Trong ký ức của bà Hồ Thị Kim Thanh (sinh năm 1943, hiện trú 58 Lê Duẩn), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa VII (1981-1987), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, hình ảnh đáng nhớ nhất của Đoàn ĐBQH địa phương là những chuyến đi, dù rất gian nan, khó khăn nhưng đầy khí thế.
Khó khăn trăm bề
Những năm 1980, đất nước vừa mới thống nhất nên đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ. Từ Trung ương đến địa phương đều phải cố gắng, quyết tâm để khắc phục những gì mà chiến tranh để lại. Hành trình đi họp QH của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng gặp không ít gian nan.
“Hồi đó phương tiện đi lại rất ít. Mỗi lần đi Hà Nội họp là phải đi xe đò, xe rất thô sơ, khi chạy thì liên tục hư hỏng. Nếu sang hơn một chút thì đi máy bay cánh quạt. Từ Đà Nẵng đi Hà Nội hơn 2 tiếng đồng hồ, có khi ra đến nơi lại không hạ cánh được vì thời tiết nên cứ bay vòng trên trời cả buổi”, bà Thanh kể.
Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với bà Thanh là những chuyến đi tiếp xúc cử tri các huyện để chuẩn bị cho các kỳ họp QH. Phương tiện đi lại không có, đường sá gập ghềnh, không thuận lợi như bây giờ. Mỗi chuyến đi tiếp xúc cử tri kéo dài cả mấy ngày, có đợt tiếp xúc cử tri tại một số huyện miền núi như Hiên, Tiên Phước... kéo dài cả 7-10 ngày.
“Thời điểm ấy, bà con còn khó khăn lắm, ban ngày lo khai hoang sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi nên lịch tiếp xúc cử tri phải tổ chức vào ban đêm”, bà Thanh kể. Giữa núi rừng hoang vu, bốn bề vắng lặng, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri ngay trên bãi đất trống giữa làng. Dưới ánh đèn dầu leo lét, các cử tri lần lượt đề đạt ý kiến, nguyện vọng của mình.
“Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri có khi kéo dài đến nửa đêm. Đất nước mới thống nhất, cuộc sống quá vất vả nên có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Ý kiến, nguyện vọng nào của cử tri cũng bức thiết, xác đáng nên Đoàn ĐBQH phải lắng nghe, ghi chép chi tiết, cẩn thận để sau này còn trình bày trước nghị trường QH một cách đầy đủ nhất”, bà Thanh nhớ lại.
Trước muôn vàn khó khăn, những hậu quả của cuộc chiến tranh để lại, các cuộc tiếp xúc cử tri vì thế càng trở nên cần thiết, ý nghĩa. Hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng là cầu nối hết sức cần thiết để Trung ương quan tâm đến những vấn đề tồn tại, phát sinh của địa phương, từ đó có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp.
Mong “lửa” cháy mãi
Đất nước giai đoạn 1981-1987 đứng trước ngưỡng cửa đổi mới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời chuẩn bị cho việc ra đời Hiến pháp 1992. Hoạt động của QH khóa VII nói chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng gánh trên vai một trọng trách rất lớn.
“Tinh thần chung của mọi người hồi đó đều rất khí thế, trên dưới một lòng. Mỗi kỳ họp QH diễn ra cũng rất nhanh gọn, chỉ từ 7-15 ngày nhưng lại giải quyết được rất nhiều vấn đề, có vai trò quyết định đến cuộc sống của đồng bào cả nước”, bà Thanh nhớ lại.
Ấn tượng lớn nhất còn đọng lại trong tâm trí của bà Thanh suốt thời gian tham gia ĐBQH đó chính là tinh thần, khí thế của các đại biểu và cử tri trong việc tham gia đóng góp ý kiến cũng như giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.
Theo bà Thanh, ĐBQH chính là người được dân bầu, đại diện cho tiếng nói của nhân dân nên càng phải làm thế nào để xứng đáng với niềm tin đó. Thời điểm ấy, dù khó khăn trăm bề nhưng cán bộ và người dân “tuy hai mà một” nên mọi chủ trương, chính sách trên dưới đều nhất quán.
“Mỗi thời kỳ đều có những khó khăn, thách thức riêng, nhưng chung quy lại, dù ở bất cứ thời điểm nào cũng cần làm tốt vai trò của mình. Giờ đây, thông qua việc theo dõi thời sự, tin tức đã khiến tôi suy nghĩ nhiều điều.
Làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng đại biểu vắng mặt tại các kỳ họp QH, bởi nếu một đại biểu vắng mặt thì có nghĩa là tiếng nói của một bộ phận nhân dân đã không được chuyển tải. Bên cạnh đó, tình trạng bãi nhiệm ĐBQH đã xảy ra trong những khóa gần đây đặt ra cho chúng ta một thách thức, trăn trở, đó chính là việc đặt niềm tin đúng nơi đúng chỗ, việc lựa chọn người đại biểu xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân là điều hết sức cần thiết”, bà Thanh bộc bạch.
PHAN CHUNG