Hoạt động của Quốc hội khóa XIII ngày càng đổi mới, chất lượng, có hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Thành công của nhiệm kỳ QH có sự đóng góp quan trọng của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị thành phố Đà Nẵng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam (6-1-1946), Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa có cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng về vấn đề này.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. |
* Với tư cách là Trưởng Đoàn ĐBQH, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của QH khóa XIII?
- QH khóa XIII ngày càng đổi mới mạnh mẽ về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, quyết định các vấn đề quan trọng, đặc biệt mỗi kỳ họp của QH đều có nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn. Nổi bật nhất tại kỳ họp thứ 10 của QH vừa qua là hoạt động chất vấn thể hiện sự dân chủ rộng rãi. Tất cả các chức danh do QH bầu đều phải trả lời chất vấn.
Các ĐBQH đã chất vấn Chủ tịch QH, Thủ tướng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên Chính phủ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử QH, các ĐBQH đã chất vấn không theo nhóm vấn đề đã dự kiến và chất vấn những vấn đề đã chất vấn. Qua đó, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các trưởng ngành, cũng như gợi mở cho QH khóa sau có cơ chế không để các “tư lệnh ngành” không thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình trước QH, trước cử tri.
* Hoạt động của Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng đã có những đóng góp gì cho thành công của QH khóa XIII, thưa ông?
- Thành công của Đoàn ĐBQH thành phố thể hiện trên cả 3 chức năng quan trọng của QH: Xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tất cả các thành viên trong Đoàn đều có những nỗ lực vượt bậc tham gia tích cực 3 chức năng này và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ĐBQH, xứng đáng với niềm tin, sự gửi gắm của cử tri thành phố và cử tri cả nước.
Cử tri theo dõi hoạt động của QH có thể thấy tham gia xây dựng pháp luật là một thế mạnh của Đoàn ĐBQH thành phố. Các thành viên trong Đoàn rất tích cực nghiên cứu, tham gia phát biểu sôi nổi, tâm huyết với nhiều ý tưởng mới có tính đột phá; kiến nghị đưa vào luật những nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo tính pháp chế XHCN, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ trong xây dựng thiết chế bộ máy Nhà nước.
Nhiều ý kiến phát biểu của các thành viên trong Đoàn gây ấn tượng mạnh mẽ đối với công luận, có tác động sâu sắc đến nghị trường. Tại các kỳ họp, những thành viên trong Đoàn đều có sự đầu tư nghiên cứu sâu, thảo luận kỹ và thận trọng trước khi bấm nút thông qua những vấn đề quan trọng của đất nước.
Giám sát cũng là hoạt động nổi trội của Đoàn ĐBQH thành phố, đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh hoạt động tham gia giám sát cùng QH, Ủy ban Thường vụ QH, các Ủy ban, Hội đồng của QH, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức giám sát độc lập trên địa bàn thành phố 26 chuyên đề, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà cử tri và dư luận quan tâm.
Hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ này của Đoàn ĐBQH thành phố có nhiều khởi sắc, đổi mới, cải tiến, ngày càng phát huy tính dân chủ và khắc phục dần tính hình thức. Nhiều kiến nghị sau giám sát của Đoàn được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ở địa phương tiếp thu, xử lý, giải quyết.
Cử tri thành phố phát biểu ý kiến, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: VIỆT DŨNG |
* Thưa ông, trong số nhiều ý kiến chất vấn, kiến nghị được QH khóa XIII tiếp thu, có những kiến nghị nào là dấu ấn sâu sắc của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng?
- Đối với công tác xây dựng luật, chế định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp 2013 đã ghi nhận ý kiến đóng góp xác đáng của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng với nguyên tắc: Ở đâu có chính quyền, ở đó có HĐND.
Qua ý kiến của Đoàn và các ĐBQH, QH đã lùi thời gian thông qua Luật Đất đai sửa đổi để chờ thông qua Hiến pháp trước. Một số kiến nghị của Đoàn về kinh nghiệm di dời, giải tỏa đền bù đất đai, bố trí tái định cư của Đà Nẵng được tiếp thu đưa vào Luật Đất đai 2013.
Đặc biệt, thành viên của Đoàn đã thể hiện chính kiến rất rõ ràng, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao trong thảo luận các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội mà dư luận quan tâm như: Tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng-an ninh, chủ trương xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh, tái cơ cấu nền kinh tế, thủy điện, nợ công, Đề án đổi mới giáo dục-đào tạo, về giá thuốc và dịch vụ y tế; bố trí 225.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho cả giai đoạn 2011 - 2015 để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH…
Các vị ĐBQH của thành phố đã tham gia giám sát rất hiệu quả dưới hình thức chất vấn trực tiếp Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ... tại nghị trường QH về nhiều vấn đề lớn, bức xúc của quốc gia như: Công tác phòng, chống tham nhũng; giải pháp điều hành giá xăng, dầu sang cơ chế thị trường; việc giao các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng; việc xử lý tình trạng quá tải ở các bệnh viện; việc cải cách nền hành chính quốc gia…
Những điểm mới trong hoạt động chất vấn của Đoàn ĐBQH thành phố đã góp phần làm cho hoạt động của QH trở nên sôi động, thiết thực, được nhân dân và công luận xã hội tán đồng. Chính những hình thức giám sát đa dạng như trên của Đoàn ĐBQH thành phố đã góp phần quan trọng giải quyết nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra.
* Đánh giá hoạt động của Đoàn trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, ông thấy điều gì còn hạn chế so với yêu cầu của cử tri?
Ông Huỳnh Nghĩa: Thành viên của Đoàn ĐBQH thành phố cũng như các ĐBQH nói chung đã đóng góp quan trọng cho sự thành công của nhiệm kỳ QH khóa XIII. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả chung cũng như kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố vẫn còn có mặt hạn chế chưa đáp ứng hết các mong muốn, nguyện vọng của cử tri đã gửi gắm.
Trong quá trình đổi mới, có những cái mới mà ta chưa theo kịp hoặc quá trình hoạt động vẫn còn những hạn chế, khiếm khuyết đòi hỏi các vị ĐBQH nếu tiếp tục trúng cử khóa sau phải rút kinh nghiệm, phải nỗ lực hơn nữa mới đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
* Xin cảm ơn ông!
SƠN TRUNG thực hiện