vét thêm khách.

Đứng chờ khách dưới lòng đường, phụ xe khách BKS 43X 22… chạy tuyến Đà Nẵng-Huế phân bua: “Mưa ri, xe đầy khách mình chạy thẳng ra Huế không sướng hơn răng anh. Nhưng khách không vô bến mà chỉ đón dọc đường thì mình phải cố vét chứ. Chi phí mỗi chuyến ít nhất là 1 triệu đồng, nếu có khoảng 50% khách thì lỗ là cái chắc”. Câu chuyện của chúng tôi phải bỏ dở, vì phụ xe phát hiện từ chốt trực một chiếc xe Cảnh sát giao thông (CSGT) đang trờ tới. Chiếc xe khách ngay lập tức lăn bánh, thế nhưng khi quan sát thấy xe CSGT chạy vượt qua, tài xế liền dừng hẳn trên đường.

Cũng giống như “kịch bản” các xe chạy tuyến phía Bắc, các xe chạy tuyến phía Nam sau khi qua khỏi cầu vượt ngã ba Huế lập tức chuyển sang tốc độ không thể nào chậm hơn. Tuy nhiên, do mưa quá lớn nên không có khách nào đứng đón trên đường, các xe chạy đến ngã ba Trường Chinh-Hà Huy Tập bắt đầu quay đầu xe trở lại. Sau khi bắt vòng, những chiếc xe khách đến chân cầu vượt Hòa Cầm rồi quay đầu lại ngã ba Trường Chinh-Lê Trọng Tấn, cứ chu kỳ này các xe mới chạy thẳng. Mặc dù đã chạy lòng vòng như vậy, nhưng rất ít xe đón được khách vì mưa quá lớn.

Xe khách “3 không”

Mới đây, tổ kiểm tra liên ngành thành phố đã bắt quả tang xe khách BKS-010.16 đang đón khách tại số 445 Hải Phòng đi tuyến Đà Nẵng-Huế. Qua kiểm tra cho thấy, đây là loại xe khách “3 không” (không có phù hiệu, không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, văn phòng công ty không giấy phép kinh doanh tại Đà Nẵng). Theo các doanh nghiệp đăng ký tuyến cố định tại thành phố, hiện nay có khá nhiều nhà xe kinh doanh theo kiểu “3 không” như vậy.

Trước đây, Hiệp hội Vận tải ô-tô thành phố nhiều lần lên tiếng về tình trạng này vì không công bằng trong hoạt động. Trong khi các đơn vị vận tải có đăng ký tuyến cố định, phải chịu nhiều loại phí, thuế, thì các xe “3 không” hoạt động “chui” nên có thể cạnh tranh về giá.  

Trước tình trạng đó, Bến xe Trung tâm đã phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô-tô tổ chức mật phục ghi hình những chiếc xe này để cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý hàng loạt “bến cóc”, “xe dù”. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm yên, bước vào mùa mưa, xe khách “3 không” đang có xu hướng xuất hiện trở lại.

Theo tìm hiểu, có một số nhà xe hoạt động đón khách chui dưới hình thức khá phổ biến là “xe nhà đi du lịch”. Dưới cái “vỏ” này, xe sẽ đến đón khách bằng ô-tô con tận nhà, rồi tập kết về điểm hẹn để chở khách đi. Chính các nhà xe quảng cáo đi kiểu này đảm bảo giá rẻ hơn trong bến từ 5-10% so với tuyến cố định, mà lại được đón và trả khách ngay tại nhà; thậm chí nhiều tài xế còn “bật mí” cách để tránh lực lượng chức năng trên đường là do không chịu áp lực về thời gian, nên tốc độ luôn đúng quy định của từng đoạn đường, không lấn làn, không vượt ẩu, không ai kiểm tra thì cứ thế mà chạy.

Thực ra, đây là những “chiêu” không mới, nhưng trong điều kiện thời tiết bất lợi, do đó các cơ quan chức năng phải tốn nhiều công sức tuần tra, kiểm soát, mới xử lý được dạng xe này.

Bài và ảnh: Bùi Thanh

;
.
.
.
.
.