.
70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (6-1-1946 - 6-1-2016)

Những giá trị lịch sử

.

Chỉ bốn tháng sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6-1-1946, nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng phổ thông đầu phiếu. Bằng cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, nhân dân ta thực hiện lời thề thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân, đồng bào, trịnh trọng tuyên bố với thế giới trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945:“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (1).

Tiếp tục sự nghiệp cách mạng, khẳng định nền độc lập và chủ quyền thiêng liêng của dân tộc

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã lật đổ ách thống trị của thực dân và phong kiến, đất nước giành được độc lập, nhân dân ta giành được chính quyền nhưng đó mới chỉ là chính quyền lâm thời, chưa có cơ sở pháp lý.  

Trong bối cảnh lúc bấy giờ, thù trong, giặc ngoài đang đe dọa sự tồn vong của nền độc lập non trẻ, ở trong nước kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn chồng chất, vận mệnh dân tộc ở trong tình thế “chỉ mành treo chuông”, hay “ngàn cân treo sợi tóc”, để tăng cường củng cố chính quyền, cần nhanh chóng triển khai Tổng tuyển cử trong cả nước nhằm biến những tư tưởng trong Cương lĩnh của Đảng, Chương trình Việt Minh, đặc biệt là Tuyên ngôn Độc lập thành căn cứ pháp lý có tính hiến định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hơn nữa, để thực hiện quyền tối cao của quốc gia trong tổ chức cuộc kháng chiến, kiến quốc và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế, cần phải bầu ra cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và lập hiến. Việc tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nhằm hợp thức hóa, tạo ra thế hợp pháp cho bộ máy nhà nước trong việc “thực hiện công cuộc đối nội và đối ngoại của đất nước, dựa trên nền tảng thực hiện quyền dân chủ của nhân dân” (2). Bởi lẽ, quyền lực nhà nước thông qua bầu cử dân chủ là thuộc tính chính trị - pháp lý thể hiện chủ quyền của một quốc gia (3). Chính vì lẽ đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương khẩn trương tiến hành Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội thống nhất của cả nước, đồng thời triển khai soạn thảo và thông qua Hiến pháp. Đây là một trong những nhiệm vụ “khẩn cấp” hàng đầu vì “phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quyết định Hiến pháp, bầu cử Chính phủ chính thức” (4).

Cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ngày 6-1-1946 đã bầu ra Quốc hội (thời kỳ đó là Nghị viện nhân dân) - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Từ đây, nhân dân chính thức trao quyền lực của mình cho Quốc hội - cơ quan thực hiện quyền ủy quyền để quyết định vận mệnh đất nước và dân tộc.

Với thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, nhân dân ta thể hiện bước đầu tiên thực hiện chủ quyền quốc gia của mình, đó là quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn, đầy đủ về tất cả các mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp; trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia.

Thể hiện tinh thần đó, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I trịnh trọng khẳng định: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân”.

“Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam” (5).

Thắng lợi của Tổng tuyển cử Quốc hội ngày 6-1-1946 và sau đó Hiến pháp được thông qua ngày 9-11-1946 là những mốc lịch sử đánh dấu quá trình lập quốc, lập hiến và lập pháp ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới trong tiến trình lịch sử của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, dân chủ, tự do và đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh để giành độc lập và chủ quyền quốc gia trọn vẹn, nhân dân Việt Nam phải trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (từ năm 1945 đến năm 1954) và kháng chiến chống Mỹ xâm lược (từ năm 1954 đến năm 1975) buộc các nước phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam qua các Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) và Hiệp định Paris (1973). Điều 1, Chương I Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam khẳng định:“Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Như vậy, kế tiếp thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 là bước vô cùng quan trọng để nhân dân ta tiếp tục chiến đấu 30 năm để thu giang sơn về một mối, độc lập tự do mới toàn vẹn, nhân dân ta thực hiện chủ quyền dân tộc thiêng liêng của mình.

Thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam

Để Tổng tuyển cử giành thắng lợi, từ khi có chủ trương, công tác chuẩn bị được triển khai hết sức khẩn trương và bảo đảm tính dân chủ, công khai.

Ngày 3-9-1945, một ngày sau ngày công bố Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” gồm 6 vấn đề, trong đó có nhiệm vụ khẩn trương tổ chức Tổng tuyển cử bằng chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và lập hiến.

Triển khai chủ trương đó, ngày 8-9-1945, một tuần sau ngày Tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14-SL quyết định tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội trong phạm vi cả nước. Ngày 10-12-1945, danh sách các ứng cử viên đã được niêm yết rộng rãi. Tại Hà Nội có 74 ứng cử viên để bầu 6 đại biểu, Hồ Chí Minh là ứng cử viên ở Hà Nội.

Công tác tuyên truyền vận động bầu cử được thực hiện đúng trình tự của một cuộc bầu cử dân chủ tự do. Ngày 31-12-1945, Hồ Chí Minh viết bài đăng trên Báo Cứu quốc, số 130: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài để gánh vác công việc nước nhà” (6).

Mặc dù có uy tín lớn trong nhân dân nhưng là một ứng cử viên ở khu vực Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tuân thủ các bước theo quy định chung. Ngày 5-1-1946, tại Khu học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các ứng cử viên ra mắt, gặp gỡ cử tri. Trước đông đảo quần chúng, Người nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” (7).

Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị rất phức tạp. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp đã mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, dựng lên chế độ “Nam Kỳ tự trị” với một chính phủ bù nhìn tay sai. Ở phía Bắc, từ vĩ tuyến 16 trở ra, 18 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân Nhật. Chúng kéo theo bè lũ tay sai Việt Nam quốc dân đảng, Việt Nam cách mệnh đồng minh hội… về nước, hòng chiếm lấy chính quyền. Dựa vào quân đội Tưởng Giới Thạch, những tên Việt gian hoành hành dữ dội, nói xấu chính phủ lâm thời, phá hoại quá trình tổng tuyển cử và gây ra nhiều vụ cướp của, giết người rất dã man. Chúng dùng nhiều thủ đoạn bỉ ổi để đe dọa, xuyên tạc vu khống chính quyền cách mạng.

Trong bối cảnh đó, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 không chỉ là ngày hội của cả nước, ngày hội non sông, mà còn là ngày nhân dân ta thể hiện tinh thần yêu nước, “dùng lá phiếu mà chống với quân địch”, vì “một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn” (8). Thông qua Tổng tuyển cử, nhân dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập tự do bằng cách: “Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, Kiên quyết tranh quyền độc lập” (9). Nhân dân ta từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ vùng đang sống trong hòa bình đến vùng đang có chiến sự tại 71 tỉnh, thành phố trong cả nước (lúc đó) đều bày tỏ niềm tin tưởng vào những đại biểu Việt Minh và những người yêu nước chân chính.

Ở Hà Nội, từ sáng sớm ngày 6-1, nhân dân đã nô nức đi bỏ phiếu. Hồ Chủ tịch và các vị trong chính phủ cùng đi bỏ phiếu với nhân dân tại các trụ sở khu phố. Toàn thành phố có trên 187.000 cử tri thì 172.765 cử tri đã đi bầu, đạt tỷ lệ 92,39%; Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với tỷ lệ cao nhất 98,4% số phiếu bầu (10).

Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở những cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Tổng tuyển cử. Riêng ở Sài Gòn, Chợ Lớn có 42 cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng, tiêu biểu là tấm gương hy sinh của Nguyễn Văn Tư, cán bộ của Tổng Công đoàn (11). Lá phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử được gọi là “lá phiếu máu”, vì nó thấm máu của những chiến sĩ đã quên mình cho nền Độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng.

Mặc dù đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, lại diễn ra trong hoàn cảnh phức tạp, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu ở các địa phương đạt từ 65% đến 95% và đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó, Bắc Bộ 152, Trung Bộ 108, Nam Bộ 73. Về thành phần, có 87% đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; có 57% đại biểu thuộc các đảng phái dân chủ khác nhau (36% là thuộc Mặt trận Việt Minh, 14% là Đảng Dân chủ Việt Nam; 7% là Đảng Xã hội Việt Nam), 43% đại biểu không đảng phái; trong đó đáng chú ý là có 5 đại biểu các tôn giáo, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số (12). Điều này đã cho thấy trên hiện thực mô hình một Nhà nước kiểu mới, đó là Nhà nước công nông binh, Nhà nước của nhân dân, Nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân. Nhà nước đó xét về bản chất là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Như vậy, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ cộng hòa, toàn thể nhân dân từ Nam chí Bắc đã tham gia bỏ phiếu, thể hiện tinh thần vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thể hiện niềm tin vào chế độ mới, bằng hành động thể hiện ý chí độc lập tự chủ đối với đất nước.
Đánh giá ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I ngày 2-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mang thẻ Đại biểu số 305, trong diễn văn khai mạc long trọng, đã đánh giá: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta… gồm tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm, tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc” (13).

(Còn nữa)

PGS, TS Trương Minh Dục


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4 (1945 - 1946), tr.3.

(2) Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946 - 1960), Sđd, tr.53.

(3) Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập I, Trung tâm Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1995, tr.519.

(4) Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946 - 1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.138.

(5) Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa  thứ nhất, Hồ sơ số 1, Văn phòng Quốc hội.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 153.

(7) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 4 (1946 - 1950), tr. 120.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.216.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.216.

(10) Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư: Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1998. tr.17.

(11) Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư: Sđd, tr. 17.

(12) Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư: Sđd, tr.17, 18.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.216.

;
.
.
.
.
.